Nhiều phản ảnh cho rằng ‘vì không làm gì khác được nên đi làm giảng viên’ là do hiện chưa đặt ra các điều kiện để hành nghề giảng viên hay điều kiện tuyển dụng đối với chức danh nghề nghiệp này.
Nhận định trên được các chuyên gia nêu ra tại tọa đàm “Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” do Đại học Quốc gia tổ chức sáng nay (3-4).
Bất cập do chưa đặt ra các điều kiện hành nghề, tuyển dụng giảng viên
Theo PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp – Trường đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), hiện nay đang có nhiều vướng mắc, bất cập từ thực tiễn hoạt động quản lý giảng viên.
Bối cảnh pháp lý hiện nay ở Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế. Các quy định về việc xếp lương, giờ làm việc nằm trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Tình trạng manh mún này tạo ra nhiều khó khăn trong việc áp dụng vào thực tiễn.
Xét về bản chất, quy định hiện tại chưa đặt ra các điều kiện để hành nghề giảng viên hay điều kiện tuyển dụng đầu vào đối với chức danh nghề nghiệp này. Điều này tạo ra tình trạng áp dụng theo nhu cầu, có nghĩa là việc tuyển dụng với các điều kiện khác nhau tùy thuộc vào cơ sở giáo dục đại học.
Thực trạng này chính là nguyên nhân mà trong thời gian qua nhiều phản ảnh cho rằng “vì không làm gì khác được thì nên đi làm giảng viên”.
Bà Diệp cho rằng: “Cần trao quyền cấp chứng chỉ hành nghề thông qua đánh giá chuyên môn của một chủ thể thích hợp và chỉ những người được cấp chứng chỉ hành nghề giảng viên mới có quyền ứng tuyển vào vị trí giảng viên tại bất kỳ cơ sở giáo dục đại học nào, dù là công hay tư. Từ đó đảm bảo mặt bằng về chất lượng kỹ năng, nghiệp vụ nghề nghiệp cho giảng viên”.
Cũng theo bà Diệp, quy định về tiêu chuẩn nghề nghiệp hiện nay chưa phân biệt ngạch viên chức là trợ giảng và ngạch viên chức là giảng viên.
Nói cách khác, các quy định này dẫn đến hiện tượng một giảng viên hạng 3 đi làm trợ giảng cho một giảng viên hạng 3 khác, tức là thực tế đang xem trợ giảng không phải là một ngạch viên chức mà là một công việc phát sinh tạm thời tại một thời điểm, cho một môn học/lớp học cụ thể nào đó.
“Từ thực tiễn này, cần xem trợ giảng là một ngạch viên chức và chỉ những người được tuyển dụng vào dưới ngạch này mới được thực hiện hoạt động trợ giảng”, bà Diệp kiến nghị.
Áp dụng chính sách cho nhà giáo gặp nhiều khó khăn do pháp luật chưa đồng bộ
TS Thái Thị Tuyết Dung – phó trưởng ban phụ trách ban thanh tra – pháp chế Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng chính vì hệ thống pháp luật về nhà giáo còn tản mạn, một số văn bản quản lý chưa thực sự đồng bộ, chưa rõ và thiếu sự thống nhất dẫn đến việc áp dụng chính sách cho nhà giáo gặp nhiều khó khăn.
Việc áp dụng hệ thống thang bảng lương hiện hành chưa theo vị trí việc làm và tính chất mức độ phức tạp của công việc (ví dụ, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học ở cùng một hạng có chung một bảng lương), mức lương cơ sở còn thấp.
Hơn nữa, vấn đề cải cách chính sách tiền lương mới dự kiến sẽ áp dụng một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo (cũng không có bảng lương riêng cho nhà giáo); đồng thời bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề nhà giáo, điều này chắc chắn dẫn đến khó khăn trong việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.
“Ngoài ra việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo và bồi dưỡng viên chức vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc trên thực tế”, bà Dung nhận định.
Cần thiết phải xây dựng Luật Nhà giáo
Theo lãnh đạo Đại học Quốc gia TP.HCM, thực tế hiện nay đòi hỏi phải có luật riêng để điều chỉnh về vị thế của nhà giáo.
Thứ nhất, hiện nay có nhiều văn bản pháp lý cùng quy định về nhà giáo, các văn bản này chưa có tính hệ thống, thậm chí còn chồng chéo nhau, như Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Viên chức sửa đổi bổ sung 2019, Bộ luật Lao động năm 2019…
Thứ hai, có thể thấy rằng phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh có tính đặc thù mà các văn bản quy phạm pháp luật khác chưa điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa hoàn thiện. Thông qua vấn đề này thì đây là lý do để xây dựng một đạo luật riêng biệt về nhà giáo.
Thứ ba, trong bối cảnh phát huy quyền tự chủ giáo dục, với nhiều áp lực do yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với nhà giáo thì vị thế của nhà giáo, sự tự chủ của nhà giáo trong thực hiện chương trình, quản lý và giáo dục học sinh – sinh viên, trong thực hiện các hoạt động chuyên môn cần tiếp tục được luật hóa để tạo điều kiện cho nhà giáo phát huy năng lực, thực hiện nhiệm vụ. Điều này đặt ra yêu cầu phải có một luật riêng để điều chỉnh về vị thế của nhà giáo.