Kỳ 2: Hướng đến mục tiêu xanh, phát triển bền vững
Từ những chủ trương, nghị quyết đúng đắn, công tác trồng rừng và phát triển hệ thống cây xanh trên toàn tỉnh đã được triển khai thường xuyên, liên tục và tạo thành phong trào ngày càng thực chất, hiệu quả. Hàng nghìn ha rừng, hàng triệu cây xanh được trồng mới và bảo vệ trong những năm qua đã mang lại hiệu quả tích cực nhằm phủ xanh đất trống, nâng cao độ che phủ của rừng, xanh hóa khu đô thị và các vùng nông thôn, từ đó, góp phần xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.
Vĩnh Phúc xanh hôm nay
Nhằm thực hiện tốt công tác trồng và phát triển hệ thống cây xanh, bảo vệ môi trường thiên nhiên, Vĩnh Phúc chú trọng thực hiện tốt hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân.
Thông qua công tác tuyên truyền, tỉnh đã từng bước huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Toàn tỉnh hiện có gần 37.000 ha diện tích rừng và đất rừng, chiếm 29,88% tổng diện tích đất tự nhiên; độ che phủ rừng đạt 25%. Chỉ riêng trong giai đoạn 2015-2021, Vĩnh Phúc đã trồng mới được hơn 4.600 ha rừng. Năm 2022, diện tích rừng được trồng mới là 700 ha.
Cùng với công tác trồng rừng tập trung, nhờ sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy và chính quyền địa phương, công tác trồng cây phân tán cũng được triển khai sâu rộng với sự tham gia của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên toàn tỉnh và đạt kết quả tốt.
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều cơ quan, doanh nghiệp và các cá nhân quan tâm, ủng hộ, dành nguồn kinh phí lớn để mua cây và tổ chức trồng tại các trường học, các địa phương điển hình đi đầu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.
Điển hình như Công ty Điện lực Vĩnh Phúc trồng hơn 1.000 cây với tổng giá trị hơn 500 triệu đồng tại các trường học trên địa bàn các huyện Lập Thạch, Sông Lô; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Đông Đô mua hơn 1.000 cây và trồng tại các trường học thuộc huyện Vĩnh Tường; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức trồng cây xanh tại 5 xã tiêu biểu nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh…
Năm 2021 là năm đầu tiên công tác xã hội hóa trồng cây phân tán được quan tâm, triển khai thực hiện nhưng đã đạt kết quả rất đáng ghi nhận với hơn 1 triệu cây được trồng mới, đạt 101,53% kế hoạch năm. Năm 2022, toàn tỉnh trồng được gần 624.800 cây, đạt 104,13% kế hoạch. Cây sau khi trồng được chăm sóc, bảo vệ, sinh trưởng, phát triển tốt. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để tiếp tục lan tỏa việc thực hiện trồng cây phân tán trong thời gian tới.
Xác định công tác xây dựng kết cấu hạ tầng là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 nhằm xây dựng Vĩnh Phúc trở thành địa phương xanh-sạch-đẹp-văn minh, tỉnh đang dồn sức huy động nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng cho các đô thị xanh bằng việc chú trọng thực hiện các giải pháp ưu tiên phát triển hệ thống cây xanh đô thị.
Chiến lược này đã từng bước mang lại lợi ích tích cực đối với việc cải thiện khí hậu, không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân. Đây không chỉ là khẩu hiệu mà đã được hiện thực hóa thông qua công tác triển khai trồng và quản lý cây xanh đường phố bằng các giải pháp đồng bộ, khoa học.
Các loại cây trồng đô thị được trồng mới, thay thế cơ bản đảm bảo chủng loại, quy cách, kích thước theo tiêu chuẩn. Số lượng cây xanh đường phố tăng, chủng loại ngày càng đa dạng, đồng đều về kích thước, độ cao, được chăm sóc, bảo vệ phù hợp với đặc tính của loài.
Học sinh Trường TH&THCS Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên ươm những mầm xanh
Tại 2 thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, việc trang trí đô thị bằng hoa, cây cảnh vào các dịp lễ, Tết đã góp phần tạo điểm nhấn và tăng mỹ quan cho các khu vực trung tâm. Nhờ các giải pháp đó, tỷ lệ cây xanh đô thị những năm gần đây của Vĩnh Phúc được cải thiện đáng kể.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 61 ha diện tích đất cây xanh công cộng trong đô thị; 7 dự án các khu công viên cây xanh, quảng trường văn hóa, trung tâm văn hóa thể dục, thể thao với tổng diện tích gần 91 ha đã được phê duyệt và đang triển khai đầu tư xây dựng. Chỉ tiêu diện tích đất cây xanh bình quân trên đầu người tại các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị được tính toán đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Trong giai đoạn hiện nay, đứng trước tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, việc trồng cây, gây rừng, đẩy mạnh phong trào xã hội hóa trồng cây phân tán, tăng diện tích bao phủ của cây xanh là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết không chỉ của riêng ai.
Thực tế đã chứng minh, việc phát triển hệ thống cây xanh gắn với tăng trưởng xanh đã giúp nhiều địa phương, quốc gia không chỉ đạt được lợi ích về môi trường, xã hội trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn cải thiện các chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển các giá trị bền vững.
Vì vậy, để hướng tới phát triển bền vững, Vĩnh Phúc tiếp tục xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch, giải pháp mục tiêu để phát triển hệ thống cây xanh. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi như phấn đấu trồng 600.000 cây phân tán gồm các loại cây sấu, xà cừ, ngọc lan, lát hoa trong năm 2023.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng dân cư và người dân đối với công tác phát triển rừng, trồng cây xanh; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và từng cá nhân.
Tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép hoạt động trồng cây vào các chương trình phát triển kinh tế-xã hội để góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, đưa việc trồng cây xanh thực sự trở thành phong trào thi đua hiệu quả, thực chất, có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Phát huy giá trị của xây xanh trong cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Bài, ảnh: Quỳnh Hương – Thùy Linh