Cách đây 50 năm, ngày 15/11/1973, Việt Nam và Luxembourg chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua 5 thập kỷ, quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam-Luxembourg có những bước phát triển tốt đẹp. Kỷ niệm 50 năm là dịp để hai bên tiếp tục khẳng định sự coi trọng lẫn nhau và quyết tâm cùng nhau đưa quan hệ hợp tác hai nước lên tầm cao mới, ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đại Công quốc Luxembourg Xavier Bettel tại buổi gặp gỡ báo chí ở Hà Nội hôm 4/5. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Quan hệ chính trị-ngoại giao tốt đẹp
Việt Nam và Luxembourg thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/11/1973. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ kiêm nhiệm Luxembourg. Đại sứ quán Luxembourg tại Thái Lan kiêm nhiệm Việt Nam. Tháng 8/2003, Luxembourg mở Văn phòng Hợp tác Phát triển tại Hà Nội. Đây là cơ quan quản lý và thực thi chính sách về hợp tác phát triển trực thuộc Đại sứ quán Luxembourg tại Thái Lan, kiêm nhiệm Việt Nam.
Nhiều người Việt Nam vẫn nhớ sự ủng hộ của nước bạn Luxembourg trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Thời đó, ở Luxembourg có “Ủy ban ủng hộ Việt Nam”. Ngày nay, Luxembourg mong muốn phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác ưu tiên về hợp tác phát triển tại châu Á. Luxembourg đã tích cực ủng hộ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) và phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư hai nước. Còn Việt Nam luôn ưu tiên tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với Luxembourg trong tổng thể quan hệ với EU.
Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp, hai nước duy trì thường xuyên việc trao đổi đoàn các cấp thăm lẫn nhau, đặc biệt là cấp cao. Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Luxembourg của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 12/2022) đã góp phần mở rộng, nâng cao hiệu quả và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác với Luxembourg, tạo không khí hữu nghị hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023). Trong chuyến thăm này, lãnh đạo hai bên nhất trí sớm thiết lập khuôn khổ Đối tác chiến lược về tài chính xanh, nhằm tận dụng thế mạnh của Luxembourg về nguồn vốn đầu tư, nhất là tài chính xanh, để hỗ trợ Việt Nam triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có việc thực hiện các cam kết đã đưa ra tại COP 26. Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực an ninh quốc phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, chuyển đổi số, văn hóa, du lịch, giáo dục-đào tạo, giao thông vận tải.
Cũng nhân chuyến thăm chính thức Luxembourg của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 12/2022, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy, tăng cường và phát triển quan hệ thương mại và đối thoại doanh nghiệp giữa Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam (Bộ Công Thương) và Phòng Thương mại Luxembourg.
Tiếp đó, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đại Công quốc Luxembourg Xavier Bettel (tháng 5/2023) đã đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả. Nhân chuyến thăm này, hai nước đã ký kết các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là Thỏa thuận Đối tác chiến lược về tài chính xanh giữa Bộ Tài chính hai nước.
Cùng với hợp tác song phương, hai nước còn phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và khu vực như Liên Hợp Quốc, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) và Cộng đồng Pháp ngữ…
Hợp tác kinh tế-thương mại ngày càng phát triển
Trong những năm qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Luxembourg đã có những bước tiến, đặc biệt, thương mại song phương giữa hai nước tăng nhanh kể từ khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Bất chấp dịch COVID-19, trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn đạt trên 181 triệu USD vào năm 2021, tăng 64% so với năm 2020. Con số này đã tăng lên hơn 187 triệu USD vào năm 2022 và đạt 129,3 triệu USD trong 9 tháng năm 2023.
Thủ tướng Đại Công quốc Luxembourg Xavier Bettel thăm quan ao cá Bác Hồ trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Đức – TTXVN
Về đầu tư, tính đến 20/10/2023, Luxembourg có 61 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn là 2,62 tỷ USD, đứng thứ 17/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư của Luxembourg vào Việt Nam tập trung vào một số lĩnh vực như: truyền thông, xây dựng, bất động sản tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu…
Về hợp tác phát triển, Luxembourg chính thức viện trợ cho Việt Nam từ năm 1993. Trước năm 2002, mỗi năm, Luxembourg viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam khoảng 5-6 triệu euro. Sau đó, Việt Nam và Luxembourg đã ký 3 chương trình hợp tác định hướng giai đoạn 2002-2005 (35 triệu euro); giai đoạn 2006-2010 (50 triệu euro); giai đoạn 2011-2015 (42 triệu euro). Từ năm 2015 đến nay đạt 29,211 triệu euro. Lĩnh vực tài trợ của Luxembourg thay đổi phù hợp với nhu cầu, mục tiêu phát triển của Việt Nam theo giai đoạn như phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, phát triển y tế và đào tạo nghề, hỗ trợ trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và giáo dục. Các chương trình dự án sử dụng nguồn viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Luxembourg đã phát huy hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Lĩnh vực hợp tác then chốt
Trong các lĩnh vực hợp tác thì tài chính, tài chính xanh và ngân hàng là lĩnh vực hợp tác then chốt, trụ cột giữa hai nước. Kể từ năm 2000, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký kết Nghị định thư với Thủ tướng Chính phủ Luxembourg, theo đó hai bên thỏa thuận mở rộng mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo và chuyển giao công nghệ tài chính.
Thực hiện Nghị định thư này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hợp tác với Cơ quan Chuyển giao công nghệ tài chính Luxembourg (ATTF) để thực hiện hàng trăm khóa đào tạo cho các học viên là cán bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cán bộ quản lý của các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các chương trình đào tạo do ATTF hỗ trợ các học viên nâng cao kiến thức nghề nghiệp, tiếp cận cập nhật các chuẩn mực quốc tế từ các chuyên gia hàng đầu về tài chính ngân hàng cũng như tạo lập một mạng lưới hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm công tác giữa các cán bộ ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham gia vào chương trình.
Về hợp tác giữa các ngân hàng thương mại, quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam và đối tác Luxembourg nhìn chung tích cực. Tính đến hết năm 2022, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã thiết lập hơn 20 quan hệ ngân hàng đại lý với các ngân hàng thương mại Luxembourg với tổng doanh số thanh toán, chuyển tiền thông qua hệ thống này đạt gần 800 triệu USD. Thông qua hệ thống ngân hàng đại lý này, các tổ chức Việt Nam đã và đang thực hiện vai trò là cầu nối hỗ trợ thanh toán, chuyển tiền của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước.
Về hợp tác chứng khoán, trong khuôn khổ chương trình hợp tác định hướng Việt Nam-Luxembourg giai đoạn 2006-2010, Chính phủ Luxembourg đã hỗ trợ Bộ Tài Chính (Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) dự án VIE/026 “Phát triển thị trường vốn Việt Nam”. Đây là dự án hợp tác phát triển song phương đầu tiên giữa Việt Nam và Luxembourg, được thực hiện bởi Cơ quan Hợp tác và phát triển Luxembourg và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Nối tiếp thành công của Dự án VIE/026, trong khuôn khổ chương trình hợp tác định hướng giai đoạn 2006-2010, Chính phủ Luxembourg tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực tài chính chứng khoán thông qua dự án “Nâng cao năng lực trong lĩnh vực tài chính”. Mục tiêu của Dự án nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển phù hợp với Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 1/3/2012. Hiện nay, hai bên đang triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán Luxembourg, ký tháng 12/2022 nhân chuyến thăm Luxembourg của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Mặt khác, hai nước đã ký kết Thỏa thuận Đối tác chiến lược về tài chính xanh giữa Bộ Tài chính hai nước (tháng 5/2023), góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, đặc biệt trong các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực, hỗ trợ về xây dựng thể chế chính sách, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cho nông nghiệp và biến đổi khí hậu… hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm.
Cùng với các lĩnh vực hợp tác trụ cột trên, hai bên đã nhất trí mở rộng và đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khác như văn hóa, khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông, giao lưu nhân dân, du lịch, ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường, giáo dục và đào tạo…
Có thể khẳng định, sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam-Luxembourg đã phát triển rất năng động, hiệu quả, tạo tiền đề để hai nước tiếp tục hướng đến những tầm cao mới./.
Yến Vy