Ý tưởng phát triển robot y tá thông minh xuất phát từ sự quan sát thực tế của nhóm AIoT BKR, gồm 5 sinh viên Đại học Bách khoa TPHCM, với mong muốn đóng góp vào sự phát triển của ngành y. Dưới sự dẫn dắt của PGS.TS Lê Thanh Long, giảng viên khoa Cơ khí, ý tưởng này đã giành giải Nhất về khoa học của trường.
Theo PGS.TS Lê Thanh Long, tình trạng thiếu hụt nhân lực tại các bệnh viện và cơ sở y tế đang là một vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng. Việc ra đời một thiết bị hỗ trợ nhằm đơn giản hóa quy trình theo dõi sức khỏe, vận chuyển vật tư y tế và hỗ trợ các bác sĩ trong khám, chữa bệnh là vô cùng cấp thiết.
“Theo nghiên cứu năm 2022 của Bộ Y tế, các bệnh viện lớn đang đối mặt với tình trạng quá tải khi có đến 20% y tá phải làm việc vượt quá khả năng của mình. Tình trạng thiếu hụt này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc người bệnh mà còn dẫn đến các lỗi phát thuốc trong bệnh viện bắt nguồn từ quy trình thủ công”, Trưởng nhóm nghiên cứu Trần Vũ Gia Huy cho hay.
Từ thực tế đó, nhóm đã phát triển ý tưởng robot y tá Florence, với mục tiêu cải thiện chất lượng chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện Việt Nam. Florence được trang bị những tính năng tiên tiến như tự động điều hướng, giao tiếp bằng giọng nói, đo lường và phân tích dữ liệu.
Sử dụng trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật, robot này có khả năng nhận diện, thu thập dữ liệu bệnh nhân và hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán, điều trị.
Một trong những hạn chế của mô hình robot y tá hiện nay là chi phí và độ tương thích về mặt công nghệ, chức năng. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã tìm cách giảm giá thành sản phẩm với chi phí chỉ bằng 1/5 robot nhập khẩu.
Đồng thời, robot có thể làm chủ công nghệ và công tác vận hành, bảo dưỡng thuận lợi vì được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Thiết kế các chức năng cũng được nhóm tính đến để phù hợp với đặc tính của bệnh nhân Việt Nam như giao tiếp bằng giọng nói, chăm sóc 24/7, hiểu được văn hóa và phong tục tập quán của người Việt.
Một trong những thách thức lớn nhất mà nhóm phải đối mặt đó là việc thuyết phục các cơ sở y tế và bệnh nhân tin tưởng vào hiệu quả và độ an toàn của robot trong việc chăm sóc sức khỏe.
Bên cạnh đó, việc tích hợp robot vào quy trình làm việc hiện tại của bệnh viện cũng đòi hỏi sự thay đổi về quy trình và đào tạo nhân viên. Một số cải tiến quan trọng mà nhóm đang tiếp tục thực hiện bao gồm: Tối ưu hóa kiểu dáng sản phẩm để dễ di chuyển trong không gian bệnh viện chật hẹp; thay thế linh kiện bằng các mô-đun công nghiệp, tích hợp chip có khả năng lưu trữ và xử lý dữ liệu nhanh hơn.
Các thuật toán về nhận diện người dùng, quét khuôn mặt và điều hướng robot cũng cần được tối ưu hóa, đặc biệt khi hoạt động trong môi trường thực tế với số lượng bệnh nhân lớn.
Quá trình cải tiến sản phẩm có thể kéo dài trong 1 năm, thông qua các giai đoạn thử nghiệm thực tế và sự đánh giá từ các bác sĩ, y tá và các chuyên gia công nghệ y tế. Đồng thời, sự đóng góp ý kiến từ các đội ngũ y, bác sĩ sẽ giúp hoàn thiện sản phẩm tốt hơn.
PGS.TS.Lê Thanh Long cho biết, để đảm bảo an toàn, thời gian tới, nhóm sẽ tiến hành các thử nghiệm nghiêm ngặt về khả năng di chuyển, tránh vật cản của robot. Đồng thời, sẽ đánh giá khả năng tương tác của robot với người dùng ở các độ tuổi, giới tính khác nhau.
“Chúng tôi tin rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, robot y tá sẽ đáp ứng được tất cả các yêu cầu khắt khe của môi trường bệnh viện và mang lại lợi ích cho cả bệnh nhân và cơ sở y tế”, PGS.TS Lê Thanh Long khẳng định.
Với sản phẩm robot y tá Florence, nhóm AIoT BKR đã đoạt giải Nhất cuộc thi “Bach khoa Innovation 2024” của Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Sắp tới, nhóm hy vọng tham gia giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học và các cuộc thi về khoa học công nghệ khác.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/nhom-sinh-vien-dai-hoc-bach-khoa-tphcm-sang-che-robot-y-ta-thong-minh-20241105133903737.htm