Mê mẩn nét đẹp xưa
Mỗi dịp Tết, xưởng sản xuất mô hình tí hon của anh Nguyễn Phúc Đức (ngụ TPHCM) lại nhộn nhịp. Năm nay, anh Đức cho ra mắt sản phẩm “Sài Gòn thu nhỏ”, đặc biệt chú trọng những chi tiết của Tết cổ truyền, khiến nhiều người mê mẩn.
Chàng trai cho hay, nguồn cảm hứng của mô hình năm nay chính là những ký ức chân thật của anh về TPHCM trong ngày Tết xưa. Theo anh Đức, người ta khó có thể hình dung và cảm nhận được “vị” Tết xưa khi chỉ qua một bức ảnh. Nhưng bằng mô hình thu nhỏ, người xem có thể dễ thấy được khung cảnh thực tế, thông qua những chi tiết tỉ mỉ, được khắc họa đầy đủ.
“Nhớ nhất là ký ức về gia đình, những kỷ niệm về ông bà, cha mẹ. Tôi làm mô hình này để thỏa mãn những cảm xúc cá nhân đó. Mãi đến sau này khi được sự ủng hộ ngày càng nhiều của mọi người, tôi phát triển nó thành cảm xúc cộng đồng, không còn nằm trong khuôn khổ là cảm xúc cá nhân nữa. Nhiều người con xa xứ, họ muốn gợi nhớ lại những ngày tháng ăn Tết cùng ông bà, cha mẹ”, anh Đức nói.
Chàng trai chia sẻ, toàn bộ các sản phẩm của anh đều phải hướng đến sự đoàn viên của gia đình. Bởi anh quan niệm rằng, thời gian càng qua đi, những người thân như ông bà, cha mẹ sẽ dần không còn bên cạnh con cháu lâu nữa.
Không những vậy, những thứ đặc biệt như các ngôi nhà gỗ, bối cảnh xưa cũng bị thay thế bằng sự hiện đại, thế hệ sau muốn tìm lại những bối cảnh đó để một lần được hoài niệm nhưng rất khó.
“Có những thứ đã mất đi thì không thể tạo lại được. Vì thế, tôi mong muốn những mô hình Tết xưa này có thể phần nào giúp cho mọi người có thể hoài niệm”, anh Đức nói.
Không chỉ khách hàng trong nước, những người con xa xứ ở nước ngoài cũng nhờ vào mô hình của anh mà đỡ nhớ nhà.
Chàng trai bộc bạch rằng, có không ít vị khách là người nước ngoài gốc Việt đã chia sẻ nỗi niềm tìm lại được khung cảnh Tết cổ truyền ở Việt Nam, khiến anh không khỏi xúc động.
“Nhớ nhất là một cô gái ở nước ngoài, cô ấy kể cô đã khóc khi nhìn thấy mô hình của tôi. Chỉ nhìn một góc nhà trong mô hình thôi mà không hiểu sao cô nhớ về ba của mình, rồi nhớ về những ngày còn ở Việt Nam ăn Tết. Đó là những câu chuyện vô cùng xúc động, cũng là nguồn cảm hứng, động lực giúp tôi tiếp tục hành trình này”, chàng trai 8X nói.
Được biết, không chỉ làm mô hình thu nhỏ ngày Tết, anh Đức còn làm nhiều mô hình khác như quán cà phê, tiệm tạp hóa,… của thời xa xưa. Sắp tới, anh sẽ phát triển nhiều hơn về mô hình thu nhỏ mang nét đặc trưng về văn hóa, không chỉ ở TPHCM hay ở miền Tây, mà còn của các vùng miền khác nhau.
Xuất phát từ tình yêu quê hương
Ông chủ của xưởng sản xuất mô hình tí hon cho hay, để tạo ra một mô hình thu nhỏ, anh Đức phải trải qua nhiều công đoạn, mất từ 1-2 tháng để hoàn thành. Trước hết, chàng trai 8X sẽ lên ý tưởng, chủ đề, rồi đi tìm tư liệu, hình ảnh thực tế để phác thảo 3D. Sau đó, anh Đức sẽ tiến hành tìm nguyên vật liệu phù hợp với mô hình.
Trước khi được đóng gói, bao bì, công đoạn khó nhất chính là tạo hình cho sản phẩm. Người thực hiện phải vô cùng tỉ mỉ, kiên nhẫn, tránh bỏ sót những chi tiết nhỏ nhất như chén, dĩa, hoa,…
Thông thường, gỗ, hoa khô, kim loại,… được xem là nguyên liệu chính được sử dụng cho mô hình thu nhỏ. Tùy theo độ khó, tiểu tiết của từng mô hình, giá thành sẽ chênh lệch từ 70.000 đến 600.000 đồng.
“Công việc này đòi hỏi người thực hiện phải thật sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Thiết kế mô hình thì dễ. Nhưng để vừa đẹp vừa dễ ráp, để người chơi không nản thì rất khó. Nếu họ từ bỏ không chơi nữa thì xem như mô hình thất bại”, anh Đức chia sẻ.
Theo lời kể của anh Đức, khi còn nhỏ, anh được ba tặng cho mô hình căn nhà biệt thự thu nhỏ, được làm bằng gỗ thông. Anh Đức xem món quà sinh nhật đó là món quà mà anh yêu thích nhất và luôn gìn giữ cẩn thận.
Cho đến khi trưởng thành, trải qua nhiều ngành nghề khác nhau, anh Đức mới nhận ra bản thân anh phải theo đuổi đam mê riêng thì mới có thể trở nên khác biệt.
Năm 2014, chàng trai 8X bắt đầu tìm hiểu về mô hình thu nhỏ. Ở Việt Nam, thời điểm đó mô hình này chưa phổ biến và hầu như chưa có ai làm, vì thế, không có bất kỳ sách vở, trường lớp nào đào tạo về nghề này.
“Tôi tự tìm hiểu qua Internet, tham khảo mô hình ở nước ngoài xem họ làm như thế nào rồi nghiên cứu dần. Lúc đầu có nhiều khó khăn, vì không có chuyên môn, không nơi nào đào tạo nên tôi phải tự học là chính. Thất bại rất nhiều, từ tỷ lệ, màu sắc, nguyên vật liệu,… tất cả còn hạn chế và khâu thực hiện vẫn chưa chính xác”, anh Đức nói.
Khởi nghiệp chỉ với niềm đam mê to lớn, “cha đẻ” mô hình Sài Gòn thu nhỏ ngay từ đầu đã không được sự ủng hộ của gia đình. Anh Đức kể, gia đình, bạn bè cho rằng mô hình này chỉ dành cho con gái chơi và còn nói anh là một “gã điên”.
“Tôi không quan tâm người khác nói gì. Tôi thích đi ngược với số đông, chỉ cần đó là thứ tôi thật sự đam mê. Tôi biết mô hình này ở Việt Nam chưa ai làm, nên nếu cố gắng theo đuổi, tôi tin rằng không phải hôm nay thì ngày mai tôi sẽ thành công. Cuối cùng, bây giờ tôi cũng đã có câu trả lời cho câu hỏi “làm cái này khi nào thành công?” của mọi người”, chàng trai 8X cười nói.
Nhớ về ngày đầu khởi nghiệp, anh Đức vẫn bồi hồi khi bản thân dám cầm 5 triệu đồng của tháng lương cuối cùng, sau khi quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp. Anh còn bán thêm chiếc xe máy để “nuôi” ước mơ đưa sản phẩm của mình “phủ sóng” cả đất nước.
Chàng trai ngày đêm nghiên cứu, thiết kế mô hình sao cho thật chi tiết nhưng đến tay người dùng thì phải dễ lắp ráp. Thế là anh tự mày mò lắp thử, vứt sọt rác hết mô hình này đến mô hình chắc, cho đến khi đôi bàn tay chai sần, đau nhức và thành công thì mới dừng lại.
Không lâu sau, sản phẩm của anh được nhiều người biết tới. Trong 5 năm, từ nhà sách nhỏ đến cửa hàng riêng, chàng trai lao đầu vào công việc mà không màng tới lợi nhuận. Đến nay, anh Đức đã sáng tạo hàng chục mẫu mô hình thu nhỏ khác nhau, sản xuất hàng loạt lên đến hàng nghìn cái từ 65 hệ thống phân phối khắp cả nước. Những sản phẩm mới về chủ đề miền Tây, Hội An,… đều “cháy” hàng.
Tính đến thời điểm hiện tại, anh Ðức đã nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng như: Xác lập kỷ lục “Người chế tác mô hình thu nhỏ về các cửa hàng, tạp hóa Sài Gòn” nhiều nhất; Top 100 thương hiệu Sao Vàng Ðất Việt,…