Ông tên thật là Lâm Ngươn Phẩm, sinh năm 1934, sự ra đi của ông đã để lại nhiều thương tiếc cho gia đình và các nghệ sĩ hài tại TP HCM.
Nghệ sĩ Tùng Lâm rời xa sàn diễn đã lâu (do 4 lần bị đột quỵ), tuy nhiên mỗi lần chúng tôi đến thăm, ông vẫn đau đáu ước mơ được trở lại sàn diễn, đem tiếng cười phục vụ công chúng.
Khoảng những năm 1950, bộ ba nhạc sĩ Lam Phương – nghệ sĩ Vân Hùng – nghệ sĩ Tùng Lâm thường hát chung trong các buổi phát thanh. Họ được khán giả khen ngợi qua những nhạc phẩm như: “Khúc ca ngày mùa”, “Ô mê ly”, “Thiên thai”, “Khúc nhạc dưới trăng”, “Làng tôi”…
Sau đó, bộ ba nghệ sĩ này chia tay, Tùng Lâm suy nghĩ muốn tồn tại phải có hướng đi riêng và thế là ông chọn cách hát những ca khúc có pha sự hài hước, thời đó người ta gọi ông là “Tiểu quái kiệt” Tùng Lâm. Bởi, lúc bấy giờ làng giải trí Sài Gòn có 3 nghệ sĩ được khán giả phong “quái kiệt” là Trần Văn Trạch (em GS-TS Trần Văn Khê), Bảy Xê và Ba Vân. Ngoài ca hát, ông còn tham gia nghề lồng tiếng phim và cả bầu sô. Ông được xếp vào “tam đại bầu sô” chung với nhạc sĩ Châu Kỳ và ông bầu Duy Ngọc.
Khoảng những năm 1960, ông lập ban “Tạp lục Tùng Lâm” biểu diễn nhiều loại hình: ca, múa nhạc, song tấu hài hước và đào tạo ca sĩ trẻ thời đó, mời họ tham gia biểu diễn tại các chương trình đại nhạc hội mà ông làm bầu như: Trang Thanh Lan, Trang Mỹ Dung, Trang Kim Yến, Phượng Mai, Kim Tuyến…
Nghệ sĩ Tùng Lâm bên cạnh bức tượng sáp của ông, hiện được trưng bày tại Khu Du lịch Suối Tiên (TP Thủ Đức, TP HCM)
Nghệ sĩ Tùng Lâm có hơn 60 năm gắn bó với sân khấu, ông luôn tự hào khi được khán giả đặt nghệ danh là “tiểu quái kiệt” bởi nét diễn duyên dáng, cộng với tài năng ca hát, hoạt náo và diễn xuất trước ống kính. Ông trở thành người nghệ sĩ đa đoan, vừa là diễn viên vừa là tác giả, đạo diễn và nhà quản lý.
Trong sự nghiệp nghệ thuật, ông đã tạo nhiều dấu ấn đẹp cho sân khấu hài thông qua các tiểu phẩm do chính ông sáng tác, ở đó còn có những vai diễn phản ánh đời sống và lồng ghép vào đó những thông điệp giáo dục sâu sắc.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông tham gia đoàn kịch nói Kim Cương và chuyên các vai hài có số phận, cụ thể trong vở: “Lá sầu riêng”, “Dưới hai màu áo”, “Vực thẳm chiều cao”… được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Có một thời gian ông làm phó đoàn Văn Công Hậu Giang, đảm nhận luôn việc dàn dựng. Với tài năng quản lý, ông đã mang lại nhiều doanh thu cho đoàn, được nhận định là “ông bầu mát tay”.
Khi tuổi già ập đến, sức khỏe không cho phép nghệ sĩ Tùng Lâm tiếp tục công việc, nhưng những lúc sức khỏe ổn định, ông vẫn muốn được là người của sân khấu. Ông từng lặng lẽ vào khán phòng rạp Công Nhân, ngồi bên cánh gà để xem các diễn viên trẻ biểu diễn.
NSND Kim Cương nhớ lại: “Tôi có nhiều kỷ niệm với nghệ sĩ Tùng Lâm vì ông đã gắn bó một giai đoạn với Đoàn kịch nói Kim Cương. Ông là người chịu khó học hỏi, tìm kiếm những nét mới trong nghề và được công chúng đón nhận. Vốn là người có tài ca hát, lại giỏi hoạt náo, ông kết hợp với tấu hài làm phong phú thêm cách ca diễn của mình”.
Vĩnh biệt nghệ sĩ Tùng Lâm. Khán giả yêu thích hài vẫn luôn nhớ đến tiếng cười của ông!
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/nho-mai-tieng-cuoi-nghe-si-tung-lam-2023101521380493.htm