Trong tôi luôn có hai con người cùng tồn tại. Ngoài đời, đã mong ước điều gì là phải làm bằng được, dù phải vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại. Để rồi giờ đây đã ở tuổi xưa nay hiếm vẫn thực hiện được những điều mình thích, vẫn tự lái xe ô tô chu du đó đây…
Vậy mà có những lần tôi khóc, sau gần năm mươi năm vẫn cảm nhận như mới ngày hôm qua.
Đó là vào một đêm trăng lu mờ ảo, giữa con đường gập ghềnh Trường Sơn hoang vắng lạnh giá, có một bóng người hai tay hai gậy lết đi từng bước cố theo kịp một người đang lầm lũi đi ở phía trước. Tôi đấy, chính là tôi đấy. Người đi phía trước là y tá của đơn vị. Chỉ vì những cơn sốt rét của tôi, chỉ vì hai bàn chân bước đi xiêu vẹo của tôi mà anh ta phải ở lại một mình lẽo đẽo đi theo. Nào đâu tôi muốn như vậy. Ngay lúc này đây người đang rét run bần bật, miệng khô khốc, đắng ngắt bởi cơn sốt rét lại bùng lên. Đi không vững nữa rồi. Mười đầu ngón chân mưng mủ, dù đã được băng bó nhưng vì run quá không điều khiển nổi hai chân, vấp vào rễ cây trên đường đau buốt thấu tận óc, ngã khuỵu, tung cả hai chiếc gậy chống vào bụi cây ven đường.
Y tá hốt hoảng khi thấy người tôi nóng bỏng, răng run lập cập, mười đầu ngón chân chảy máu ướt đỏ lớp băng.
Nhưng dù thế nào đi nữa cũng không thể dừng lại giữa chốn rừng sâu âm u này được. Đại đội 12 ly 7 thân yêu còn đang đợi ở binh trạm phía trước. Đi. Phải đi. Và gạt nước mắt đứng thẳng dậy…
Đầu óc dần được giãn ra, đã lắng nghe được tiếng thầm thì, rầm rì xào xạc của rừng đêm, của gió ngàn, đã dần chìm sâu vào những suy nghĩ riêng tư của hiện tại và cả những gì của ngày hôm qua. Rồi lại nghĩ, trải qua bao trận sốt rét mà vẫn sống được tới hôm nay đã là diễm phúc lắm lắm rồi. Thằng em thân thiết, út ít của đại đội, mới 17 tuổi khỏe như trâu đất, nông dân chính hiệu, đã giúp đỡ thằng anh yếu đuối này trong suốt quá trình hành quân, đùng lăn ra chết chỉ vì cơn sốt rét ác tính. Tiễn đưa em trong bài điếu văn chứa đầy nước mắt của đại đội.
Nhưng rồi cũng phải quen, phải chấp nhận, phải nuốt nước mắt vào trong khi tiếp tục phải khâm liệm đồng đội thân yêu trong những chiếc võng tri âm, tri kỷ trước khi hạ huyệt.
Những cái chết không hề được báo trước và thường vào đêm khuya. Ấy là lúc những chiếc máy bay “bà già” mò mẫm trong đêm nhả ra những chùm pháo sáng bay lơ lửng làm sáng rực cả một góc trời và ngay sau đó là tiếng gầm rít của những chiếc phản lực, là tiếng bom nổ xé tai. Điều còn đáng sợ hơn là bom tọa độ. Không hề có máy bay dẫn đường, không hề có pháo sáng, trong mịt mùng đêm đen bỗng có tiếng rít gầm lên rồi là tiếng nổ chát chúa của bom rơi. Đã thành phản xạ, khi vừa nghe được tiếng rít bộ đội ta đã kịp uốn cong người bật con tôm lăn xuống đất. Đó là phản xạ sống còn mà chính tiếng máy bay phản lực, tiếng bom tọa độ đã dạy cho.
Nhưng đâu phải những cú bật tôm ấy lúc nào cũng là cứu cánh cho sự sống còn. Tôi còn nhớ vào một đêm định mệnh năm ấy, bom tọa độ đã cướp đi sự sống của bốn đồng đội. Cái chết của các anh đã làm rúng động cả trung đoàn. Nhìn Chính trị viên đại đội, người có trái tim sắt đá, nước mắt anh đang chảy dài trên má, tôi nghẹn lại, mắt nhòa lệ, trái tim đau thắt, cố nuốt nước mắt vào trong để đọc bài điếu văn viết vội vĩnh biệt các anh trước khi lên đường. Nước mắt của tôi và của cả đồng đội như hòa trộn vào nhau, khóc không thành tiếng. Đó là những giọt nước mắt khóc thương cho những người anh em như cùng một mẹ sinh ra.
Các anh nằm đấy lặng yên trong tiếng ru của gió ngàn, ngày ngày hòa trong tiếng chim hót, đêm đêm cùng tiếng vượn hót gọi đàn. Và chợt nghĩ, chắc giờ này những người thân yêu của các anh ở nơi hậu phương xa xôi cũng đang bần thần thảng thốt, trong lòng nóng như lửa đốt, dâng trào một cảm giác mất mát và chỉ còn biết cầu nguyện mọi điều tốt lành cho các anh.
Không hiểu ông Chính trị viên đại đội và anh y tá có được trở về đất mẹ như tôi hay đã an giấc ngàn thu nơi đại ngàn Trường Sơn? Giá như ở một góc trời nào đó những người còn sống của đại đội 12 ly 7 lại đọc được những dòng tâm sự này.
Nhớ thương các anh quá. Mắt chợt nhòa lệ.