Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh
Huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa là một minh chứng điển hình. Đây là địa phương có tỷ lệ giảm nghèo nhanh. Nếu như năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo là 11,8% thì đến đến năm 2023 chỉ còn 3,7%. Tỷ lệ giảm nghèo của huyện bình quân hơn 3%/năm, luôn cao hơn 2 lần bình quân chung toàn tỉnh. Hiện, thu nhập bình quân đầu người đã đạt hơn 47 triệu đồng/năm.
Ở huyện nghèo khó bậc nhất xứ Nghệ, Kỳ Sơn cũng đã xác định công tác giảm nghèo luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Có thể thấy rõ, trong Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện, thì các chính sách phát triển KT-XH đều luôn hướng đến mục tiêu giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân. Và thực tế huyện Kỳ Sơn đã làm được như thế khi tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm 3 – 5%, hiện tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 49,68%. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 24,7 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn nhấn mạnh: Ở một địa bàn có đến 98% diện tích đất dốc và đồi núi, thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai bão lũ luôn thường trực… thì đó là con số “biết nói” cho những nỗ lực, cố gắng lớn lao.
Chúng tôi khá ấn tượng khi được lãnh đạo huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ về những nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo cho đồng bào DTTS trên dãy Trường Sơn. Từ việc thực hiện các Chương trình 135, Chương trình MTQG 1719, giảm nghèo bền vững; từ sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân nên kinh tế – xã hội vùng A Lưới đã có những đổi thay rõ rệt. Những mô hình sản xuất có hiệu quả từ trồng chuối, nuôi bò sinh sản, nuôi dê, cá, trồng hoa, trồng sâm và trồng rừng… mang lại cơm no, áo ấm bền vững cho người dân vùng cao.
Ở một địa bàn xa xôi, khó khăn như Kỳ Sơn, thì nguồn lực đầu tư từ bên ngoài là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là làm sao đồng bào tự ổn định được cuộc sống, thay đổi tư duy làm kinh tế để từng bước giảm nghèo bền vững.”
Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe
Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng thông tin: Chỉ mỗi sản xuất lúa nước thôi, đồng bào xã A Ngo đã có 65 tạ/ha, tương đương nhiều xã vùng đồng bằng. Chả thế mà, tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 là 49,98%, thì đến cuối năm 2023 còn lại 24,3%. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 35,22 triệu đồng/năm, tăng 10,9 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2019. Hiện nay, A Lưới đã thoát khỏi tình trạng huyện đặc biệt khó khăn.
Trăn trở, kỳ vọng
Những thành công đạt được trong thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện đã phản ánh rõ nét hiệu quả từ các chương trình, chính sách dân tộc; niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước tiếp tục được nhân lên; khối đại đoàn kết các dân tộc được giữ vững; người dân có quyền tự hào về những thành công hôm nay và đây cũng sẽ là động lực để giai đoạn tới tiếp nối, kế thừa.
Nhưng, sau những con số ấn tượng; những gương người tốt, việc hay; sau những công trình, phần việc được đầu tư, nâng cấp… thì vùng DTTS khu vực Duyên hải miền Trung vẫn còn bộn bề khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo dù giảm nhanh nhưng vẫn ở mức cao. Nhìn từ các địa phương, thì hầu hết tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức hai con số; ngay như huyện 30a Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An còn xấp xỉ 50%.
Mức sống của người dân đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn thấp, thu nhập bình quân đầu người đã tăng nhưng so với vùng, miền khác vẫn chênh lệch lớn. Ở huyện miền núi Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2023 chưa đến 29 triệu đồng/năm.
Từ thực tiễn cuộc sống, từ quá trình thực hiện theo các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Đại hội Đại biểu các DTTS các huyện đề ra; trong Quyết tâm thư của Đại hội giai đoạn tới, nhiều địa phương đã cho thấy sự trăn trở, kỳ vọng lớn lao trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc gắn với vùng đồng bào DTTS.
Xin được kết thúc bài viết này bằng sự trăn trở của Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe, rằng: Chúng tôi chỉ mong sao, qua việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ mà Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV đề ra, đời sống kinh tế – xã hội của người dân ngày càng nâng lên, bộ mặt bản làng có nhiều thay đổi. Ở một địa bàn xa xôi, khó khăn như Kỳ Sơn, thì nguồn lực đầu tư từ bên ngoài là rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là làm sao đồng bào tự ổn định được cuộc sống, thay đổi tư duy làm kinh tế để từng bước giảm nghèo bền vững.
Nguồn: https://baodantoc.vn/nhin-lai-5-nam-thuc-hien-quyet-tam-thu-dai-hoi-dai-bieu-dtts-lan-thu-iii-cac-tinh-vung-duyen-hai-mien-trung-giam-ngheo-la-nhiem-vu-trong-tam-1719569393901.htm