Vậy là thấm thoắt đã gần 10 năm tôi được về công tác tại Khoa A4-Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ngày mới nhận quyết định, tôi lẫn lộn cảm xúc với những buồn, vui, lo lắng…
Buồn vì phải xa đồng nghiệp nơi mình từng công tác. Vui vì được tham gia làm việc chuyên môn trong một môi trường mới. Trăn trở, lo lắng liệu rằng bản thân có hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức giao?
Rồi điều không ai mong muốn đã xảy ra. Dịch Covid-19 diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, các nhà khoa học chưa có được phác đồ điều trị cho căn bệnh mới này cũng như việc điều chế vaccine hữu hiệu đang trong giai đoạn thử nghiệm… Cả thế giới căng mình chống dịch. Chúng tôi-những điều dưỡng viên của tuyến đầu phòng, chống dịch cũng vậy. Không quản vất vả, khó khăn, phải xa gia đình, con thơ… chúng tôi ngày đêm làm việc trong môi trường khắc nghiệt mà rủi ro, nguy hiểm luôn cận kề.
Quên sao được ngày đầu tiên tôi vào vòng trong, trực tiếp chăm sóc những bệnh nhân F0 điều trị tại Khoa A4. Lần đầu tiên mặc bộ phòng hộ cá nhân kín mít từ đầu đến chân và làm việc trong khoảng thời gian 6 tiếng đồng hồ liên tiếp. Còn nữa là cuộc sống nơi nhà lưu trú, chúng tôi phải nằm giường tầng, cùng sinh hoạt, chia sẻ với nhau từng cái bánh, cốc sữa. Rồi những khi đi làm ca đêm (ca làm bắt đầu từ 0 giờ mỗi ngày), không ai phải gọi ai mà đúng giờ tất cả tập trung đợi xe đến đón để vào vòng trong thực hiện nhiệm vụ. Dù trời có mưa hay giá lạnh, tất cả đều đồng lòng, quyết tâm không chậm trễ một phút nào bởi đằng sau chúng tôi, đồng đội và các bệnh nhân đang mong chờ.
Ảnh minh họa: Báo QĐND |
Vào đến khu làm việc, gấp rút mặc bộ quần áo bảo hộ, chúng tôi nhanh chóng vào nhận bàn giao ca cho kíp trước về nghỉ ngơi. Bên cạnh “guồng quay” của việc chăm sóc người bệnh diễn ra không ngừng nghỉ, chúng tôi không tránh khỏi tâm trạng lo lắng, hồi hộp khi cứ sau 3-5 ngày, tất cả nhân viên vào vòng trong tự lấy bệnh phẩm cho nhau để xét nghiệm Covid-19.
Trải qua khoảng thời gian chờ kết quả xét nghiệm, ai cũng hồi hộp, lo lắng. Lo cho đồng nghiệp, lo cho mình! Không biết tất cả có bình an để tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao không? Và sau những giờ phút làm việc căng thẳng, chúng tôi có những phút giây nghỉ ngơi thư giãn, cùng nhau luyện tập thể thao như đánh bóng bàn, cầu lông, nhảy aerobic… Những khi nhớ nhà thì chỉ biết ra ngoài hiên dõi mắt nhìn về hướng gia đình với bao suy nghĩ, mong ngóng dịch bệnh sớm được đẩy lùi để trở về cuộc sống bình thường, trở về với gia đình thân yêu.
Giờ đây, đại dịch đã đi qua. Chúng ta đã có kinh nghiệm và năng lực ứng phó với những ảnh hưởng của nó. Vì sức khỏe của bộ đội và nhân dân, chúng tôi vẫn ngày đêm gắn bó với công việc của mình. Đón một người bệnh vào Khoa, chúng tôi cũng thấp thỏm, lo lắng như chính người thân của họ. Và khi một người bình an rời khỏi giường bệnh trở về với cuộc sống đời thường, chúng tôi lại như được tiếp thêm động lực để làm việc. Cho dù phía trước còn những khó khăn, gian nan không ai có thể lường trước được, nhưng chắc chắn một điều: Chúng tôi sẽ không ai bỏ vị trí, bỏ người bệnh. Đi qua những ngày gian khó, hiểm nguy, nhất là trải nghiệm nghề nghiệp thật khó quên trong những ngày chống dịch Covid-19, đó sẽ là kinh nghiệm để đời, cho chúng tôi sức mạnh hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ quân y trên tuyến đầu.
THU HẰNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.