“LÀM KHÓ” CÔNG NHÂN
Chị Phạm Thị Tường Vi, công nhân Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng, cho biết đã cùng các đồng nghiệp mua nhà ở xã hội (NOXH) Khu E3, E4 chung cư Hòa Khánh, thuộc khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, Q.Liên Chiểu của Công ty Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước. Tuy nhiên, 3 năm nay chị vẫn chưa nhận được căn hộ. “Công ty hẹn rất nhiều lần, hiện vẫn không giao nhà đúng hợp đồng khiến công nhân rất bức xúc vì khó khăn về kinh tế và chỗ ở, vừa phải trả tiền vay ngân hàng, vừa phải trả tiền thuê nhà trọ”, chị nói. Chị Vi đề nghị lãnh đạo TP.Đà Nẵng can thiệp để đảm bảo tiến độ NOXH tại KCN Hòa Khánh nói riêng và các dự án NOXH khác, đảm bảo quyền lợi công nhân, góp phần an sinh xã hội. Phía công ty thừa nhận đã chậm bàn giao nhà cho công nhân do gặp khó khăn về tiến độ, thi công và các vướng mắc thủ tục khác.
Trong khi đó, các trường hợp được bố trí nhà thì chưa hẳn đã hài lòng. Chị Nguyễn Thị Xuân Ẩn (Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam) phản ánh nhiều công nhân được bố trí căn hộ KCN Hòa Cầm (Q.Cẩm Lệ), nhưng diện tích căn hộ quá nhỏ, chỉ 16 m2, không khác phòng trọ, không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho gia đình 3 người. Vì vậy, chị Ẩn cùng các công nhân kiến nghị tăng diện tích phòng.
Đối với công nhân ở trọ, hoàn cảnh còn khó khăn hơn. Công nhân Hồ Phi Bình (Công ty TNHH MTV Xi măng Đà Nẵng) cho rằng trong khi NOXH chưa đáp ứng nhu cầu, thì hiện hơn 50% công nhân KCN ở nhà trọ với giá phòng tăng nhanh, không có sự điều tiết của nhà nước, trong khi phòng trọ dần xuống cấp, nhếch nhác. Dù thành phố chủ trương cho chủ phòng trọ vay vốn đầu tư, cải tạo phòng nhưng vốn vay thấp nên rất ít người tiếp cận gói vay. “Để đảm bảo phòng trọ công nhân, cần có chính sách trợ giá cho chủ phòng trọ để giảm giá phòng, hoặc ưu đãi mua hàng bình ổn giá, tăng mức vay và thời gian vay, giảm lãi suất, đơn giản thủ tục để khuyến khích”, anh Bình đề xuất.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng
Theo ông Lê Văn Hùng (Trưởng phòng phụ tùng, Công ty CP Ô tô Sông Hàn), luật Nhà ở ràng buộc điều kiện mua NOXH là thu nhập không đóng thuế đã “làm khó” công nhân. Hiện giá cả tăng cao, mức thu nhập không chịu thuế (11 triệu đồng/tháng) đã trả góp hết 2/3, còn lại không đủ trang trải. Công nhân phải tăng ca, kiếm việc làm thêm, thu nhập lên mức bị đánh thuế thì không đủ điều kiện. Vì vậy, cần điều chỉnh điều kiện thu nhập theo thực tế và chỉ cần có hợp đồng lao động 1 năm là được mua NOXH (thay cho yêu cầu tạm trú đủ 1 năm như hiện nay).
Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại và dịch vụ Ông Bảy, kiến nghị cần mở rộng đối tượng mua NOXH cho lao động ngoài KCN vốn chiếm số lượng lớn hơn, nhất là một số công việc trong lĩnh vực du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố (chứ không chỉ riêng với đối tượng công nhân).
CẦN THÊM NGUỒN LỰC, CHÍNH SÁCH
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng khẳng định các phản ánh của công nhân, người lao động đều xác đáng, nhất là quy định về thu nhập, tạm trú trong khi công nhân đa phần người nhập cư là bất hợp lý. Vì vậy, TP.Đà Nẵng sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 4.2023, đơn vị giải ngân 179,3 tỉ đồng cho vay NOXH, xây, sửa nhà trong gói được giao 250 tỉ đồng, giải ngân 130 tỉ đồng để duy trì, mở rộng quy mô tạo việc làm trong gói 150 tỉ đồng được giao năm 2023. Hạn mức cho vay tối đa xây nhà là 500 triệu đồng (lãi suất 4,8%/năm). Liên đoàn Lao động TP.Đà Nẵng cũng xây dựng đề án cho cán bộ, công chức địa phương vay 100 tỉ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội, HĐND TP.Đà Nẵng sẽ xem xét tại kỳ họp giữa năm 2023.
Theo tính toán, địa bàn TP.Đà Nẵng cần đến 28.000 nhà ở mới đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân, người lao động. Ông Trần Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, cho biết nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm hiện đã xét duyệt 117 căn, cho thuê 44 căn trên tổng số 285 căn. Hiện Liên đoàn Lao động TP.Đà Nẵng cũng đã đề nghị cải tạo, mở rộng phòng lên gấp đôi diện tích (32 m2), đồng thời lắp thang máy cho tất cả block, tổng kinh phí dự kiến 15,8 tỉ đồng.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, cho hay chủ trương, chính sách đặc thù của thành phố dành cho công nhân lao động đã có rất nhiều, nhưng vẫn cần dành nguồn lực thỏa đáng để hiện thực hóa, trong đó chú trọng lao động KCN, doanh nghiệp ngoài nhà nước. Bên cạnh đó, thành phố tăng cường thu hút đầu tư, phát triển nhà ở công nhân, trước mắt mở rộng diện tích phòng nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm, kiến nghị Chính phủ chuyển công năng Khu KTX phía tây thành NOXH, đáp ứng một phần nhu cầu. “Tôi yêu cầu các cấp thường xuyên khảo sát, nắm bắt kịp thời, thực chất, chi tiết nhu cầu đời sống của công nhân lao động để có các quyết sách đi vào đời sống. Những nguyện vọng của công nhân thuộc thẩm quyền Trung ương, Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.Đà Nẵng sẽ tổng hợp, kiến nghị trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, để xây dựng chính sách đảm bảo nhu cầu công nhân lao động”, ông Lương Nguyễn Minh Triết nói.