Hầm than (đốt củi lấy than) là một nghề truyền thống của người dân ở khu vực sản xuất than củi ở TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Làng nghề đã có tuổi đời gần nửa thế kỷ, dù nhọc nhằn nhưng đến giờ nhiều người vẫn gắn bó để mưu sinh.
Vất vả mưu sinh
Ven dòng sông Cái Côn phẳng lặng, lẫn trong những nếp nhà bình yên dọc triền sông là những mái lá ám một màu đen bóng, khói thoát ra nghi ngút. Càng đi sâu vào xóm, mùi hăng hắc, cay cay của khói, củi đốt càng đượm. Đây chính là những nét đặc trưng của làng nghề hầm than xã Tân Thành, TP Ngã Bảy.
Gắn bó với nghề hầm than của xứ này từ năm 15, 16 tuổi, ông Lê Hoàng Dũng vẫn nhớ, từ nhỏ đã thấy những chiếc lò hình tròn khổng lồ được dựng lên trong sân nhà, ngày đêm nghi ngút khói. Lớn lên, ông tập làm, rồi kế thừa nghề của ông bà để lại. Đến giờ đã hơn nửa thế kỷ đi qua.
Dù sở hữu ba lò than, nhưng cứ hễ có thời gian rảnh là ông Dũng nhận làm thuê cho các chủ lò khác trong xóm. Khi chúng tôi đến, cũng là lúc ông đang cùng với ba người con đang hì hụi vác cây đưa vào lò, chuẩn bị cho một mẻ than mới. Đây là lò của ông Đinh Văn Biết, 85 tuổi, ngụ xã Tân Thành.
“Tôi nhận vào củi cho chú Mười Biết với giá 3,5 triệu đồng. Cùng làm với tôi còn có hai người con trai, con dâu và một số người khác nữa. Sau khi hoàn thành, số tiền công này được chia đều cho mọi người”, ông Dũng bộc bạch.
Tại lò than của ông Mười Biết, hơn chục con người quần áo lấm lem đầy đất và bụi than, mỗi người đảm trách một công đoạn. Trên bãi đất ẩm ướt, hai người luôn tay chuyển cây đước đến bàn cắt. Nguyên liệu được thợ cắt ra thành từng đoạn ngắn phù hợp với diện tích và sức chứa của lò.
Củi cắt ra sẽ có hai người khác chất xuống xe cút kít (loại xe ba bánh chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa) đẩy vào lò. Củi nguyên liệu được một nhóm nhân công khác xếp vào lò theo chiều thẳng đứng hoặc nằm ngang sao cho khít chặt và đều nhau.
“Nếu lỏng lẻo sẽ ảnh hưởng đến quá trình theo dõi, than không chín đều, dễ vụn, nát”, ông Dũng cho hay.
Mồ hôi ướt đầm lưng áo, bụi than vương trên mặt đen nhẻm, nhưng những người thợ vẫn thoăn thoắt tay làm việc.
Cực mãi thành quen
Chỉ tay về phía cửa lò, ông Dũng chia sẻ, lò than được thiết kế có bốn ống khói và một cửa để đốt lửa. Củi sau khi được chất đầy lò, cửa lớn sẽ được bịt kín và bắt đầu đốt lửa hầm trong khoảng một tháng.
Thời gian này, lửa phải được đốt liên tục và điều chỉnh thích hợp nhằm tạo ra sức nóng trong lò để củi từ từ chuyển thành than. Sau khi xác định than đã chín, nơi đốt lửa và bốn ống khói của lò sẽ được bịt kín lại, tránh không khí lọt vào khiến than bắt lửa và cháy rụi hoàn toàn. Sau khoảng 15-20 ngày bịt lò, nhiệt độ giảm thì bắt đầu ra lò. Một lò than như vậy sẽ cho ra hơn 20 tấn than.
Theo ông Dũng, giá than đước hiện dao động 8-10 nghìn đồng/kg. Nếu suôn sẻ, sau khoảng 45 ngày, một lò than sẽ cho ra khoảng 20 tấn. Trừ đi các chi phí, lợi nhuận thu về được từ 25-30 triệu đồng.
Khệ nệ bê những cây củi xếp vào lò, ông Đoàn Văn Bòn (49 tuổi) – nhân công trong đội ông Dũng chia sẻ, ở xóm này, nhà nào có điều kiện kinh tế thì xây lò, còn không thì đi làm thuê cho các chủ lò.
“Tôi bắt đầu đi làm thuê từ hồi 15, 16 tuổi. Mỗi ngày như vậy, tôi được chia tiền công từ 300-400 nghìn đồng, thu nhập ổn định, đủ trang trải chi phí cho gia đình. Nghề này cực lắm, nhưng làm mãi cũng thành quen”, ông Bon tâm sự.
Lai lịch làng nghề
Dù tuổi đã cao, song ông Mười Biết vẫn còn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Ông kể, sau năm 1975, ông xuất ngũ trở về quê hương. Lúc bấy giờ, xã Tân Thành còn thuộc địa phận xã Xuân Hòa, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Ít đất canh tác, hoa lợi thu về từ ruộng vườn không nhiều nên cuộc sống gia đình rất khó khăn.
Thời điểm đó, hai người anh em bà con bên vợ của ông đã thành công trong việc đưa nghề hầm than từ Cà Mau về đây. Vậy là ông bắt đầu theo học hỏi. Sau khi nắm hết các bí quyết hầm than, ông Mười Biết bắt đầu xây lò.
“Lúc đầu, tôi chỉ làm một lò khoảng 10C (tương đương 10m3), sau một tuần đốt hầm thì ra được khoảng 400-500kg than. Thấy lợi nhuận từ lò than cải thiện được cuộc sống cho gia đình, tôi theo nghề này cho đến nay”, ông Mười Biết nhớ lại.
Gần 50 năm trong nghề, từ một lò nhỏ, ông Mười Biết đã đầu tư xây dựng 9 lò. Trung bình mỗi lò sẽ cho ra mẻ than trên 20 tấn. Nguyên liệu được dùng đốt than chủ yếu là cây đước, chất lượng nhất trong các loại than củi.
Sản phẩm từ làng nghề Tân Thành không chỉ bán ở các tỉnh miền Tây, TP.HCM mà còn được xuất khẩu sang các nước. Thấy nghề hầm than mang lại thu nhập, nhiều người trong xóm bắt đầu học theo.
Vậy là những lò than dọc theo triền sông Cái Côn mọc lên như nấm, dần dà phát triển thành làng nghề. Cũng từ những lò than này, nhiều hộ gia đình làm ăn khấm khá, từ một lò than giờ đã phát triển lên 5 – 9 miệng lò.
Không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho các chủ lò, nghề than còn tạo thêm công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn gia đình ở xã Tân Thành. Nhờ vào đó, họ đã nuôi con cái học hành đến nơi đến chốn.
Theo thống kê, tỉnh Hậu Giang có 384 hộ làm nghề sản xuất than củi với tổng cộng 1.281 lò. Trong đó, huyện Châu Thành có 916 lò, TP Ngã Bảy có 365 lò.
Ông Trần Hoài Hận, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tân Thành cho biết, hiện xã có hơn 350 lò than đang hoạt động. Nghề hầm than đã giúp nhiều gia đình khấm khá, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, giúp họ không phải đi xa tìm việc.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nhoc-nhan-nghe-ham-than-ben-dong-cai-con-192241107231953041.htm