Lớp học trong lòng núi
Thầy giáo Lù Văn Thủy có dáng người nhỏ thó, từ tốn, kiệm lời. Nếu “nhìn mặt bắt hình dong” thì rõ đây là một người cần cù, chất phác. Năm nay thầy Thủy 42 tuổi.
Thầy Thủy hiện là giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Trường nằm ở bản Sân Bay. Bản Sân Bay không bằng phẳng như cái tên sân bay mà đường quanh co khúc khỉu. Dù vậy, đây là bản trung tâm xã nên đường vào cũng đỡ vất vả hơn so với 2 điểm trường mà thầy Thủy dạy trước đây.
Thầy Thủy sinh ra và lớn lên ở tại xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Năm 2003, ra trường thầy nhận nhiệm vụ lên dạy học tại điểm trường tại bản Sàng Mà Pho thuộc Trường Tiểu học Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sin Suối Hồ.
Bản Sàng Mà Pho cách trung tâm xã khoảng 20 cây số đường đất, núi, đèo. Mỗi lần hết thức ăn, thầy Thủy phải cuốc bộ cả nửa ngày trời. “Mình là người bản địa mà thấy chặng đường ấy quá gian nan. Nếu không thương các em nhỏ vùng quá khó khăn ấy chắc mình đã bỏ về. Và cũng tiếc công bố mẹ nuôi mình ăn học. Nghĩ thế và tự động viên để trụ lại với nghề”, thầy Thủy tâm sự.
Mới ra trường, thầy Thủy “cắm bản” dạy chữ cho trẻ con người Mông. Khi ấy, gạo và rau bà con cho thầy giáo, muối mì, cá khô thầy phải cõng lên ăn cả tuần. Những năm 2003 – 2004 bản chưa có điện. Lớp học và nhà ở của thầy giáo liền vách, được làm từ phên nứa đập giập, mái lợp cỏ gianh. Toàn bộ bàn học và bảng đều tận dụng từ gỗ thừa khi người dân xẻ gỗ làm nhà.
Cả bản có khoảng 35 nóc nhà, có 3 lớp học. Lớp thầy Thủy dạy là lớp ghép 2 độ tuổi. Trong lớp ấy, một nhóm học chương trình lớp 2 quay mặt lên trên; một nhóm học chương trình lớp 4 quay mặt xuống dưới, hai lớp quay lưng vào nhau. Mỗi ngày thầy Thủy di chuyển từ đầu lớp đến cuối lớp để dạy 2 nhóm trình độ này, cũng như đi vài cây số. Đám học trò nghèo của thầy con chữ cũng vơi đầy theo từng bữa đói, no.
Năm 2005, Ban giám hiệu chuyển thầy Thủy sang điểm bản khác có tên Chảng Phàng, cách xa Trung tâm xã 12 cây số, gần hơn ở bản cũ 1 tiếng đi bộ. Bản Chảng Phàng cũng là bản đồng bào dân tộc Mông. Hàng tuần, thầy Thủy đi bộ từ Trung tâm xã hơn 2 tiếng mới đến nơi dạy học. Nếu tính từ Trung tâm TP. Lai Châu lên đến Trung tâm xã Sin Suối Hồ khoảng 30km, vào đến bản thầy Thủy dạy học gần 50 cây số.
“Hồi ấy, mới ra trường, mình là thanh niên trẻ khỏe, lại là người địa phương nên những bản xa của trường cần mình đến đó. Trong đời người, đời nghề dạy học ở đây, có lẽ cái rét ở Sin Suối Hồ là khó quên nhất. Nhất là những đêm đông, lạnh buốt đến thấu xương, nằm trong chăn đi mấy lần tất chân vẫn buốt”. – Thầy Thủy kể.
Sin Suối Hồ có độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển. Cái rét nơi đây như được rút ra từ ruột núi, đêm ngủ trong chăn đi mấy lần tất mà vẫn buốt. Trong 4 mùa của trời đất, có lẽ mùa đông là mùa người ta cảm nhận được cái nghèo khó của vùng cao rõ rệt nhất, hơi ấm trong nhà sao mà ít ỏi, cứ trống vắng mênh mông. Những em học sinh Mông một manh áo chống trọi của mùa đông, ngày nào cũng chân trần đến lớp. “Thương vô cùng bạn ạ!”.
Đoạn hai bàn tay thầy đan ngón vào nhau nhìn ra ngoài trời vun vút gió, mây kín ngập lòng thung, tiếng thầy Thủy lạc vào màn sương đặc quánh, khàn đục. “Mùa đông sắp đến rồi, các em học sinh trên này rét lắm, nếu xin được chăn ấm thì bạn nhớ gửi cho tôi xin mấy cái…”
Một đời người, một đời nghề…
Từ khi Lai Châu có chủ trương đưa toàn bộ học sinh từ lớp 3 ở bản về trường chính và cung cấp chế độ ăn bán trú, gần 200 học sinh ở các các điểm trưởng lẻ được đưa về trung tâm xã. Ở bản chỉ còn lại lớp 1, 2.
Cũng từ chính sách này, thầy Lù Văn Thủy và nhiều thầy cô giáo “cắm bản” khác có được cơ hội về trung tâm trường ở bản Sân Bay để dạy học. Năm 2007, thầy Thủy lấy vợ là cô giáo Lò Thúy Lương, (sinh năm 1981) giáo viên cấp 2 cũng là người dân tộc thiểu số, hiện đang là Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THSC Sin Suối Hồ (gọi tắt là Trường cấp II Sin Suối Hồ), cùng xã với trường của thầy Thủy.
Ở đây trường cấp I và trường cấp II cách nhau chỉ một bức tường. Đối diện với 2 trường là Trụ sở UBND xã Sin Suối Hồ. Nghe cán bộ Lý Vần Xiên, Phó Bí thư Đảng ủy xã nói, toàn bộ dân xã Sin Suối Hồ là người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm 70%, chủ yếu làm nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 64%. Bởi thế, bên cạnh những đầu tư về cơ sở hạ tầng, thì giáo dục đang được kỳ vọng sẽ đem lại cho một tương lai sáng hơn cho vùng cao nhiều gian khó này. Những giáo viên như thầy Thủy, cô Lương bám bản có thâm niên vô cùng được trân quý.
Thầy Đồng Tất Thắng, Hiệu trưởng Trường cấp II Sin Suối Hồ chia sẻ: cô Lương, thầy Thủy là những giáo viên có thâm niên công tác ở trường tiểu học và Trường cấp II Sin Suối Hồ lâu nhất ở đây. Nhiều cán bộ xã bây giờ là học trò của thầy Thủy, cô Lương. Chúng tôi trân trọng sự cống hiến và hy sinh vì cái chữ cho bà con dân bản.
Có thể sự nghiệp giáo dục của vợ chồng thầy Thủy – cô Lương đã khá vững chãi song về gia đình, thầy cô vẫn canh cánh những băn khoăn.
Cô Lương kể: “Vợ chồng em được hai đứa. Cháu lớn năm nay học lớp 7, cháu nhỏ mới 5 tuổi. Trước đây, gia đình em được xã cho mượn đất gần trường để dựng nhà. Việc đi lại sinh hoạt thuận tiện. Song từ năm 2020, xã thu hồi đất, cả gia đình chuyển về TP. Lai Châu. Mỗi ngày hai vợ chồng em đi khoảng 60km từ thành phố Lai Châu lên Sin Suối Hồ để dạy học. Cả hai đứa ở nhà với bà, đứa lớn đi học, đứa bé gửi bà nội đã ngoài 70 tuổi trông nom. Vợ chồng em cũng muốn chuyển về dạy gần nhà để chăm sóc gia đình mà khó khăn quá. Cả ngày 2 vợ chồng đi đi về về 60 cây số. Những hôm trời nắng ấm thì không sao, nếu gặp ngày trời mưa rét vô cùng vất vả. Đường lởm chởm đất đá đi không vững tay lái thì rất nguy hiểm.”
Nhiều thầy cô giáo ở Sin Suối Hồ cũng có những tâm sự, những băn khoăn như thế.
Bữa đó, trong bếp ăn tập thể. Các thầy cô giáo cả trường cấp I và cấp II tiếp chúng tôi đầm ấm vui vẻ, như thể lâu ngày mới gặp lại người thân. Nét mặt ai cũng rạng ngời ánh lên niềm vui nho nhỏ… Nhưng thẳm sâu trong mắt họ vẫn chứa những suy tư. Chỉ cần hỏi thăm chuyện gia đình là có cô giáo bật khóc. Con cái các thầy cô chủ yếu gửi cha mẹ già ở quê, hoặc ngoài thành phố. Họ thương con mình bao nhiêu, dồn cả vào cho những học trò nghèo bấy nhiêu.
Vừa hết chương trình thời sự lúc 8 giờ tối, bản Sân Bay đã im lìm, tĩnh lặng… chỉ có tiếng gió rít lên từ thung lũng và tiếng thầy cô giáo lúc trầm lúc bổng bên chén rượu nồng cay đón khách. Giữa không gian ấy, tôi mới cảm nhận sự hy sinh, cống hiến trọn vẹn cho nghề của những giáo viên vùng cao. Ngày tôn vinh Nhà giáo 20/11 đang cận kề, xin chúc các thầy cô ở Sin Suối Hồ mãi khỏe mạnh, để tiếp tục gieo con chữ trên vùng non cao.