Hội nghị Ngoại trưởng các nước nhóm Bộ tứ đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh hết sức quan ngại về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông…
Từ trái sang phải: Các Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar (Ấn Độ), Kamikawa Yoko (Nhật Bản), Penny Wong (Australia ) và Antony Blinken (Mỹ) tại Tokyo, ngày 29/7. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 29/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko đã chủ trì Hội nghị Ngoại trưởng các nước nhóm Bộ tứ tại thủ đô Tokyo với sự tham dự của những người đồng cấp Penny Wong (Australia), Subrahmanyam Jaishankar (Ấn Độ) và Antony Blinken (Mỹ).
Hội nghị đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh “hết sức quan ngại về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời khẳng định phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động đơn phương nào tìm cách thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép…”.
Bên cạnh quan ngại về an ninh biển và tự do hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, Ngoại trưởng bốn nước cũng đề cập các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Tiều Tiên và cuộc xung đột ở Ukraine. Ngoại trưởng nhóm Bộ tứ cho rằng, đây là những đe dọa chính đối với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”. Phát biểu tại họp báo, Ngoại trưởng nước chủ nhà Kamikawa Yoko chia sẻ thêm, “Trật tự và tình hình quốc tế đang phải đối mặt với bất ổn ngày càng nhiều với các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực, đặc biệt ở Biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Blinken phát biểu rằng, dù thế giới đối mặt với các cuộc xung đột tại Dải Gaza, Ukraine, Nam Sudan và “chúng ta phải nỗ lực để chấm dứt các xung đột đó, nhưng không sao nhãng khỏi tầm nhìn và vẫn tập trung mạnh mẽ vào khu vực”.
Trong tuyên bố chung, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ, bao gồm cả ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, Ngoại trưởng bốn nước đồng thời kêu gọi phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, giải quyết hòa bình các điểm nóng xung đột Ukraine, Trung Đông… Đồng thời, các Ngoại trưởng nhấn mạnh cam kết tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, đẩy mạnh cải cách Liên hợp quốc, trong đó có cải cách Hội đồng Bảo an.
Bên cạnh đó, đề cao tầm quan trọng của hợp tác đa phương, ủng hộ sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như ủng hộ các quốc đảo Thái Bình Dương phát huy vai trò ở khu vực, Ngoại trưởng bốn nước khẳng định tích cực “hỗ trợ khu vực thông qua hợp tác thiết thực về các thách thức như an ninh hàng hải, công nghệ quan trọng, an ninh mạng, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh y tế, biển đổi khí hậu, chống khủng bố, cơ sở hạ tầng và kết nối”.
Đáng chú ý, không chỉ nhắc lại các cam kết, Hội nghị nhóm Bộ tứ còn thể hiện quyết tâm hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở thông qua tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực về địa lý. Trong Tuyên bố chung, lần đầu tiên nhấn mạnh hợp tác thiết thực trong lĩnh vực công nghệ quan trọng và mới nổi, an ninh mạng nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Khẳng định thúc đẩy hoàn thiện các thủ tục tiêu chuẩn của Nhóm về tăng cường an ninh y tế, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, cơ sở hạ tầng và kết nối, các Ngoại trưởng đồng thời mong muốn triển khai hiệu quả và ứng phó nhanh chóng, kịp thời, đặc biệt trong việc triển khai mạng lưới truy cập vô tuyến mở đang diễn ra tại Palau và dự án an ninh mạng tại Philippines. Theo Tuyên bố chung, nhóm đóng góp khoảng 5 triệu USD viện trợ cho Papua New Guinea sau thảm họa lở đất hồi tháng 5/2024.
Những người đứng đầu ngành ngoại giao của Bộ tứ công bố kế hoạch triển khai cụ thể các cam kết, sáng kiến của Nhóm, bao gồm cam kết hợp tác củng cố mạng lưới cáp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được đưa ra tháng 5/2023.
Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Penny Wong công bố việc thành lập Trung tâm kết nối và phục hồi cáp của Australia với mục tiêu liên kết khu vực với phần còn lại của thế giới và bảo đảm tốc độ truyền tải và lưu lượng Internet, đóng góp tích cực cho quan hệ đối tác Bộ tứ trong lĩnh vực hợp tác truyền thông và cáp ngầm. Ngoại trưởng Blinken tuyên bố Mỹ cam kết đào tạo hơn 1.000 nhân sự để điều hành viễn thông trong khu vực.
Trước tuyên bố chung và động thái này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho rằng, các nước Bộ tứ đã “tạo ra tình hình căng thẳng giả tạo” và “kích động đối đầu” trong khu vực.
Hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo các nước Bộ tứ sẽ diễn ra ở Ấn Độ vào cuối năm 2024 và Hội nghị Ngoại Bộ tứ sẽ diễn ra ở Mỹ trong năm 2025.
Nguồn: https://baoquocte.vn/nhom-bo-tu-quyet-tam-doi-pho-thach-thuc-280907.html