Chiều 3/4, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, báo chí đặt câu hỏi liên quan đến vụ việc khách hàng mất tiền tại Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB).
“Theo Công an Hà Nội, bà Bùi Thị Hoài Anh, Giám đốc chi nhánh Thanh Xuân – Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB), bị bắt với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 338 tỷ đồng của 8 khách hàng. Xin hỏi nếu khách hàng không có bất cứ lỗi nào trong giao dịch để nhân viên của MSB lợi dụng tiến hành lừa đảo thì khi nào các khách hàng được hoàn lại số tiền gửi tiết kiệm? Ngân hàng MSB hay cá nhân bà Hoài Anh sẽ phải bồi thường thiệt hại cho khách gửi tiền bị mất ra sao?”, phóng viên đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua có diễn ra việc tiền trong tài khoản bị mất bởi những vi phạm do cá nhân, tập thể, do ngân hàng.
Song ông Tú khẳng định, nếu nói có tính chất lỗ hổng mang tính chất hệ thống thì không, mà chỉ diễn ra tại một số ngân hàng, một số đơn vị hoặc các phòng giao dịch. Cũng có thể diễn ra do cơ chế, cách thức quản lý của những đơn vị đó. Hoặc do những vi phạm tiêu cực của cán bộ ngân hàng.
“Cũng có thể do sự chủ quan, thậm chí có những trường hợp thông đồng cùng với cán bộ ngân hàng. Thậm chí có những trường hợp không chỉ lừa nhau mà lừa cả ngân hàng”, ông Tú nhấn mạnh.
Phó Thống đốc cho biết, mỗi vụ việc đã đều được khắc phục và được Ngân hàng Nhà nước rút kinh nghiệm chung, đồng thời có những chỉ đạo khắc phục kịp thời. Ở góc độ quy chế, cơ chế, quy định, Ngân hàng Nhà nước luôn rà soát một cách thường xuyên.
“Từ lâu tất cả các quy định liên quan đến việc mở tài khoản, thanh toán, chuyển tiền, gửi tiết kiệm của người dân của doanh nghiệp đã được hệ thống bằng các văn bản quy phạm rất đầy đủ”, ông Tú khẳng định.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng xác định đầy đủ rõ ràng quy định trách nhiệm các ngân hàng thương mại trong vấn đề cung ứng những dịch vụ liên quan đến việc mở tại khoản và tiền gửi tiết kiệm của người dân. Cũng như quy định cụ thể trách nhiệm với người gửi tiền, người mở tài khoản.
Năm 2014, với Thông tư 23, Ngân hàng Nhà nước đã quy định rất rõ điều này. Sau đó cũng thường xuyên cập nhật, bổ sung để phù hợp với từng điều kiện nhất là trong bối cảnh áp dụng nhiều công nghệ hiện nay.
Việc triển khai các quy định đó của các ngân hàng thương mại bằng cách quy định nội bộ hoặc quy định riêng trong quản trị. Ông Tú cho rằng, việc này thuộc trách nhiệm của các ngân hàng thương mại.
“Qua vụ việc MSB, các ngân hàng thương mại cần xem xét việc đã thực hiện đúng các quy định hay chưa”, ông Tú nói.
Về vụ việc của bà Bùi Thị Hoài Anh tại Ngân hàng MSB, ông Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đã nhận được báo cáo của ngân hàng này. “Vụ việc này không phải do khách hàng phát hiện ra. Trên cơ sở kiểm soát, chính ngân hàng MSB đã phát hiện ra những rủi ro này và chủ động gửi hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra từ tháng 10/2023”, ông Tú thông tin.
Công tác điều tra đã được tiến hành khẩn trương để xác định trách nhiệm cũng như sai sót thuộc trách nhiệm của ai, của Ngân hàng MSB hay cá nhân bà Hoài Anh hay những người khác liên quan? Theo Phó Thống đốc, trách nhiệm đúng sai, trách nhiệm ở đâu chắc phải chờ kết quả điều tra của cơ quan công an.
Tuy nhiên một nguyên tắc là quyền lợi chính đáng của khách hàng thì luôn được bảo vệ. Nếu ngân hàng hay cá nhân bà Hoài Anh có những sai phạm thì phải có trách nhiệm với khoản tiền gửi của khách hàng. Ngoài ra, ông Tú cũng nhấn mạnh, khách hàng gửi tiền cũng thường xuyên nên kiểm tra tài khoản để đảm bảo quyền lợi của mình.