(CLO) Một trong những nhóm phiến quân dân tộc lớn nhất Myanmar cho biết họ sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với chính quyền quân sự nước này nhằm chấm dứt hơn một năm giao tranh tàn phá các khu vực biên giới với Trung Quốc.
Trong tuyên bố được đưa ra vào cuối ngày 3/12, nhóm nổi dậy Quân đội Liên minh Dân tộc Quốc gia Myanmar (MNDAA) thông báo: “Từ hôm nay trở đi, chúng tôi sẽ ngừng bắn ngay lập tức và sẽ không chủ động tấn công quân đội Myanmar”.
“Chúng tôi sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với quân đội Myanmar về các vấn đề như Lashio dưới sự trung gian của Trung Quốc”, tuyên bố cho biết, ám chỉ đến thành phố Lashio mà các chiến binh của MNDAA đã bất ngờ chiếm được vào tháng 8.
MNDAA cho biết họ “sẵn sàng cử một phái đoàn cấp cao để tham gia đối thoại và tham vấn với quân đội Myanmar, cũng như giải quyết các xung đột và khác biệt thông qua các biện pháp chính trị”.
MNDAA, một lực lượng với khoảng 8.000 chiến binh, đã chiến đấu với quân đội Myanmar trong hơn một thập kỷ để giành quyền tự trị cho cộng đồng dân tộc thiểu số Kokang ở phía bắc bang Shan.
Năm ngoái, nhóm MNDAA cùng với hai nhóm phiến quân đồng minh khác đã phát động các cuộc tấn công vào quân đội Myanmar và chiếm đóng nhiều vùng đất tại bang Shan, bao gồm các mỏ hồng ngọc và một tuyến đường thương mại quan trọng nối Myanmar với Trung Quốc.
Tuần trước, Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA), một đồng minh của MNDAA, cũng đã bày tỏ sự sẵn sàng tham gia đàm phán với chính quyền quân sự.
Quân đội Arakan (AA), nhóm phiến quân thứ ba trong liên minh, vẫn đang tiếp tục chiến đấu với quân đội Myanmar tại bang Rakhine, vùng ven biển phía tây Myanmar. Đây là nơi có các dự án cảng quan trọng do Trung Quốc và Ấn Độ hậu thuẫn.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi chấm dứt giao tranh ở bang Shan, khu vực chiến lược quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD của nước này.
Myanmar là nơi sinh sống của hàng chục nhóm dân tộc, những nhóm đã nổi loạn chiến đấu với quân đội Myanmar trong nhiều thập kỷ để giành quyền tự trị và kiểm soát các tài nguyên thiên nhiên phong phú, bao gồm ngọc bích, gỗ và thuốc phiện.
Ngọc Ánh (theo AFP)
Nguồn: https://www.congluan.vn/nhom-phien-quan-lon-myanmar-keu-goi-dam-phan-voi-chinh-quyen-quan-su-post324135.html