(QBĐT) – Năm 2022, xăng, dầu tăng giá kéo theo các chi phí hậu cần tăng… khiến cho nhiều tàu cá ở Quảng Bình phải chấp nhận nằm bờ. Nhưng từ đầu năm đến nay, thời tiết thuận lợi, giá dầu đã giảm, giá hải sản tăng… ngư dân phấn khởi vươn khơi bám biển, hứa hẹn một mùa khai thác mới đầy khởi sắc.
Năm 2022 là một năm nhiều khó khăn đối với lĩnh vực khai thác thủy sản. Trong đó, giá nhiên liệu tăng cao, giá vật tư, các mặt hàng phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo, thiếu lao động đi biển… nên có giai đoạn các đội tàu phải tạm ngưng, giảm hoạt động khai thác, chấp nhận nằm bờ vì các chuyến ra khơi đều thua lỗ hoặc hòa vốn.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, ngư dân đánh bắt gần bờ ở các địa phương “trúng” các loại hải sản có giá trị kinh tế cao, như: Cá khoai, cá đù, mực, cá trích, tôm bộp… Với giá bán các sản phẩm ổn định, cho thu nhập cao nên ai cũng phấn khởi, yên tâm bám biển khai thác.
Có mặt tại chợ cá bãi biển Nhân Trạch (Bố Trạch) trong những ngày gần đây, chúng tôi nhận thấy tàu thuyền ngư dân ra vào bờ tấp nập, nhộn nhịp với những chuyến biển đánh bắt cá nục đầu mùa. Ngay từ tờ mờ sáng, ngư dân tất bật, khẩn trương đưa hải sản đánh bắt được vào bờ tiêu thụ và chuẩn bị ngư lưới cụ, vật tư để sẵn sàng cho chuyến biển mới.
Ngư dân Nguyễn Văn Âu, xã Nhân Trạch cho biết: Từ đầu năm đến nay, nhờ thời tiết tốt nên tàu của ông đã có nhiều chuyến đi biển thuận lợi, bắt được nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, xăng dầu giảm giá đáng kể nên các chuyến đi biển của ông đã có lãi trở lại, không lỗ vốn như những chuyến đi biển trước tháng 7/2022, do giá xăng dầu tăng cao. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, chúng tôi cũng đã có nhiều chuyến biển đánh bắt thuận lợi, cho lãi cao. Riêng những chuyến biển gần đây, chúng tôi bắt đầu chuyển sang khai thác cá nục đầu mùa, với giá bán từ 35.000-50.000/kg nên ngư dân đều có lãi.
|
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết: Sản lượng khai thác thủy sản trong tháng 3 của huyện ước đạt 1.841 tấn, bằng 101,7% so với cùng kỳ; sản lượng 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4.307 tấn, đạt 19,72% so với kế hoạch năm, bằng 100,3% so với cùng kỳ.
Để động viên, khích lệ ngư dân vươn khơi, bám biển khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo, ngay từ đầu năm, Phòng NN-PTNT huyện đã kịp tham mưu Huyện ủy, UBND huyện tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các chủ tàu cá, tổ hợp tác, hợp tác xã, hội nghề cá tại các xã vùng biển trong lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm.
Thời gian tới, phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản để hoàn thành mục tiêu sản lượng đã đề ra, đồng thời, tăng cường tuyên truyền Luật Thủy sản 2017 và chống khai thác IUU.
Bên cạnh tàu khai thác gần bờ thì từ đầu năm đến nay, thời tiết thuận lợi, ngư dân đánh bắt xa bờ đã có nhiều chuyến biển thu về lãi cao. Ông Đào Xuân Toại, chủ tàu cá làm nghề rập ghẹ xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) cho biết: Nhiên liệu chiếm khoảng 70% tổng chi phí cho một chuyến đi biển đánh bắt hải sản nên khi giá dầu giảm xuống, làm ăn có lãi, ngư dân chúng tôi ai cũng vui mừng. Năm 2022, không chỉ giá xăng dầu cao mà giá bán hải sản đánh bắt cũng bấp bênh nên các chuyến ra khơi không được bao nhiêu, nhiều thuyền viên không ai mặn mà. Năm nay giá hải sản đầu mùa khá cao, giá ghẹ trung bình từ 400-600 nghìn đồng/kg, có lúc ghẹ đỏ loại đặc biệt giá lên tới 1,1 triệu đồng/kg nên mỗi chuyến ra khơi đều có có lãi. Đặc biệt, những năm gần đây có tàu thu mua tận nơi nên tàu có thể đi chuyến dài từ 20 ngày đến 1 tháng, không cần phải vào bờ để tiêu thụ nên giảm được nhiều chi phí. Chuyến biển gần đây tàu thu về được 400 triệu đồng, trừ chi phí, anh em đi cùng mỗi người được 17 triệu đồng, ai cũng vui vẻ, phấn khởi.
Nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đánh bắt thủy sản có hiệu quả, Chi cục Thủy sản đã tích cực tham mưu Sở NN-PTNT ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất khai thác, tăng cường hoạt động kiểm tra an toàn kỹ thuật cho tàu cá; thông báo rộng rãi các thông tin về ngư trường cho ngư dân biết và sử dụng các bản tin dự báo ngư trường khai thác, qua đó giúp ngư dân chủ động di chuyển, tìm kiếm ngư trường, các vùng có nguồn lợi thủy sản lớn, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả.
Trong quý I/2023, sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 13.692,3 tấn; trong đó, cá 11.382,7 tấn, tôm 386,5 tấn, thủy sản khác 1.923,1 tấn; riêng khai thác thủy sản trên biển đạt 12.914 tấn, bằng 104,7% so với cùng kỳ 2022. |
Chi cục cũng đã tích cực vận động ngư dân tổ chức sản xuất theo tổ đội, kết nối thông tin sản xuất, kết hợp khai thác với dịch vụ hậu cần để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình khai thác, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm trên biển, kéo dài chuyến biển nhằm giảm chi phí sản xuất; tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chuyển sang nghề khai thác, sử dụng thiết bị ít tiêu hao nhiên liệu, đa nghề khai thác trên đơn vị tàu cá để luân phiên khai thác theo mùa vụ và ngư trường, ưu tiên các nghề khai thác có chọn lọc, hiệu quả, như: Câu khơi, lưới vây, nghề chụp, lưới rê…
Đặc biệt, tích cực kết nối đơn vị cung cấp hệ thống đèn LED trang bị trên tàu cá với ngư dân để thuận tiện trong lắp đặt. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 300 chủ tàu lắp đặt và sử dụng hệ thống đèn LED để thay thế hệ thống đèn cao áp sợi đốt trong khai thác thủy sản, nhờ đó tiết kiệm được nhiên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lê Ngọc Linh cho biết: Thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục chỉ đạo duy trì khai thác vùng biển xa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu nhằm giảm tổn thất sau khai thác, nâng cao giá trị; khuyến khích ngư dân nắm bắt ngư trường, đa nghề khai thác, chuyển đổi nghề có hiệu quả, tiết kiệm được nhiên liệu; tuyên truyền ngư dân tiếp tục phát huy hoạt động của tổ, đội khai thác trên biển, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm trên biển nhằm tiết kiệm chi phí nhiên liệu, nâng cao hiệu quả, bảo đảm an toàn trên biển.
Thanh Hoa