Nâng niu từng tấm ảnh được chụp chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà H Yam Buôn Krông, ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk bùi ngùi kể, bà vinh dự 2 lần được gặp Tổng Bí thư. Đặc biệt, năm 2011, bà và các chị em còn tự tay dệt chiếc áo thổ cẩm Êđê thật đẹp tặng Tổng Bí thư khi ông về thăm buôn.
Bà H Yam Buôn Krông nói: “Khi nghe tin là bắt đầu xếp sợi dệt vải để mà được tặng Bác, gửi gắm tình yêu thương, sự tôn trọng của mình đối với Bác. Lần thứ hai gặp Bác là khi tôi đi dự Hội nghị tuyên dương nhân sĩ, tri thức, doanh nhân tiêu biểu và người uy tín dân tộc thiểu số tại Hà Nội. Tôi cảm thấy rất quý mến những lời Bác căn dặn đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và cả nước nói chung, phải xây dựng khối đại đoàn kết, có đoàn kết thì mới thành công”.
Khắc ghi lời dặn của Tổng Bí thư, những năm qua, bà H Yam cùng với 45 thành viên hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông (đều là người Ê Đê trong xã Ea Kao), đã không ngừng đoàn kết vươn lên, chịu khó tìm tòi, cải tiến mẫu mã tạo ra nhiều sản phẩm thổ cẩm mới, kết hợp với bảo tồn văn hóa truyền thống để xây dựng buôn du lịch cộng đồng.
Với nghệ nhân ưu tú A Biu ở làng Klếch (xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum), dù tuổi cao, mắt đã mờ, chân đã run, nhưng ông vẫn miệt mài với việc sưu tầm nhạc cụ và truyền dạy cho các thế hệ trẻ. Ông dành nhiều tâm huyết tìm kiếm ching chiêng, đàn, trống, tượng gỗ… trong cộng đồng Ba Na, đem về ngôi nhà của mình và biến nơi đây thành một địa điểm du lịch cộng đồng.
Ông A Biu tâm sự: “Để quảng bá về văn hóa về Tây Nguyên thì dù tuổi già nhưng ở nhà tôi đã làm một điểm du lịch, sưu tầm được gần ba mươi mấy bộ chiêng. Bây giờ tôi cũng đi truyền bá văn hóa nhiều lắm, từ mấy em học sinh rồi con cháu trong nhà, bà con hàng xóm. Thậm chí là vừa rồi tôi còn đi truyền dạy cồng chiêng Ba Na. Hy vọng được sự quan tâm của nhà nước như thế này chắc chắn là bà con sẽ nhìn thấy được sự đoàn kết chặt chẽ trong cộng đồng mình, cùng khôi phục lại tiếng chiêng”.
Việc giữ gìn những di sản văn hóa ở Tây Nguyên còn nhận được sự quan tâm, tiếp nối của nhiều người trẻ. Rơ Châm Tứ, ở làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai mới 15 tuổi nhưng đã thuộc gần chục bài sử thi của người Ja Rai. Em cảm thấy may mắn vì có ông ngoại biết kể sử thi nên phải cố gắng học thật nhiều.
“Học thêm càng nhiều bài càng tốt, nếu mình không biết thì khi ông mất đi mình sẽ mất hết, bản sắc dân tộc mình thì mình phải gìn giữ, truyền lại và noi theo. Dù không biết nhiều bằng ông thì cũng giữ lại được một ít cho sau này”, Rơ Châm Tứ nói.
Gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, NSƯT A Đuh, ở làng Trang, xã Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum thường xuyên về các buôn làng để sưu tầm những làn điệu dân ca. Ông cũng nghiên cứu cải tiến các loại nhạc cụ như: Chiêng, cồng, t’rưng, ting ning, klông-put và sáng tạo những bài ca mới. Ông cho rằng, đó cũng là cách để phát triển văn hóa trong tình hình mới.
NSƯT A Đuh chia sẻ: “Giai điệu gốc vẫn giữ nguyên như thế, căn cứ vào những cái gốc đó người ta phát triển. Tận dụng từ giai điệu hay ấy chúng ta làm cho nó hay hơn nữa để sau này có những tác phẩm phục vụ bà con mình tốt hơn”.
“Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn” – lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 còn nguyên giá trị. Tưởng nhớ Tổng Bí thư, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên tiếp tục gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, cũng là gìn giữ hồn cốt dân tộc cho mai sau.
Nguồn: https://vov.vn/van-hoa/nho-loi-tong-bi-thu-nguoi-tay-nguyen-doan-ket-gin-giu-van-hoa-dan-toc-post1110080.vov