Tại buổi tập huấn mới đây do Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, tổ chức nhằm hướng dẫn các cán bộ quản lý, giáo viên mầm non tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng, dạy trẻ mầm non về sức khỏe, về bảo đảm an toàn… có nhiều thông điệp đáng chú ý cho các thầy cô, cha mẹ.
Trong bài giảng chuyên môn, cô Nguyễn Thị Đoan Trang, chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non, cho biết mục tiêu chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non là giúp trẻ em phát triển toàn diện thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1.
Nhiều phụ huynh có suy nghĩ rằng có những bài học không cần dạy cho trẻ, vì “con nít mà, biết gì đâu”, “lớn lên tự khắc con biết”. Thực tế không phải như vậy. Một đứa trẻ cần được sự giáo dục từ phía nhà trường, gia đình, xã hội, từ những điều nhỏ nhất.
Về giáo dục dinh dưỡng ở độ tuổi mầm non, trẻ cần được dạy về cách gọi tên những món ăn; trẻ cần hiểu được giá trị dinh dưỡng trong những món các con ăn hàng ngày; biết món ăn nào không có lợi cho sức khỏe.
Về giáo dục vệ sinh, phòng bệnh, trẻ cần được dạy về quy trình rửa tay, lau mặt, chải răng, kỹ năng vệ sinh hàng ngày, và phải có nền nếp thực hiện. Trong giáo dục sức khỏe, trẻ cần được dạy để biết cách nêu lên cảm xúc của mình, biểu lộ cảm xúc cho thầy cô giáo, nói cho thầy cô về tình trạng của mình như “con mệt”, “con bị sốt”…
Đặc biệt, ngay từ lứa tuổi mầm non đã cần dạy trẻ những bài học về an toàn. Trẻ mầm non cần được dạy về nhận biết những nguy cơ không an toàn ở nhà cũng như ở trường. Đó là các vật sắc nhọn có thể khiến trẻ bị thương. Đó là các động thực vật có thể gây nguy hiểm cho trẻ như chó, mèo, côn trùng, cây hoa có gai nhọn, thực phẩm hỏng… Các địa điểm nguy hiểm như cầu thang, thang máy, lan can; các hành động gây nguy hiểm cho các con như leo trèo, ném đồ vào bạn, những hành động bị người khác xâm hại, bạo hành.
Đồng thời, theo các nhà quản lý giáo dục, cần dạy trẻ biết trong những tình huống khẩn cấp như mình (hoặc bạn) bị thương, đi lạc, hỏa hoạn, thiên tai… thì trẻ cần làm gì, cầu cứu ai, những tổng đài khẩn cấp cần ghi nhớ… Trẻ cần được dạy những bài học biết cách tìm kiếm sự trợ giúp, nói với người lớn các nguy hiểm của mình đang gặp.
“Có những bài học nhỏ rất quan trọng cần dạy trẻ từ độ tuổi mầm non, đó là dạy trẻ quy tắc an toàn khi chơi, biết chờ đến lượt mình, không xô đẩy bạn bè, không giành lượt chơi, không chạy quá nhanh… Phụ huynh đừng có suy nghĩ rằng ‘nhỏ không cần dạy, lớn lên tự nó biết'”, cô Đoan Trang nói.
Trò chơi được xem là phương tiện giáo dục hiệu quả đối với trẻ mầm non, nhưng trò chơi cũng được lựa chọn, có mục tiêu rõ ràng, có tính giáo dục. Để dạy trẻ những bài học về dinh dưỡng, sức khỏe, an toàn nêu trên, thầy cô giáo có thể trò chuyện cùng các con trong giờ đón trẻ, hay khi chờ cha mẹ đến rước; có thể lồng ghép trong các hoạt động học, hoạt động chơi; trải nghiệm các tình huống giả định hoặc tình huống có sẵn…
Đáng chú ý, cha mẹ, phụ huynh trẻ không đứng bên ngoài trong hành trình giáo dục trẻ em. Bởi chính cha mẹ cũng là thầy cô giáo của con ở nhà, cần dạy dỗ và cho con thực hành nhiều bài học thường xuyên. Qua mô hình trường học mở, nhiều trường học TP.HCM thời gian qua đã mời phụ huynh vào lớp, cùng quan sát, chăm sóc trẻ ở trường mầm non, từ đó sẽ có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc, giáo dục con.
Giáo dục mầm non ở một số nước châu Á – Thái Bình Dương dạy trẻ những bài học quan trọng nào?
Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ra một số điểm quan trọng để các cơ sở giáo dục mầm non có thể tham khảo:
- Dạy trẻ biết chia sẻ, biết lắng nghe, biết chờ đến lượt
- Biết thông cảm với mọi người
- Tôn trọng sự đa dạng, khác biệt
- Biết hòa hợp với người khác (chia sẻ, hòa đồng, hỗ trợ những người bạn đang học hòa nhập là một ví dụ)
- Hòa hợp với tự nhiên
- Hiểu các thông điệp xã hội…