Theo khảo sát từ Công ty Resume Genius với 625 nhà quản lý tuyển dụng trên khắp Hoa Kỳ, ba dấu hiệu của hồ sơ xin việc có thể khiến nhà tuyển dụng gạch tên bạn từ sớm, bao gồm sử dụng hồ sơ do AI tạo, nhảy việc thường xuyên và trình bày kém chuyên nghiệp.
Dùng hồ sơ xin việc do AI tạo
Hơn một nửa (53%) người quản lý cho biết họ dè dặt với các hồ sơ chứa nội dung do AI tạo ra. 20% gọi đây là “vấn đề nghiêm trọng” khiến họ không thể tuyển dụng ứng viên.
Michelle Reisdorf, giám đốc khu vực của Công ty tuyển dụng Robert Half, nói: “Điều cực kỳ quan trọng là sơ yếu lý lịch phải phản ánh trung thực, xác thực những kỹ năng và kinh nghiệm mà bạn mang lại”.
“Nếu bạn sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết sơ yếu lý lịch chỉ trong vài phút, điều đó cho thấy bạn không dành nhiều thời gian và công sức cho vị trí của công ty”, cô nói thêm.
Reisdorf đã làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng hơn 30 năm. Dù vẫn khuyến khích ứng viên sử dụng AI để xem lại và chỉnh sửa hồ sơ, nhưng nói rằng họ nên viết bản thảo đầu tiên thay vì dựa hoàn toàn vào AI.
Cô chia sẻ: “AI hiệu đính và nâng cao những nội dung ứng viên đã viết một cách hiệu quả, nhưng không phải là cách duy nhất để tạo ra sơ yếu lý lịch hoàn hảo.
Các nhà tuyển dụng sẽ biết liệu ứng viên có đưa ra những chi tiết cụ thể từ công việc trước đây không, hoặc viết bằng giọng văn cá nhân, của một con người hay chỉ là máy móc”.
Nhảy việc thường xuyên
Tương tự, những hồ sơ thể hiện xu hướng nhảy việc thường xuyên của ứng viên khiến 50% nhà quản lý ngần ngại tuyển dụng. Thông tin này cũng khó để “lấp liếm” hơn.
Nếu đã chuyển việc nhiều lần, bạn không thể nói dối về quá trình làm việc. Hơn nữa, các nhà tuyển dụng có những định nghĩa khác nhau về lý do một người nhảy việc quá thường xuyên.
Một số người có thể thay đổi công việc 1-2 năm một lần. Trong khi đó, những người khác cho rằng họ nên nhảy việc trong khung thời gian ngắn hơn, ví dụ như sau chưa đầy một năm làm việc.
Reisdorf nói, bạn có thể không cần phải giải thích dông dài về lý do mỗi lần chuyển việc, “vì hầu hết các nhà tuyển dụng đều không cần biết điều đó lúc đọc sơ yếu lý lịch”.
“Họ muốn biết liệu bạn có đủ kỹ năng và kinh nghiệm để thực hiện tốt công việc hay không. Những kinh nghiệm và cam kết trong quá khứ của bạn với công việc trước kia thường được để dành cho buổi phỏng vấn”, cô giải thích.
Tuy nhiên, nếu có một vài phần ngắn gọn trong sơ yếu lý lịch, Reisdorf khuyên bạn nên đưa vào một bối cảnh ngắn gọn, từ 1 đến 2 câu về những thay đổi công việc ở nơi khác.
Cô giải thích: “Hầu hết các đơn xin việc trực tuyến sẽ có phần trống để bổ sung hoặc trình bày lý do nghỉ việc, sau khi bạn tải sơ yếu lý lịch của mình lên. Đó là nơi an toàn để thừa nhận bất kỳ lần nhảy việc nào, mà không thu hút quá nhiều sự chú ý”. Nếu không, hãy để dành mọi lời giải thích về lý do nhảy việc của bạn cho cuộc phỏng vấn.
Trình bày thiếu chuyên nghiệp
Một dấu hiệu bất lợi khác khiến nhà tuyển dụng chú ý trong hồ sơ xin việc là cách trình bày thiếu chuyên nghiệp, ví dụ như bố cục vô tổ chức, sử dụng phông chữ khó hiểu hay đơn giản là quên kiểm tra chính tả.
Reisdorf cho biết những sơ yếu lý lịch đơn giản, rõ ràng là hiệu quả nhất, vì chúng dễ đọc và dễ hiểu đối với hầu hết mọi người. Định dạng này thường sử dụng phông chữ màu đen cơ bản, nằm gọn trong một trang và có các phần nội dung được sắp xếp rõ ràng để dễ phân biệt.
Nói một cách đơn giản, bạn sẽ muốn nhà tuyển dụng tập trung vào thành tích của mình, chứ không phải vào kiểu chữ không phù hợp hoặc bố cục lộn xộn. Kể cả khi muốn thiết kế một hồ sơ xin việc độc đáo và ấn tượng, nhất là trong các ngành sáng tạo, bạn vẫn cần có những quy tắc thẩm mỹ riêng.
Việc kiểm tra bất kỳ lỗi chính tả hoặc ngữ pháp nào trước khi gửi sơ yếu lý lịch cũng rất quan trọng. Điều này cho nhà tuyển dụng tiềm năng thấy bạn là người quan tâm đến chi tiết và tận tâm.
“Bạn cũng sẽ muốn nhà tuyển dụng tập trung vào năng lực và kinh nghiệm của bạn, chứ không phải là những lỗi sai chính tả hay định dạng. Hãy gửi đi một CV khiến nhà tuyển dụng hào hứng phỏng vấn và hy vọng sẽ có được bạn”, cô nói thêm.