(Tổ Quốc) – Trong thời gian qua, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã đạt được hiệu quả cao từ việc thực hiện các cơ chế, chính sách tự chủ tài chính với các thiết chế văn hóa, thể thao.
Hiệu quả cao từ việc thực hiện các cơ chế, chính sách tự chủ tài chính
Các thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân. Công tác tổ chức hoạt động và quản lý các thiết chế văn hóa luôn là một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa, được Đảng và Nhà nước quan tâm.
Việc nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý các thiết chế văn hóa hiện nay được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, giúp cho việc xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hóa ngày càng được kiện toàn, phục vụ nhu cầu văn hóa của nhân dân theo định hướng của Đảng.
Để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển văn hóa đáp ứng nhu cầu phát triển, phù hợp với vai trò của thiết chế văn hóa, các địa phương, tỉnh thành trên cả nước đã và đang đưa ra nhiều giải pháp, góp phần tạo điều kiện cho người dân được hưởng thụ và sáng tạo văn hóa ngày một tốt hơn. Thực tiễn cho thấy việc đầu tư các nguồn lực để phát triển các thiết chế văn hóa đang là một yêu cầu cấp bách, cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Theo báo cáo từ Sở VHTT TP.HCM cho biết, sau khi có chủ trương của Trung ương, Đảng bộ, Chính quyền thành phố đã ban hành Kế hoạch đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa trên địa bàn TP. HCM (PPP), triển khai quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực VHTT. Trong đó, quy định đối với các thiết chế VHTT do thành phố quản lý phải có quy mô từ 45 tỷ đồng trở lên; đối với các thiết chế VHTT do quận huyện và thành phố Thủ đức quản lý phải có quy mô từ 10 tỷ đồng trở lên.
Vào giữa tháng 10 vừa qua, thành phố đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa – thể thao trên địa bàn thành phố theo hình thức PPP. Tại hội nghị, TP. HCM đã kêu gọi doanh nghiệp dầu tư 23 dự án với tổng vốn dự kiến hơn 23.600 tỷ đồng. Trong đó, Thành phố ưu tiên mời đầu tư ngay trong năm nay 5 dự án với tổng vốn hơn 2.300 tỷ đồng và giới thiệu 18 dự án với tổng vốn hơn 21.255 tỷ đồng để doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất phương án.
Hiện nay, các Trung tâm Văn hóa (TTVH – Thể thao, TTVH – Thể thao và Truyền thông) tại 21 quận – huyện và Thành phố Thủ Đức đều trong giai đoạn tiến lên xây dựng đơn vị tự chủ tài chính, vì vậy vấn đề tăng cường xã hội hóa trong tổ chức các hoạt động nghệ thuật, TDTT tại cơ sở bằng hình thức liên kết, phối hợp, vận động tài trợ cũng được đẩy mạnh. Chính từ xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật đã phần nào giúp cho các thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương tự duy trì và phát triển hoạt động, đồng thời cũng hình thành nhiều CLB, đội, nhóm hình thành và phát triển cho hoạt động văn hóa nghệ thuật, TDTT tại cơ sở gồm nhiều loại hình đa dạng.
Tương tự như TP. HCM, tỉnh Quảng Nam cũng đang cho thấy những hiệu quả cao từ việc thực hiện các cơ chế, chính sách tự chủ tài chính.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam cho biết, để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển văn hóa đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Quảng Nam, vai trò của các thiết chế văn hóa trở nên hết sức quan trọng, góp phần tạo điều kiện cho người dân được hưởng thụ và sáng tạo văn hóa. Thực tiễn cho thấy việc đầu tư các nguồn lực để phát triển các thiết chế văn hóa đang là một yêu cầu cấp bách, cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Năm 2018, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam tập trung đầu từ xây dựng Trung tâm Văn hóa Quảng Nam theo hướng Công viên Văn hóa với mục tiêu tạo không gian sinh hoạt công cộng, góp phần cải thiện cảnh quan đô thị. Bên cạnh đó, CLB văn hóa, văn nghệ, thể thao cũng được hình thành, tạo sân chơi cho người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Cần có cơ chế tự chủ trong việc đầu tự, khai thác, quản lý và vận hành
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, để phát huy hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa – Trung tâm Văn hóa Quảng Nam trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách tự chủ tài chính, trước tiên phải ổn định tô chức bộ máy; xây dựng đề án vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu để thực hiện chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm Văn hóa; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện hoạt động sự nghiệp, hoạt động dịch vụ thường xuyên được đầu tư, nâng cấp, bảo dưỡng. Đặc biệt, phải có cơ chế tự chủ trong việc đầu tư, khai thác và quản lý, vận hành thiết chế văn hóa hiệu quả.
Trước đây, khi chưa có Nghị định 151/NĐ-CP về quản lý, sử dụng tài sản công, Trung tâm Văn hóa Quảng Nam đã tự chủ tài chính trong mọi hoạt động khai thác, cho thuê tài sản, cung cấp dịch vụ sự nghiệp văn hóa, đã tạo nguồn thu sự nghiệp ổn định hoạt động tại đơn vị, bổ sung thu nhập, cải thiện đời sống cho viên chức, người lao động.
“Từ khi Nghị định 151/NĐ-CP về quản lý, sử dụng tài sản công ra đời quy định rất chặt chẽ về công tác quản lý, sử dụng tài sản công. Muốn khai thác, sử dụng tài sản công phải xây dựng đề án trình UBND tỉnh duyệt trước khi thực hiện; để xây dựng mức cho thuê còn phụ thuộc vào cách tính giá đất cho thuê; xây dựng mức giá cho thuê để đấu giá theo quy định; khi ra được giá để đấu thì quá cao, không thể cho thuê được; nguồn thu được từ hoạt động cho thuê tài sản công phải nộp 100% vào ngân sách. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự lãng phí trong công tác quản lý tài sản công và hạn chế tính chủ động tài chính đối với đơn vị sự nghiệp” – ông Nguyễn Thanh Hồng nói.
Theo báo cáo từ Sở VHTT TP. HCM, Luật Quản lý, tài sản công năm 2017, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP không có quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp hoặc ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định và phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công và mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập do Uy ban nhân dân cấp huyện quản lý nên cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác, tạo nguồn thu cho đơn vị sự nghiệp.
Do vậy, trong thời gian tới, các đơn vị cần tham mưu, phối hợp đẩy mạnh hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập trên lĩnh vực văn hóa, nhất là khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường để đấy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công. Đồng thời, đề xuất cấp có thẩm quyên sớm có hướng dẫn thực hiện nội dung Nghị định 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024 của Chính phủ về sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công./.
Nguồn: https://toquoc.vn/thiet-che-trung-tam-van-hoa-the-thao-nhin-tu-hieu-qua-tu-chu-tai-chinh-den-mo-rong-co-che-chinh-sach-2024111112062623.htm