Dù chồng đã nhận lỗi và xin tha thứ, chị Lâm Thị Quỳnh Như (ở quận 8, TP.HCM) vẫn quyết định ly hôn, nhưng trì hoãn vì không muốn ảnh hưởng việc học và tâm lý của con đột ngột.
“Hợp tác” nuôi con, việc ai nấy làm
Có không ít cuộc hôn nhân mà người trong cuộc biết rằng gần như không thể cứu vãn được nữa. Nhưng họ vẫn chọn làm vợ chồng với nhau, ở chung nhà thêm một thời gian bởi nhiều lý do, mà hơn hết là vì con cái.
Một số người cho biết không muốn con bị ảnh hưởng tâm lý, tinh thần, sức khỏe, việc học hành… khi biết cha mẹ đường ai nấy đi, nhất là đối với trẻ nhỏ tuổi. Do đó, nhiều cặp vợ chồng chọn trì hoãn ly hôn để dành thêm thời gian chăm sóc con, cũng để con có thời gian hiểu ra và chấp nhận, thay vì thông báo lập tức.
Chị Như kể sau khi sinh cậu con trai đầu lòng thì ở nhà chăm con, làm nội trợ là chính, kinh tế gia đình dựa vào việc kinh doanh quán nhậu, do chồng chị đảm nhận.
Con 3 tuổi, chị Như trở lại quản lý sổ sách, thu chi của quán. Việc làm ăn đang khấm khá thì chị dần thấy một số dấu hiệu bất thường của chồng. Bằng trực giác của người vợ, trong một lần chị lén kiểm tra điện thoại thì phát hiện chồng đang cặp kè với một phụ nữ là đồng nghiệp cũ của anh trước khi cưới chị.
“Ban đầu ông ấy chối vì tôi chỉ thấy vài dòng tin nhắn mùi mẫn, còn những tin trước đó đã xóa. Khi tôi đòi gặp cô gái kia để làm cho ra lẽ thì ổng mới nhận đã lén lút yêu đương gần 4 tháng, giấu vợ con để mua quà cáp, đem tiền bạc cho người tình”, chị Như nhớ lại khoảnh khắc sụp đổ ấy.
Hồi mới cưới, chị đã từng nói nếu chồng ngoại tình sẽ lập tức ly hôn dù chỉ một lần. Khi chồng thừa nhận và xin vợ tha thứ cho lần đầu… lầm lỡ, chị quẹt nước mắt nhìn sang đứa con trai năm đó mới học xong lớp 4, lắc đầu trước sự cầu xin kia.
“Đợi con học hết tiểu học, tôi và anh sẽ ra tòa ly hôn. Tôi nuôi con, anh cấp dưỡng. Bây giờ tạm thời giấu con, vợ chồng vẫn ở chung nhà chăm sóc con để con yên tâm học”, lời chị Như nói với chồng.
Có nên trì hoãn ly hôn, giả vờ hạnh phúc trước mặt con?
Những ngày đó, bầu không khí u ám bao trùm cả nhà. Chồng đi đâu, làm gì chị chẳng còn hỏi, chỉ trao đổi những gì cần nói, việc ai nấy làm. Không còn tâm trí buôn bán, chị quyết định sang lại quán nhậu, xin vào làm tại một công ty bảo hiểm.
Chuyển sang ngủ cùng con, nhiều đêm, người phụ nữ khi ấy 35 tuổi lén khóc một mình. Đứa con dần nhận ra cha mẹ “có vấn đề”, nhưng khi con hỏi thì người mẹ gạt đi, bảo chẳng có gì. “Con tôi chắc lúc đó cũng hiểu. Nó ít nói hơn, không đòi ba mẹ dẫn ra ngoài chơi nữa, lầm lì suốt, đi học về là ôm điện thoại”, chị Như nói.
Từng nộp đơn ly hôn ra tòa rồi rút lại hai lần trước khi chính thức nộp đơn lần thứ ba, anh Vũ Minh Tiến (39 tuổi, hiện sống ở Cần Thơ) cho biết anh ly hôn vì bất đồng quan điểm không cách nào hóa giải. Cùng với áp lực cơm áo đè nặng, tình cảm phai nhạt dần, hai vợ chồng quyết định đường ai nấy đi dù đã có hai con gái 9 tuổi và 6 tuổi.
“Đứa con gái lớn biết chuyện cha mẹ không ở được với nhau nên khóc hoài, không chịu ăn uống gì, rồi học hành cũng sa sút. Đứa nhỏ quấn cha lắm nhưng mà nghe chị nói thì hỏi tôi là cha mẹ không thương tụi con nữa sao, sao cha mẹ muốn bỏ nhau, rồi tụi con ở với ai.
Nghe đứt ruột vậy, nên tôi mới rút đơn hai lần vì nghĩ ráng cố thêm chút nữa cho con đủ cha đủ mẹ. Nhưng thật sự không thể nữa”, anh Tiến kể khi đó vợ chồng anh như người cùng nhà “hợp tác” nhau nuôi con.
Sau hơn hai năm cố giữ mái ấm cho con nhưng không thành, đầu năm 2020, vợ chồng anh Tiến chính thức ly hôn. Không muốn chia cách hai con, anh cho các con sống cùng mẹ, còn mình cấp dưỡng và thường đến chở con về thăm nhà nội, đi ăn uống để con vẫn cảm nhận tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc của cha.
Còn chị Như, gần cuối năm 2022, hơn một năm sau ngày chị biết tin chồng ngoại tình, đứa con trai cũng vừa lên lớp 6 là lúc hai vợ chồng ra tòa thuận tình ly hôn, tài sản chung không quá lớn nên không có tranh chấp gì. Con do chị nuôi, anh cấp dưỡng 8 triệu đồng/tháng và có thể đến gặp con mỗi tháng một, hai lần.
“Sau này thấy thêm một vài trường hợp giống nhà tôi, cha mẹ chọn trì hoãn ly hôn nghĩ rằng làm vậy là tốt cho con. Nhưng thật sự, một đứa trẻ có cha mẹ ly hôn đôi khi còn tốt hơn sống trong một gia đình mà cha mẹ giả vờ như vẫn hạnh phúc”, bà mẹ đơn thân Quỳnh Như tâm sự.