Tháng 6-2015, FIFA ra lệnh cấm Indonesia tham dự các giải đấu quốc tế vì sự can thiệp quá mức của chính phủ nước này vào Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI).
Và điều này mở đầu cho một giai đoạn đi lên từ đống tro tàn của nền bóng đá xứ vạn đảo. Tháng 5-2023, Hãng tin AFP đưa ra nhận định: “Indonesia là một nền bóng đá quá tệ so với thực lực”.
Những vết nhơ liên tục xuất hiện
Nhận xét đó dựa trên nguồn lực dồi dào mà Indonesia sở hữu. Với dân số lên đến hơn 275 triệu người, Indonesia là quốc gia lớn nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á.
Một cuộc khảo sát khác cho thấy có đến 70% người dân Indonesia xem bóng đá là môn thể thao số 1, tức ở Indonesia có gần 200 triệu tín đồ “túc cầu giáo”. Nhưng nằm trong khu vực vốn bị xem là “vùng trũng” của bóng đá thế giới, thành tích của Indonesia trên hầu hết đấu trường hoàn toàn thua kém Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.
Nếu có một điều gì đó khiến Indonesia nổi bật trong làng bóng đá thế giới, đó chỉ có thể là những vụ tai tiếng. Năm 2015, họ dính án phạt nặng của FIFA, trước khi được gỡ bỏ vào một năm sau đó.
Đến năm 2022, họ lại đón nhận thảm họa giẫm đạp khiến 135 người thiệt mạng ở sân vận động Kanjuruhan. Nửa năm sau, FIFA tước quyền đăng cai World Cup U20 của Indonesia vì chính trị lại một lần nữa can thiệp sâu vào bóng đá.
Mới đây, FIFA lại một lần nữa phải ra án phạt dành cho bóng đá Indonesia. Đối tượng lần này là 5 CLB lớn của Liga 1 (Giải vô địch quốc gia Indonesia) vì vấn đề tài chính. Đó là chưa kể đến vụ ẩu đả đáng xấu hổ của đội U23 nước này với Thái Lan ở chung kết SEA Games 2023, khiến Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) phải ra một án phạt nặng.
Giải quyết từ phần ngọn
Ồn ào, bê bối… là hình ảnh bóng đá Indonesia thể hiện trong 10 năm qua. Nhưng cũng không thể phủ nhận họ vẫn là một nền bóng đá có thực lực với dân số đông đảo.
Trước khi lên tiếng chê bai chính sách nhập tịch của bóng đá Indonesia, người hâm mộ nên tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử quốc gia này. Có bao nhiêu cầu thủ gốc Indonesia vang danh trên cầu trường quốc tế? Danh sách được liệt kê có thể khiến người hâm mộ phải ngạc nhiên. Đó là Van Persie, Nigel De Jong, Roy Makaay, Van Bronckhorst, hay gần đây nhất là Radja Nainggolan.
Indonesia có mối liên hệ chặt chẽ với Hà Lan. Thống kê vào năm 2021 cho biết có đến 1,7 triệu người dân Hà Lan có nguồn gốc Indonesia, với hơn 300.000 người sinh ra tại xứ vạn đảo. Vì vậy, khi Indonesia phát động chiến dịch nhập tịch, họ không gặp nhiều khó khăn để tìm được những ngôi sao bóng đá có “dòng máu Java”.
Tập thể mà HLV Shin Tae Yong mang đến Giải U23 châu Á 2024 có 3 cầu thủ sinh trưởng tại Hà Lan, gồm Ivar Jenner, Tjoe-A-On và Rafael Struick – người hùng trong chiến thắng trước U23 Hàn Quốc ở tứ kết (hòa 2-2, Indonesia thắng trên chấm luân lưu 11m).
Mở rộng lên đội tuyển quốc gia, Indonesia hiện tại còn có thêm Oratmangoen và Thom Haye – người được định giá 4 triệu USD.
Nhưng thuyết phục những cái tên kể trên rời bỏ Hà Lan để di chuyển một chặng đường hơn 11.000km trở về Indonesia mỗi dịp thi đấu quốc tế lại là chuyện không hề dễ dàng. Indonesia cần đến vị thế của chủ tịch Erick Thohir.
Tại CLB Heerenveen, Haye đang hưởng mức lương 215.000 USD/năm (5,5 tỉ đồng). Do đó, không lý do gì để Haye phải chọn một nền bóng đá vùng trũng như Indonesia để “nhọc sức” vào những dịp thi đấu quốc tế. Uy thế của Thohir là một trong những lý do giúp bóng đá Indonesia thu hút được các ngôi sao.
Nền tảng vững chắc
Việc bóng đá Indonesia nhập tịch ồ ạt ban đầu không được người dân nước này ủng hô. Đến mức phó chủ tịch PSSI phải lên tiếng thanh minh: “Indonesia đang hướng đến thành công trước mắt. Về lâu dài, chúng tôi cần đến những cầu thủ bản địa để phát triển”.
Dù chìm ngập trong những vụ bê bối nhưng bóng đá Indonesia rất có chiều sâu. Liga 1 của họ có 18 đội bóng, với mức giá trị cầu thủ trung bình mỗi CLB là hơn 4 triệu euro/đội theo Transfermarkt (cao hơn mức 3 triệu euro/đội của V-League). Liga 2 có đến 28 đội, và giá trị trung bình tương ứng cũng là 1,25 triệu euro/đội.
Trong mô hình bóng đá trẻ của Indonesia có vai trò của các “trường học bóng đá”. Được gọi tắt là SSB, mô hình này bắt đầu bùng nổ trong 20 năm trở lại đây. Đây vốn là mô hình trứ danh của Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi có rất nhiều trường học chuyên về những môn thể thao.
Hằng năm, những học sinh từ lứa U10 có tiềm năng bóng đá được tư vấn gửi đến các SSB như Ragunan, Mitra Surabaya, Makassar hay Persib Bandung. Họ học chương trình văn hóa bình thường như bao học sinh Indonesia khác, với mức độ tập trung cao hơn dành cho thể thao. Và các SSB liên tục thi đấu cọ xát với nhau.
Mô hình SSB tuy không thể giúp Indonesia nâng chất lượng “phần ngọn” nhưng nó giúp bóng đá Indonesia luôn duy trì được chiều sâu và số lượng đông đảo các cầu thủ trẻ. Từ đó, việc chọn lọc của các đội tuyển lứa tuổi cũng trở nên chất lượng hơn. Có ít nhất 6 cầu thủ ở U23 Indonesia hiện tại trưởng thành từ những SSB, trong đó có đội trưởng Rizky Ridho.
Với chiếc HCV SEA Games 2023 và chiến dịch lọt vào bán kết Giải U23 châu Á 2024, bóng đá Indonesia đang cho thấy sự hồi sinh từ đống tro tàn, sau liên tiếp các bê bối ồn ào những năm qua. Nhưng hành trình đó thật ra đã bắt đầu từ những năm đầu thập niên 2000.
Uy thế của chủ tịch Erick Thohir
Không một quan chức, hay ông bầu bóng đá nào ở Đông Nam Á có thể so sánh với Thohir về tầm ảnh hưởng ở làng bóng đá đỉnh cao.
Vị doanh nhân 53 tuổi này từng sở hữu CLB Inter Milan trong giai đoạn 2013 – 2018 và CLB Mỹ DC United cùng một loạt các CLB danh tiếng khác. Chính ông Thohir đã đến thuyết phục Haye cùng nhiều cầu thủ khác sinh trưởng tại Hà Lan trở về khoác áo đội tuyển Indonesia.
Tuoitre.vn