Thành kính dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
10 năm đã trôi qua kể từ lần đặt chân lên Phú Thọ đúng vào dịp Giỗ Tổ Vua Hùng, bà H’Vi Ê ban, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh vẫn không thể nào quên được cảm giác bồi hồi, háo hức xen lẫn tự hào khi lần đầu được về với quê cha đất Tổ.
Bà H’Vi Ê ban kể lại, năm 2015, bà vinh dự là một thành viên trong Đoàn lãnh đạo, đại biểu tỉnh Đắk Nông được đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng đúng vào dịp Lễ hội Đền Hùng. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, bà cùng các thành viên trong đoàn đã lần lượt đi dâng hương tại các đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng, chùa Thiên Quang…
Trước anh linh tổ tiên, thay mặt đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Nông, đồng chí Trần Quốc Huy, lúc ấy là Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông đã bày tỏ lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên, báo cáo những thành tựu tiêu biểu mà tỉnh Đắk Nông đã đạt được trong những năm qua. Đồng thời, xin hứa, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tiếp tục giữ vững khối đại đoàn kết, ra sức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội, không phụ công đức tổ tiên.
Tại Nhà Triển lãm tư liệu ảnh, hiện vật của đồng bào cả nước dâng tiến lên Vua Hùng (thuộc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng), Đoàn đại biểu tỉnh Đắk Nông đã tham dự Lễ tiếp nhận công đức, bàn giao lễ vật cung tiến của tỉnh cho Ban Quản lý Khu di tích Đền Hùng do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức.
Trong lần đầu tiên tham gia Giỗ Tổ Hùng Vương, Đắk Nông dâng tiến các Vua Hùng cặp lộc bình quý bằng gỗ Du Sam được khắc họa các hoa văn, thể hiện những nét văn hóa đặc sắc của tỉnh Đắk Nông như: Tượng đài N’Trang Lơng, hình ảnh các nghệ nhân đang diễn tấu cồng chiêng, sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc… cùng một bộ chiêng của dân tộc M’nông gồm 6 chiếc, thể hiện tấm lòng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đất Tổ.
“Mỗi dịp tháng ba về, trong tôi lại trào dâng nhiều cảm xúc. Những kỷ niệm của lần đầu dâng hương tại Đền Hùng cùng Đoàn lãnh đạo tỉnh như sống lại. Mỗi người chúng ta đều có một quê hương riêng của mình và có một quê hương chung là quê cha đất Tổ. Có lẽ vì vậy, lần đầu về với cội nguồn, tôi không lạ lẫm mà thấy rất đỗi thân quen. Hiện nay, với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, tôi cũng thường xuyên động viên chị em phát huy tinh thần đoàn kết, luôn cố gắng xứng đáng là dòng dõi Bà Trưng, Bà Triệu, con, cháu các Vua Hùng, góp phần cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, bà H’Vi chia sẻ.
Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, hàng năm, các cơ quan, ban ngành, địa phương tỉnh Đắk Nông tổ chức các đoàn hành hương về Phú Thọ, đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Mỗi đoàn có thể đi đúng dịp lễ Giỗ Tổ hay vào những dịp khác nhau nhưng tất cả đều có chung một niềm cảm xúc, tự hào, hạnh phúc khi được về nơi quê cha đất Tổ. Đặc biệt, dù thời gian có qua bao lâu nhưng không làm phai mờ những câu ca dao, tục ngữ được khắc trên những bia đá để dọc hai bên lối lên các đền. Những câu ca ấy như nhắc nhở mỗi người con đất Việt dù ở đâu, làm gì cũng cần phải biết về nguồn cội dân tộc, cố gắng hơn nữa để xứng đáng là con cháu Vua Hùng như lời dạy của Bác Hồ “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Bà Hà Thị Hạnh, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: “Nhớ về nguồn cội, không nhất thiết là phải về quê hương Phú Thọ, viếng Đền Hùng vào ngày Giỗ Tổ mà tùy điều kiện hoàn cảnh, mỗi người có một cách thức hướng về nguồn cội riêng. Riêng tôi chỉ cần tâm lúc nào cũng thành kính tri ân, nhớ về công lao của các Vua Hùng, tự hào về truyền thống dân tộc, luôn cố gắng, hết sức mình trong công việc và cuộc sống thì đó là cách hướng về nguồn cội sâu sắc, tốt nhất”.
Ông Nguyễn Văn Chiến, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa cho hay, cách đây vài năm, ông đã đứng ra thành lập đoàn 30 người đại diện cho người dân Phú Thọ đang sinh sống ở Đắk Nông về dâng hương tưởng nhớ Vua Hùng vào dịp 10/3. Chuyến đi về nguồn cội ấy, các thành viên trong đoàn ai cũng phấn khởi, vui mừng và mong muốn có thêm nhiều chuyến đi hơn nữa để được về với quê hương.
Ông Chiến tâm sự: “Dù nhiều lần về nhưng mỗi lần, tôi lại có một cảm xúc khác nhau và lúc nào cũng thấy lòng bồi hồi, xúc động vô cùng. Tôi cho rằng, hễ là người dân Việt Nam thì dù ở đâu, làm gì cũng đều dành một ngày để tìm về sử xưa, hiểu thêm về Vua Hùng, lịch sử dân tộc. Bởi hướng về nguồn cội, tưởng nhớ đến công lao dựng nước của các Vua Hùng là một trong những tình yêu quê hương sâu sắc nhất, “Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn”.
Giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc
Đắk Nông là nơi có nhiều người dân từ các tỉnh, thành trong cả nước đến để lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới, trong đó có người dân Phú Thọ. Chính vì vậy, mỗi dịp đến lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, những người con Phú Thọ đều gác việc riêng để cùng nhau làm mâm cơm dâng lên các Vua Hùng, hướng về nguồn cội.
Đặc biệt, để giáo dục con cháu về truyền thống dân tộc, Hội đồng hương Phú Thọ ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức còn hiến đất, góp công, góp của xây dựng Đền thờ Vua Hùng.
Theo ông Chử Văn Chúc, Hội trưởng Hội đồng hương Phú Thọ xã Đắk Búk So, năm 2017, đúng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), Đền thờ Vua Hùng đã được khánh thành tại thôn 6 với diện tích 250m2. Với thiết kế theo phong cách kiến trúc cung đình cổ kính, Đền thờ nằm trên đồi cao thể hiện sự oai phong, uy nghiêm của các Vua Hùng. Bên cạnh đó, để bày tỏ lòng thành kính, người dân đã về Đền Hùng ở Phú Thọ xin đất, xin nước, rước chân hương vào thờ.
Ông Chúc thông tin, dù ở vùng đất mới nhiều năm nhưng những người con Phú Thọ xa quê luôn giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đã thành thông lệ, vào những ngày lễ, tết, nhất là dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Hội đồng hương Phú Thọ đều gặp mặt và tổ chức cúng giỗ một cách thành kính để tưởng nhớ công lao của các Vua Hùng đã có công dựng nước. Để ngày Giỗ Tổ chu toàn nhất, người dân tập trung gói bánh chưng, bánh dày dâng cúng tổ tiên. Các nghi thức được tổ chức rất trang nghiêm, thành kính.
Ông Chử Anh Chương, người con Phú Thọ sống tại thôn 6, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức cho hay: “Cứ đến ngày Giỗ Tổ, chúng tôi đều gác hết mọi công việc lại, cùng nhau làm mâm cỗ dâng lên các Vua Hùng. Đây còn là dịp để chúng tôi quây quần, nói chuyện, ôn lại lịch sử cha ông dựng nước cho con cháu nghe. Sau đó, chúng tôi trao đổi chuyện làm kinh tế, cuộc sống của những người con xa quê để động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn, làm rạng danh con cháu Vua Hùng nơi mảnh đất này”.
Tại xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp, nơi thờ tự các Vua Hùng được Hội đồng hương Phú Thọ giữ gìn sạch sẽ, trang nghiêm. Đặc biệt, vào dịp 10/3 âm lịch hàng năm, nơi đây trở thành địa điểm để con cháu đồng hương Phú Thọ cùng về làm lễ báo công với các Vua Hùng.
Ông Lê Hữu Nghệ, Hội trưởng Hội đồng hương Phú Thọ xã Quảng Tín cho biết: “Hàng năm, cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, bà con Phú Thọ hiện đang sinh sống trên địa bàn xã và con cháu muôn phương lại tề tựu đông đủ để thắp nhang, cúng lễ tưởng niệm các Vua Hùng. Đối với những người xa quê như chúng tôi, đây là dịp để gặp gỡ, hàn huyên tâm sự, hỏi han nhau những vui buồn trong cuộc sống cũng như những kỷ niệm của tuổi thơ ở quê nhà”.
Việc tổ chức lập bàn thờ làm lễ cúng, dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng là một việc làm truyền thống của hội. Thông qua đó, những thế hệ đi trước luôn nhắc nhở con cháu dù làm gì cũng phải luôn nghĩ và hướng về quê hương. Bởi vì, đó không chỉ là quê hương của người Phú Thọ mà còn là nguồn cội của tất cả những người con đất Việt, hết sức thiêng liêng. Việc tưởng nhớ các Vua Hùng đều xuất phát từ cái tâm, cái tình của người con đối với cội nguồn dân tộc.
Ông Nghệ chia sẻ: “Trong mâm lễ dâng lên các Vua Hùng luôn không thể thiếu bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho trời và đất, xôi, gà... Đặc biệt, tại lễ gặp mặt, chúng tôi còn ôn lại truyền thống, lịch sử dựng nước của các Vua Hùng, tưởng nhớ cội nguồn dân tộc. Giỗ Tổ không chỉ là dịp bà con sum vầy, trò chuyện cho bớt nỗi nhớ quê hương mà còn là dịp để các con, cháu hiểu và luôn ghi nhớ dù làm gì, ở đâu cũng phải nhớ về nguồn cội, nhớ về quê hương”.
Luôn hướng về cội nguồn
Những năm qua, mỗi dịp Giỗ Tổ không chỉ người dân Phú Thọ mà tất cả người dân đang sinh sống trên địa bàn Đắk Nông đều hướng về cội nguồn với những hoạt động thiết thực.
Ông Lê Văn Minh, thôn 8, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp từ Phú Thọ vào Đắk Nông lập nghiệp đã nhiều năm. Hàng năm vào lễ Giỗ Tổ, gia đình ông và những người Phú Thọ đang sinh sống trong thôn 8 đều tổ chức mâm cơm kính dâng lên các Vua Hùng. Trong ngày lễ này, ngoài gặp mặt đồng hương Phú Thọ, ông còn mời đại diện các gia đình trong thôn cùng ăn bữa cơm “đoàn kết”.
Ông Minh chia sẻ: “Là người sinh ra ở mảnh đất Vua Hùng, mỗi dịp 10/3 âm lịch, tôi đều yêu cầu các con, cháu là người Phú Thọ trong thôn phải có mặt đầy đủ để cùng làm mâm cơm dâng lên các Vua Hùng. Bữa cơm này, tôi đều mời đại diện các gia đình đến từ các miền quê khác cùng tham gia. Bởi tôi nghĩ, đất nước ta có truyền thống đoàn kết, yêu nước nồng nàn, do đó, tôi cũng mong muốn tất cả người dân trong thôn tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức xây dựng thôn, xóm ngày càng phát triển”.
Còn ông Trần Huy Toàn, thôn 8, xã Đắk Ru cho biết: “Trước khi đến ngày Giỗ Tổ, những người con quê Phú Thọ trong thôn đều họp lại bàn bạc cách thức tổ chức lễ như thế nào. Đến ngày giỗ chính, chúng tôi ăn mặc trang trọng, lịch sự, cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ tươm tất có đầy đủ bánh chưng, bánh giầy, những món đặc sản của địa phương, nhất là gia đình nào có trái cây nào thì đều lựa chọn những quả ngon nhất để dâng lên Vua Hùng”.
Dù không sinh ra ở Phú Thọ, nhưng mỗi dịp Giỗ Tổ mồng 10/3, ông Nguyễn Văn Hưng ở phường Nghĩa Trung, Gia Nghĩa đều chuẩn bị bánh chưng, bánh giầy, trái cây để dâng lên tổ tiên cũng như các Vua Hùng với tấm lòng thành kính sâu sắc. Đây là nét đẹp văn hóa được gia đình ông lưu truyền qua bao thế hệ.
Theo ông Hưng: “Từ bao đời nay, cứ đến lễ Giỗ Tổ, gia đình tôi đều chuẩn bị mâm cỗ có bánh, có trái cây để dâng lên các Vua Hùng. Tôi luôn nghĩ, mình là thế hệ sau, việc tri ân thế hệ đi trước, nhất là đối với những người có công với đất nước là điều rất nên làm. Đây cũng là cách để tôi nhắc nhở con cháu dù làm gì hay ở bất cứ nơi đâu cũng phải luôn nhớ về cội nguồn dân tộc”.
Ngày 2/4/2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - Quốc Lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.
Giỗ Tổ Hùng Vương là một hoạt động mang tính truyền thống, có ý nghĩa giáo dục đối với toàn thể Nhân dân Việt Nam. Ðó là sự khẳng định tinh thần yêu nước, hướng về tổ tiên, hướng về cội nguồn, là động lực tinh thần góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cùng vượt qua khó khăn; củng cố niềm tin cho cộng đồng để cùng nhau hướng tới tương lai, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh hơn, to đẹp hơn. Cũng như những địa phương khác, Nhân dân tỉnh Đắk Nông luôn hướng về cội nguồn dân tộc với lòng thành kính và tri ân sâu sắc.
Nguồn: https://baodaknong.vn/nho-ngay-gio-to-mong-10-thang-3-248529.html
Bình luận (0)