“Hãy cổ vũ hết mình, nửa đầu hiệp một, tỉ số giữa Nhật Bản và Thái Lan là 0-0“, trưởng đoàn đội tuyển Thái Lan – Bà Nualphan Lamsam viết trên trang cá nhân. Tuy nhiên, niềm vui của nữ doanh nhân sớm bị dập tắt khi đội bóng xứ chùa vàng thảm bại 0-5 trước đội tuyển Nhật Bản khi nhận 5 bàn thua chỉ trong 45 phút.
Đội tuyển Thái Lan thua trận nhưng người hâm mộ Việt Nam cũng không khỏi lo lắng. Nhật Bản chính là đối thủ đầu tiên của đội tuyển Việt Nam ở Asian Cup.
Lời cảnh báo cho đội tuyển Việt Nam
Thất bại của Thái Lan mang là lời nhắc nhở cho đội tuyển Việt Nam. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng nếu không tập trung và nỗ lực hết khả năng, đội tuyển Việt Nam cũng có thể phải nhận trận thua tương tự. Thảm bại trong ngày ra quân chắc chắn không phải kịch bản mà HLV Troussier mong muốn nhưng tránh được kết quả như vậy không dễ.
Những điểm mạnh của đội tuyển Việt Nam thì đội tuyển Thái Lan đều có, nếu không muốn nói là nhỉnh hơn. Họ có một HLV đến từ Nhật Bản, có nhiều cầu thủ chất lượng và phong độ ổn định trong đội hình. Khi đội tuyển Nhật Bản tăng tốc với quân bài chất lượng nhất, đội tuyển Thái Lan chỉ có thể gồng mình chịu trận và liên tiếp thủng lưới.
Người hâm mộ có thể nhắc đến trận hòa 1-1 ở vòng loại World Cup 2022 để chỉ ra cơ hội của đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, tỉ số hòa đánh lừa sự nhìn nhận của những người không theo dõi trận đấu đó. Trong trận đấu thủ tục, Nhật Bản đá cầm chừng và tung ra… 24 cú sút, 8 lần trúng đích và việc chỉ thủng lưới một lần hôm đó là may mắn rất lớn của đội tuyển Việt Nam cộng thêm sự xuất sắc của thủ môn Trần Nguyên Mạnh.
Đó là lúc đội tuyển Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn đỉnh cao thời HLV Park Hang Seo. Bây giờ, hoàn cảnh rất khác. Không còn là trận đấu thủ tục và Nhật Bản mạnh lên rất nhiều. Trong khi đó, chính đội tuyển Việt Nam cũng chưa ở trạng thái tốt nhất.
Trong 5 trận gần nhất tính cả loạt giao hữu, đội tuyển Việt Nam thua đến 4 trận. Chiến thắng duy nhất đến từ chuyến làm khách trên sân của đội tuyển Philippines. Dĩ nhiên, đây không phải thước đo phù hợp cho sức mạnh của đội tuyển Việt Nam.
Khi phải chạm trán các đội bóng ở đẳng cấp ngang hoặc tương tự như đội tuyển Nhật Bản, đội tuyển Việt Nam hoàn toàn bế tắc và chỉ có thể trông chờ vào một vài pha bóng mang tính cá nhân. Hãy nhìn vào trận giao hữu với đội tuyển Hàn Quốc, Quang Hải và đồng đội cũng rơi vào tình cảnh y hệt như đội tuyển Thái Lan.
Rào cản tâm lý và phong độ
Về mặt chuyên môn, đội tuyển Việt Nam chưa làm tốt nhiệm vụ nhưng đó là điều bình thường khi các cầu thủ cần rất nhiều thời gian để thích nghi với chiến thuật phức tạp hơn, cách chơi bóng hoàn toàn trái ngược với những gì từng quen thuộc trong 5 năm qua.
Như đã nói ở trên, cũng bởi rất nhiều thất bại trong thời gian ngắn, đội tuyển Việt Nam đang gặp rất nhiều áp lực. Nhiều thời điểm, cầu thủ ra sân với đôi chân như “đeo chì”. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến khả năng chơi bóng của các ngôi sao trên sân.
Các cầu thủ được xem là trụ cột của đội tuyển Việt Nam như Nguyễn Thanh Bình, Bùi Hoàng Việt Anh vẫn mắc sai lầm. Nếu tiền đạo của đội tuyển Philippines tận dụng tốt hơn “món quà” mà Thanh Bình dành tặng ở phút bù giờ, hẳn trung vệ này sẽ ân hận rất nhiều với pha mất bóng của mình.
Trong khi đó, Phạm Tuấn Hải đang có phong độ cao ở cấp độ câu lạc bộ nhưng cũng bỏ lỡ đến 2-3 cơ hội nguy hiểm trước khung thành đối phương. Nguyễn Tiến Linh chỉ mới lấy lại phong độ ở CLB trong thời gian gần đây. Công Phượng thậm chí không được triệu tập.
Ngay cả Nguyễn Hoàng Đức cũng gặp rất nhiều khó khăn dưới triều đại của HLV Troussier. Tiền vệ sinh năm 1998 không giành được suất đá chính, chưa ra sân phút nào ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Người hâm mộ tự hỏi rằng đâu là nguyên nhân khiến Hoàng Đức phải ngồi dự bị nhiều đến vậy.
HLV Troussier là người chịu trách nhiệm cho thành tích của đội tuyển Việt Nam và ông có quyền sắp xếp nhân sự theo ý muốn để phục vụ toan tính chiến thuật.
Tuy nhiên, nếu rơi vào kịch bản thua đậm và tệ hơn là toàn thua tại vòng bảng Asian Cup 2023, khó khăn sẽ càng bủa vây đội tuyển Việt Nam.
Mai Phương