Hội An là một trong những ví dụ tiêu biểu về gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng nhằm thúc đẩy kinh tế – xã hội.
Ngày 4/12, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999-4/12/2024).
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng 25 năm ngày Đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999-4/12/2024), 7 năm nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2017-2024), một năm Hội An gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Lễ diễu hành chào mừng 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: ĐT
Theo ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, 25 năm qua kể từ ngày Đô thị cổ Hội An được vinh danh Di sản văn hóa thế giới, văn hóa Hội An ngày càng được nhận diện đầy đủ hơn với tư cách là một phức hợp di sản lịch sử, văn hóa, nhân văn, kiến trúc đô thị.
Thời điểm năm 1999, không mấy ai hình dung được hình hài đô thị cổ Hội An sẽ như hôm nay. Từ một đô thị phải thường trực đối mặt với nhiều khó khăn, đến nay, đô thị cổ Hội An vẫn giữ được vẻ trầm mặc, cổ kính trong không gian quần thể kiến trúc đô thị truyền thống được bảo tồn gần như hoàn hảo và là điểm đến du lịch nổi tiếng hàng đầu Việt Nam, khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, từ thời điểm được UNESCO công nhận, di sản văn hóa Hội An đã thực sự trở thành nền tảng, bệ phóng, động lực và mục tiêu của sự phát triển kinh tế – xã hội, đã góp phần đắc lực vào sự phát triển của ngành kinh tế du lịch – dịch vụ Hội An, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Lanh nhấn mạnh, thực tiễn chứng minh một cách sinh động văn hoá sáng tạo trên nền di sản của cộng đồng cư dân Hội An đã đóng góp vào những mục tiêu bền vững và tăng trưởng đa chiều như bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa, sự thịnh vượng về kinh tế và cố kết xã hội, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Du khách tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: TL
Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho rằng, Hội An đã trở thành một trong những ví dụ tiêu biểu nhất của Việt Nam cũng như trên thế giới trong công cuộc gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng địa phương nhằm thúc đẩy kinh tế – xã hội.
Cách tiếp cận này không chỉ giúp bảo tồn bản sắc văn hóa, tính tự chủ của cộng đồng mà còn đảm bảo tính bền vững thông qua sự tham gia tích cực của người dân địa phương.
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành khẳng định, công tác bảo tồn di sản đô thị cổ Hội An đã, đang đáp ứng được các nguyên tắc, các yêu cầu về bảo tồn di tích, di sản thế giới theo quy định pháp luật về di sản văn hóa và theo Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới mà Việt Nam đã tham gia.
Thế Vũ
Nguồn: https://www.congluan.vn/nhin-lai-25-nam-hoi-an-tro-thanh-di-san-van-hoa-the-gioi-post324168.html