Với anh, ca khúc “Thành phố tôi – viết tiếp bài ca đi tới” không chỉ là sự góp sức mà còn là lời cảm ơn cho quê hương thứ 2 trong cuộc đời anh.
Phóng viên: Anh có thể chia sẻ cảm hứng sáng tác ca khúc này?
– Ca sĩ HUỲNH LỢI: Tôi được sinh ra và lớn lên không phải ở nơi này nhưng đã học tập 8 năm tại Nhạc viện TP HCM. Được sống và làm việc tại TP HCM 28 năm, đủ để bản thân cảm nhận rằng TP HCM đã chuyển mình sau 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, biến cái khó thành cái dễ, xóa đi cái xập xệ xây thành cái khang trang… và nhiều thứ khác nữa. Vậy thì không cớ gì tôi không làm điều gì đó cho dù là nhỏ nhất để cảm ơn tất cả, cảm ơn cuộc đời này. Do vậy mà ca khúc “Thành phố tôi – viết tiếp bài ca đi tới” ra đời, mặc dù tôi chưa phải là nhà sáng tác chuyên nghiệp, chỉ là ca sĩ thôi.
Việc tham gia cuộc vận động sáng tác ca khúc chủ đề “Đất nước trọn niềm vui”, với anh có ý nghĩa gì?
– Tôi chỉ có thể nhấn mạnh thêm “Đây là việc nên chung tay, làm được gì có ích thì mình làm, làm gì tích cực thì mạnh dạn làm”. Tôi cảm nhận đây cũng là cơ hội cho nhiều nhạc sĩ nói lên tiếng lòng với thành phố này.
Ca khúc “Thành phố tôi – viết tiếp bài ca đi tới”, có ý nghĩa như thế nào? Qua đó anh muốn chuyển tải thông điệp gì?
– Trước tiên, tôi cảm ơn Ban Tổ chức cuộc thi đã cho tôi có cơ hội thử thách mình ở lĩnh vực sáng tác. Thông điệp chính tôi viết trong ca khúc là chúng ta phải nhớ rằng “Có hôm qua mới có hôm nay, có hôm nay phải có trách nhiệm với ngày mai”. Đây cũng là điều tôi luôn dạy các con, các em trong cuộc sống.
Một thông điệp nữa trong ca khúc là “Những gì ông cha ta đã ngã xuống để giành lại độc lập, tự do, ta phải ghi nhớ. Những gì các tầng lớp xã hội đã xây dựng, ta phải luôn vun bồi cho ngày càng tươi đẹp. Và hãy cùng siết chặt tay cùng với bạn bè, anh em từ mọi miền đất nước và cả những người con xa xứ viết tiếp bài ca xây dựng thành phố này, quê hương này ngày càng tươi sáng”.
Ca khúc “TP HCM – viết tiếp bài ca đi tới”
Anh hẳn đã chứng kiến những cuộc đổi thay trong cuộc sống, trong giai đoạn đổi mới đất nước. Nguyên liệu quý giá đó sẽ trở thành những lời ca trong những tác phẩm tiếp theo của anh?
– Vốn sống, sự chiêm nghiệm của đời người thật đáng quý, nó giống như hành trang để ta viết tiếp bài ca cho cuộc đời mình.
Anh có tin rằng tác phẩm của mình chiến thắng tại cuộc thi “Đất nước trọn niềm vui”?
– 100 người dự thi đều hy vọng mình chiến thắng, tôi cũng vậy. Trải nghiệm của tôi trong lĩnh vực này chưa dày, chưa đủ để khẳng định lối sáng tác thì ước mơ chỉ dừng lại những giải thưởng nhỏ là quý lắm rồi, quan trọng là tác phẩm được khán giả chấp nhận.
Anh mong muốn ca khúc của mình được quảng bá thế nào để có thể tiếp cận với lớp khán giả trẻ hôm nay?
– Quảng bá tác phẩm là điều cần thiết và có nhiều cách để quảng bá, tôi nghĩ Ban Tổ chức cũng đã có cách riêng của mình về việc này. Riêng tôi, tôi sẽ cho ra đời tác phẩm với bản hòa âm gần với giới trẻ, phù hợp hơi thở của thời đại.
Từng là giọng ca có tiếng một thời, từng giành giải cao cuộc thi “Tiếng hát truyền hình” thập niên 80 của thế kỷ trước. Anh cảm nhận rõ nét sự thay đổi của thị trường nhạc Việt, với anh, sự thay đổi đó là gì?
– Sự cởi mở mọi mặt của xã hội đã tạo bước phát triển của nhạc Việt, đời sống của người dân không thể thiếu âm nhạc. Hiện nay trình độ thưởng thức của khán giả đã nâng tầm, bắt buộc người nghệ sĩ phải biết vận dụng những cái mới của âm nhạc thế giới vào nhạc Việt, phải luôn tạo cho mình những hình ảnh mới, tích cực mỗi khi xuất hiện.
Công bằng mà nói giới trẻ bây giờ rất giỏi, nhạy bén với thế giới xung quanh, tìm thấy được những điểm mới để đánh vào thị hiếu công chúng.
Không chỉ hát hay mà còn sáng tác, anh đang muốn định hình phong cách của mình thế nào với khán giả?
– Không dám nhận hát hay, tôi chỉ mong mỗi lần tôi hát có được sự đồng điệu từ người nghe là hạnh phúc lắm rồi. Tôi có nhiều tham vọng nhưng tôi phải lựa chọn cho mình những gì phù hợp với khả năng. Có thể việc sáng tác sẽ là lựa chọn hàng đầu ở cột mốc kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, song dù có sáng tác tôi vẫn là “ca sĩ Huỳnh Lợi”. Ca hát vẫn là nghề chính của tôi, “ca – nhạc sĩ” chỉ là mở rộng thêm.
Làm sao để một giọng ca của thế hệ trước như anh có thể tiếp cận với lớp khán giả trẻ hiện tại. Anh đã nghĩ đến điều này chưa?
– Trong lúc làm nghề cũng như dạy học tôi luôn gửi đến thế hệ trẻ và học trò của tôi thông điệp “Phải có học mới có nền tảng, có nền tảng sẽ có nhãn quan với những vấn đề đang diễn ra, từ đó tư duy sáng tạo luôn được kiểm soát và đạt hiệu quả tốt”. Chính việc không ngừng học hỏi và tìm tòi đã giúp tôi không lạ lẫm với âm nhạc bây giờ mà còn thích thú, cảm nhận được cái hay trong âm nhạc của giới trẻ.
Ca sĩ Huỳnh Lợi của hiện tại thế nào sau nhiều thập niên nổi tiếng? Anh vẫn chạy sô và vẫn giữ vẹn nguyên niềm đam mê với âm nhạc như khi mới vào nghề?
– Hiện tại của tôi cũng như bao ca sĩ khác là vẫn đi hát, vẫn chăm chỉ rèn luyện để giữ cho giọng hát live không giảm chất lượng. Hằng ngày vẫn dạy hát, thu âm tại nơi đang làm việc (Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh TP HCM).
Hiện nay nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn nên anh em nghệ sĩ cũng gặp khó, song vẫn được đứng trên sân khấu đã là hạnh phúc. Tôi cảm nhận đam mê mỗi ngày mỗi lớn thêm vì ngoài bản thân, tôi còn phải có trách nhiệm truyền lửa cho thế hệ mai sau.
Nếu nói về một nguyện vọng của bản thân cho nhạc Việt, theo anh đó là gì?
– Tôi ước nhạc Việt được bạn bè khắp năm châu biết đến và có giá trị cao để ca sĩ, nhạc sĩ Việt có tầm ảnh hưởng trên thị trường âm nhạc quốc tế. Càng ngày càng có nhiều ca sĩ mang nhạc Việt đến với những liên hoan, giao lưu có quy mô lớn trong và ngoài nước.
Nhạc Việt sẽ lớn mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Tôi tin sẽ có một thế hệ tiếp theo có những bước đi táo bạo, qua đó nâng tầm hình ảnh nhạc Việt với thế giới.
Cuộc vận động sáng tác ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” do Báo Người Lao Động tổ chức nhằm chào mừng, kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025). Ban Tổ chức sẽ chọn ra 20 tác phẩm xuất sắc nhất vào vòng chung kết. Vòng chung khảo sẽ diễn ra vào tháng 2-2025, trong thời gian nhận tác phẩm, sàng lọc sơ khảo, Ban Tổ chức sẽ chọn những tác phẩm hay để dàn dựng, giới thiệu trong lễ trao Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động lần thứ 30 (khoảng tháng 1-2025). Song song đó, Ban Tổ chức cũng đưa các tác phẩm lên nền tảng mạng xã hội của Báo Người Lao Động để giới thiệu đến cộng đồng.
Lễ trao giải sẽ diễn ra vào dịp tháng 4-2025. Tổng giải thưởng của cuộc vận động trị giá 240 triệu đồng, trong đó giải nhất là 100 triệu đồng.
Nguồn: https://nld.com.vn/ca-si-huynh-loi-nhin-thanh-pho-doi-thay-viet-nen-ca-khuc-hay-196240224195618749.htm