Các yếu tố trọng yếu hỗ trợ giá cà phê ổn định ở mức cao
Theo ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), giá cà phê tăng cao trong thời gian qua do nhiều yếu tố, trong đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu dẫn đến giảm nguồn cung. Ngoài yếu tố khí hậu, các cuộc xung đột quân sự trên thế giới, căng thẳng trên Biển Đỏ khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng. Một yếu tố lớn tác động đến mức tăng của giá cà phê là nhiều nhà đầu cơ tài chính trên thế giới chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ.
Khảo sát cho thấy, giá cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên tuần này tiếp tục tăng so với tuần trước. Cụ thể, tại Đắk Lắk, giá cà phê bình quân đạt 91.093 đồng/kg, tăng 3,64% so với tuần trước (tăng 3.200 đồng/kg) và tăng 93,27% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại Lâm Đồng, giá cà phê trung bình đạt 90.320 đồng/kg, tăng 3,65% so với tuần trước (tăng 3.180 đồng/kg), và tăng 92,99% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về nguyên nhân giá cà phê liên tục tăng trong thời gian qua, ông Vũ Tuấn Anh – Chủ tịch JCI Việt Nam 2023 – cho hay: Báo Nikkei Asia của Nhật Bản cũng chỉ ra rằng, giá cà phê kỳ hạn trên toàn cầu đang ở gần mức kỷ lục hoặc mức cao gần đây. Sở dĩ giá được kích nhờ nhu cầu tăng từ tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều ở Trung Quốc và tại các nước châu Á khác, trong khi một số nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới gần như đang chịu cảnh mất mùa do biến đổi khí hậu.
“Tình trạng hạn hán do El Nino đang tác động mạnh mẽ đến sản lượng và chất lượng cà phê. Thậm chí, tình trạng mưa nhiều vào giai đoạn cà phê nở hoa cũng tác động đến sản lượng mùa vụ. Nguồn cung giảm sút và tình trạng logistics gặp nhiều khó khăn trong khi nhu cầu tăng lên là các yếu tố chính đẩy giá cà phê tăng” – ông Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh.
Các thông tin cũng cho thấy, tiêu thụ hạt cà phê toàn cầu trong giai đoạn 2023-2024 sẽ tăng 20% tính từ năm 2013-2014, trong đó châu Á tăng nhiều nhất.
“Giá cà phê sẽ tiếp tục neo ở mức cao, đặc biệt, nếu các nền kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục giảm lãi suất, xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục hưởng lợi ít nhất trong nửa đầu năm 2024” – ông Vũ Tuấn Anh nhận định.
Xuất khẩu cà phê tiếp tục lạc quan
Còn theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), mức tiêu thụ cà phê ở các nước sản xuất lớn như Việt Nam và Indonesia lần lượt tăng 60% và 90% trong cùng khoảng thời gian. Đặc biệt, hiện tại Trung Quốc – nước tiêu thụ cà phê lớn thứ ba thế giới, đang có mức tăng tới 130%.
Cập nhật của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho thấy, 2 tháng đầu năm 2024 (số liệu 3 tháng chưa cập nhật – PV), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt khoảng 394.167 tấn cà phê, trị giá khoảng 1,25 tỉ USD, tăng 15,1% về lượng và tăng 67,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu cà phê Robusta đạt gần 1,84 tỉ USD, cà phê nhân Arabica đạt hơn 56,62 triệu USD.
Lũy kế 5 tháng đầu niên vụ 2023/2024 Việt Nam xuất khẩu khoảng 764.802 tấn cà phê, kim ngạch đạt trên 2,36 tỉ USD, tăng 1,5% về lượng và tăng 39,4% về giá trị so với cùng kỳ niên vụ trước.
Từ các yếu tố lạc quan về giá, báo cáo sản lượng cà phê toàn cầu và nhu cầu nhập khẩu của các nước, ông Thái Như Hiệp – Phó Chủ tịch Vicofa – nhận định: Xuất khẩu cà phê niên vụ 2023-2024 của Việt Nam có thể đạt 4,5-5 tỉ USD.