* LTS: Được tin GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn qua đời, GS.TS Lê Ngọc Thạch – nguyên giảng viên khoa hóa học, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) – gửi tới Tuổi Trẻ bài viết về người thầy của mình. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Từ sinh viên thành nhân viên của thầy
Em được biết thầy khi học với thầy chứng chỉ hóa lý 1 niên học 1968-1969. Đó là năm thứ hai em theo học tại Trường đại học Khoa học (Khoa học Đại học đường Sài Gòn).
Duyên số đưa đẩy, đến niên học 1969-1970, em trở thành nhân viên của thầy, ở cấp thấp nhất: nghiệm chế viên bán thời gian (préparateur mi-temps) – cấp nhân viên phục vụ giảng dạy chưa có bằng cử nhân, mấy tháng mới lãnh lương một lần.
Lúc đó, thầy đã là trưởng ban hóa học. Em còn nhớ phòng làm việc của thầy và bàn làm việc của thầy, ở tầng một, dãy A bây giờ, thuộc cánh phải khi lên cầu thang, phòng trong cùng. Lúc em làm trưởng bộ môn hóa học hữu cơ, thì trong phòng này em xây thêm hai bệ thí nghiệm dài hai bên vách phòng và chuyển làm phòng nghiên cứu về tinh dầu.
Em còn nhớ, cánh cửa tủ, hộc dưới của bàn làm việc của thầy bao giờ cũng “rộng mở”, trong đó có tất cả chìa khóa cửa kho hóa chất và dụng cụ. Luôn “rộng mở” là để tụi em, nhóm nghiệm chế viên, có thể lấy hóa chất và dụng cụ ở kho bất cứ lúc nào cũng được. Tánh thầy là vậy, không câu nệ hình thức, luôn đặt kết quả công việc phục vụ cho sinh viên lên trên hết.
Để lại cho đời những điều tốt đẹp
Thầy tham gia hội đồng chấm luận án của em với tư cách là ủy viên hội đồng. Hôm em bảo vệ, thầy có đọc một bản nhận xét, ngoài phần chuyên môn, em còn nhớ đại ý là các em làm việc tại trường từ trước 1975, sau 1975 còn ở lại trường đã kiên trì cố gắng hoàn tất luận án, đó là một điều rất đáng khen.
Nhất là trường hợp của em, thầy hướng dẫn (thầy Lê Văn Thới) đã qua đời trước thời điểm em bảo vệ luận án. Nghe thầy nói mà em muốn rớt nước mắt khi nhớ đến ân sư đã không hiện diện được vào ngày hoàn thành luận án của mình. Trước khi trình bày, em có xin hội đồng và quý quan khách tham dự dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến người thầy, người đồng nghiệp kính yêu của mọi người.
Nhiều quyển sách của em biên soạn trong thời gian gần đây như “Bài tập hóa học lập thể hữu cơ cơ sở”; “Hóa học hữu cơ (các nhóm định chức chính) tập 1, tập 2 và tập 3” đều do thầy phản biện chính. Thầy phản biện kỹ lắm! Các quyển sách này có chất lượng phần lớn cũng nhờ công của thầy, nhất là phần danh pháp và thuật ngữ hóa học.
Tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, thầy rất giỏi, nên các bảng đối chiếu thuật ngữ Anh/ Pháp/ Việt, mà thường em để ở phần cuối các quyển sách nói trên, một tay thầy đã chỉnh sửa cho em.
Xúc tác chuyển pha, một xúc tác xanh quan trọng trong hóa học xanh, tiền thân của chất lỏng ion (ionic liquid), lần đầu tiên em biết là nhờ thầy dạy. Sau khi đi Pháp về, thầy giới thiệu liền loại xúc tác mới này cho mọi người.
Việc khoa hóa học hợp tác với phòng thí nghiệm của GS.TS André Loupy ở Đại học Orsay (Université Paris-Sud) là do thầy tổ chức và kết nối. May mắn em là người đầu tiên được chọn sang làm việc sau tiến sĩ ở ngôi trường danh giá số một này của nước Pháp.
Ai rồi thì cũng phải ra đi. Cái trân quý là thầy để lại những điều tốt đẹp cho cuộc đời này, góp phần xây dựng đất nước càng ngày càng phát triển, đó là những việc sẽ được mọi người ghi ơn và nhớ mãi. Thầy Chu Phạm Ngọc Sơn là người Thầy dạy em những điều như thế!
Kính tiễn Thầy!
Nhà giáo, nhà khoa học gắn bó với đất nước
GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn là một nhà khoa học, nhà giáo danh tiếng tại Việt Nam, người thầy có nhiều sáng kiến, đóng góp cho khoa học kỹ thuật và cho sự phát triển của TP.HCM.
Ông sinh năm 1936, tại Sài Gòn, nguyên quán tỉnh Hưng Yên. Năm 1954, ông theo học tại Đại học Khoa học Sài Gòn (tiền thân Trường đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM hiện nay). Sau khi thi đỗ chứng chỉ lý hóa sinh PCB và chứng chỉ khoa học lý hóa và tự nhiên SPCN, năm 1955, ông phụ việc, làm nghiệm chế viên tại phòng hóa học của trường.
Năm 1957, ông tốt nghiệp cử nhân lý hóa, được giữ lại làm giảng nghiệm viên tại Đại học Khoa học Sài Gòn. Năm 1958, ông tốt nghiệp cử nhân toán. Năm 1959, ông bảo vệ thành công luận văn cao học và được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Đại học Delaware, Mỹ.
Năm 1962, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành hóa lý hữu cơ. Trở về nước, ông về lại Đại học Khoa học Sài Gòn làm giảng sư. Từ cuối năm 1962, ông bắt đầu đứng lớp giảng dạy hóa học và sau đó là một số môn học khác ở các năm tiếp theo. Ông cũng được mời giảng dạy ở nhiều trường khác.
Sau năm 1975, ông ở lại Việt Nam, tiếp tục công tác giảng dạy, là giảng viên của Trường đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là Trường đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM).
Năm 1981, ông Chu Phạm Ngọc Sơn được Nhà nước phong học hàm giáo sư hóa học. Năm 1987, ông chuyển sang làm giám đốc Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM, kiêm chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM. Ông công tác tại đây đến khi nghỉ hưu vào năm 2001.
Trong sự nghiệp, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn đã công bố hơn 200 báo cáo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, có 5 công trình được đưa vào sản xuất; xuất bản nhiều giáo trình, chuyên luận về hóa học đại cương và nhiệt động hóa học.
GS Chu Phạm Ngọc Sơn cũng từng nhắn nhủ học trò: “Những điều tôi muốn gửi gắm đến các học trò của tôi và nếu được phép thì đến đội ngũ khoa học trẻ Việt Nam chỉ vỏn vẹn trong các cụm từ sau đây: trọng thầy, thương trò, đam mê nghiên cứu, giảng dạy, gắn bó với đất nước”.
Ngoài những thành tựu xuất sắc ở giảng đường và phòng thí nghiệm, ông còn đóng góp rất đáng kể cho đất nước và TP.HCM trên cương vị đại biểu Quốc hội ba khóa (8, 9, 10); phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội…
Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp khoa học và kỹ thuật, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp dân vận…
Chưa bao giờ rời chuyên môn, giảng dạy
ThS Phùng Quán, trưởng phòng tổ chức – hành chính, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn là người thầy của nhiều nhân viên kỹ thuật phòng thí nghiệm, hướng dẫn bao lớp sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh ở các trường đại học.
“Thầy Chu Phạm Ngọc Sơn là một người luôn tâm huyết với ngành hóa, vị thuyền trưởng ưu tú của nhiều thế hệ sinh viên. Tuy tuổi cao, thầy vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu của mình, đóng góp và phục vụ cho xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề nóng của xã hội về y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thầy Sơn chưa bao giờ rời chuyên môn, rời giảng dạy, dù được giao phụ trách quản lý Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm, đảm nhiệm suốt ba nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội, thầy vẫn dành thời gian đứng lớp, dạy cao học, hướng dẫn nghiên cứu sinh, báo cáo ở các hội nghị về hóa học trong và ngoài nước. Thầy dạy học trò đam mê nghiên cứu khoa học” – ông Quán chia sẻ.
Thông tin lễ tang GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn
GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn sinh ngày 10-4-1936, từ trần lúc 2h02 ngày 11-8. Linh cữu được quàn tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thống Nhất (số 1 Lý Thường Kiệt, phường 7, quận Tân Bình, TP.HCM).
– Lễ nhập quan: lúc 7h ngày 14-8
– Lễ viếng: bắt đầu lúc 9h ngày 14-8
– Lễ truy điệu: lúc 7h ngày 16-8
– Lễ động quan: lúc 8h ngày 16-8
– An táng tại: Nghĩa trang Chính sách thành phố (huyện Củ Chi, TP.HCM).
Nguồn: https://tuoitre.vn/nho-thay-chu-pham-ngoc-son-20240812085312058.htm