Cũng như bao người con đất Việt, chúng tôi vừa trở lại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên và Đài tưởng niệm các liệt sĩ tại điểm cao 468, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, hơn 4 nghìn anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc với ý chí “Một tấc không đi, một ly không dời”, quyết tâm giữ vững từng mỏm đồi, vách đá, điểm cao bằng tinh thần quả cảm “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”.
Hơn 40 năm trôi qua, màu xanh đã trở lại với mảnh đất này, nhưng vẫn còn xương máu của hàng nghìn chiến sĩ tuổi thanh xuân đã nằm lại và hòa vào lòng đất. Hòa cùng dòng người viếng nghĩa trang còn có nhiều chiến sĩ từng chiến đấu tại chiến trường này. Có người là thương binh bỏ lại một phần xương máu nơi biên cương, nay với chiếc nạng gỗ và bước đi khó khăn vẫn về với chiến trường xưa, gặp đồng đội qua khói hương nghi ngút; có những gia đình mà người thân của họ đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này…
Có nơi nào như đất nước Việt Nam, khi tất cả 63 tỉnh, thành phố đều có nghĩa trang liệt sĩ? Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đến tháng 7/2022, cả nước hiện có hơn 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và hơn 3.000 công trình ghi công liệt sĩ. Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa. Đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên và cải thiện về vật chất và tinh thần.
Đến nay, 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Trong giai đoạn 2012 – 2022, ngân sách Nhà nước dành hơn 357.000 tỷ đồng để thực hiện chế độ đối với người có công và thân nhân, gia đình người có công. Cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng; làm tốt công tác chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời gần 3.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống và quan tâm cuộc sống của thương binh, gia đình chính sách, người có công đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm, sẻ chia với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của các cấp, các ngành và toàn xã hội.