Ghi nhận của ngành đường sắt cho thấy, nhu cầu đi lại của hành khách dần hồi phục, nhất là trên các tuyến vận tải phục vụ du lịch. Ngành đường sắt đã có nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có việc phối hợp với các phương tiện vận chuyển khác, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trong những tháng đầu năm 2023, tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng chứng kiến lượng hành khách tăng trưởng vượt bậc, bằng 150% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu so với thời điểm trước khi xuất hiện dịch Covid-19 (năm 2019), lượng hành khách cũng tăng 40%. Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hành khách lựa chọn đi tàu tuyến Hà Nội-Hải Phòng xuất phát từ việc ngành đường sắt và TP Hải Phòng đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm trải nghiệm du lịch. Hành khách có thể sử dụng mã QR trên tàu, tại nhà ga, trên website của Sở Du lịch TP Hải Phòng để tra cứu bản đồ các điểm tham quan, dịch vụ ăn uống… Cùng với đó, các dịch vụ mở rộng để tạo thuận tiện cho khách hàng cũng được triển khai như cho thuê xe đạp công cộng, thuê xe máy, xe điện tại nhà ga. Chính sách giá vé của ngành đường sắt cũng là điểm cộng để thu hút hành khách. Trong đó có chương trình vé tháng, áp dụng như vé xe buýt, hành khách không bị hạn chế lượt đi tàu trong ngày, trong tháng, được sử dụng mọi loại chỗ trên đoàn tàu, gồm cả toa chất lượng cao.
Đại diện Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, trên các tuyến đường sắt do Công ty quản lý, khai thác, nhu cầu vận tải trong dịp hè năm nay tăng cao so với năm 2022. Tập trung đông nhất ở các tuyến Hà Nội-Đồng Hới (Quảng Bình), Hà Nội-Huế (Thừa Thiên Huế), Hà Nội-Đà Nẵng. Hiện nay, hành khách đã không còn tâm lý e ngại khi di chuyển bằng phương tiện công cộng. Công ty bước đầu đã vượt qua giai đoạn vất vả nhất do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhu cầu đi lại mới chỉ đang có dấu hiệu dần hồi phục vì thu nhập, việc làm của người dân ở một số lĩnh vực vẫn còn không ít khó khăn.
Hành khách đi tàu từ ga Long Biên (Hà Nội). Ảnh: HỒNG NĂM
|
Một số hành khách vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm với dịch vụ trên tàu như khu vệ sinh chưa sạch sẽ, suất ăn còn kém hấp dẫn… Để thu hút hơn nữa hành khách đi tàu, vấn đề cải thiện chất lượng dịch vụ là yêu cầu hàng đầu với ngành đường sắt. Theo Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, mặc dù thời gian di chuyển bằng đường sắt lâu hơn so với đường hàng không, tuy nhiên, đối với các tuyến du lịch có cự ly trung bình, hành trình đoàn tàu đã được bố trí hợp lý để hành khách tận dụng thời gian ngủ đêm trên tàu. Bên cạnh đó, thực đơn cho suất ăn trên tàu cũng được xây dựng với món ăn đa dạng, giá cả hợp lý để hành khách có nhiều lựa chọn. Với những hành khách không bị hạn chế về thời gian, việc di chuyển bằng tàu hỏa mang lại những trải nghiệm thú vị khi cùng giao lưu với hành khách khác, được ngắm cảnh, nhất là lúc tàu đi qua các địa danh du lịch nổi tiếng. Với một số đoàn khách, ngành đường sắt bố trí thêm toa xe cộng đồng để hành khách vui chơi, sinh hoạt tập thể trên tàu.
Đối với nhà vệ sinh trên tàu, đơn vị khai thác hiện đã bố trí lao động chuyên trách về công tác này. Tại ga tàu xuất phát và dọc đường, định kỳ khi thực hiện xong công tác vệ sinh, các tổ tiếp viên trên tàu phải báo cáo về cho các bộ phận liên quan bằng hình ảnh.
Cùng với các đoàn tàu chở khách, vận chuyển hàng hóa là điểm sáng của ngành đường sắt thời gian qua. Trong đó, vận chuyển container qua đường sắt trên tuyến Bắc-Nam tăng trưởng mạnh. Khối lượng vận chuyển container năm 2022 của Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đạt hơn 816.000 tấn, bằng 297,8% so với năm 2019. Giai đoạn tới, ngành đường sắt sẽ đẩy mạnh khai thác vận tải hàng hóa với các luồng hàng có nhu cầu vận chuyển cao, có lợi thế cạnh tranh như: Vận chuyển container; hàng liên vận quốc tế…
MẠNH HƯNG