Còi báo động không kích đã vang lên tại Kyiv và nhiều vụ nổ được nghe thấy tại thủ đô của Ukraine vào khoảng 11 giờ ngày 29.5. Cuộc tấn công xảy ra sau khi Kyiv bị oanh tạc dữ dội trong đêm và Ukraine tuyên bố đã phá hủy 67/75 mục tiêu trên không, gồm tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) cảm tử Shaded do Iran chế tạo.
Không quân Ukraine sáng 29.5 thông báo lực lượng phòng không đã bắn rơi 30 UAV và 37 tên lửa hành trình Kh-101/Kh-555, theo trang The Kyiv Independent. Trong khi đó, người phát ngôn không quân Yuri Ihnat lại nói Nga có thể đã sử dụng tên lửa Iskander và S-300, S-400 cho cuộc tấn công.
AFP dẫn lời Tổng tư lệnh Valery Zaluzhny cho biết Nga đã phóng 11 tên lửa Iskander trong cuộc tấn công vào lúc 11 giờ ngày 29.5 và toàn bộ đều bị Ukraine ngăn chặn.
Nga chưa bình luận về thông tin trên.
Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko thông báo sau vụ tấn công vào lúc 11 giờ rằng các mảnh tên lửa còn cháy đã rơi xuống một con đường ở quận Obolonskyi. Lực lượng chức năng được điều đến để xử lý. Tại quận Podilskyi, các mảnh vỡ tên lửa gây cháy phần mái một tòa nhà 2 tầng và khiến một người bị thương, phải nhập viện.
Các vụ nổ cũng được ghi nhận tại quận Desnyanskyi trong khi hệ thống phòng không được kích hoạt. Đồng thời, còi báo động vang lên khắp các tỉnh miền bắc, trung và nam Ukraine.
Reuters dẫn lời nhân chứng tại Kyiv kể đã nhìn thấy nhiều người ban đầu tỏ ra dửng dưng trước tiếng còi báo động nhưng sau đó hoảng loạn bỏ chạy tìm chỗ nấp khi các vụ nổ xảy ra.
Tại tỉnh Khmelnytskyi ở miền tây Ukraine, các vụ nổ xảy ra tại một cơ sở quân sự và lãnh đạo tỉnh cho biết 5 máy bay bị hư hại, trong khi đường băng đang được sửa chữa.
Hôm 27.5, Kyiv hứng chịu cuộc tấn công bằng UAV với quy mô lớn nhất từ khi xung đột bùng phát vào tháng 2.2022.
Nga tố Ukraine pháo kích lãnh thổ sát biên giới
Ông Vyacheslav Gladkov, tỉnh trưởng tỉnh Belgorod của Nga giáp Ukraine, ngày 29.5 cáo buộc lực lượng Kyiv nã pháo vào nhiều khu định cư ở biên giới. Ông Gladkov nói 2 cơ sở công nghiệp tại thị trấn Shebekino đã hứng chịu đạn pháo và 4 nhân viên bị thương. Nhiều khu vực bị mất điện.
Phóng viên Francis Scarr ngày 29.5 đăng một đoạn video do truyền hình Nga phát sóng, trong đó ông Gladkov kêu gọi sáp nhập tỉnh Kharkiv của Ukraine vào Belgorod để giúp ổn định biên giới và “đó là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề pháo kích Belgorod”.
Ukraine chưa bình luận gì về những thông tin này. Trước đó, Nga tố cáo Ukraine đứng sau cuộc đột kích nhắm vào một số ngôi làng ở Belgorod gần đây nhưng Kyiv nói đó là hành động của các nhóm du kích người Nga.
Ukraine sẽ sớm tấn công
Tư lệnh các lực lượng trên bộ của Ukraine Oleksandr Syrskyi đã thăm binh sĩ gần thành phố Lyman ở miền đông và nói rằng Ukraine sẽ sớm có hành động tấn công chống lại quân Nga, theo CNN.
“Tôi đã gặp chỉ huy các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ tại những điểm nóng nhất trên tiền tuyến. Chúng tôi thảo luận về các diễn biến tiềm tàng trong khu vực và tình hình hiện tại trên tiền tuyến. Tôi lưu ý rằng sắp đến lúc chúng ta khởi động các hành động tiến quân chủ động và đặt ra các nhiệm vụ cụ thể để chuẩn bị cho điều đó”, ông Syrskyi thông báo trên Telegram ngày 29.5.
Cuối tuần trước, Tổng tư lệnh Valery Zaluzhny nói “đã đến lúc giành lại những gì thuộc về chúng ta”, gợi khả năng Ukraine sắp mở cuộc phản công lớn.
Khoảng trống trong việc kiểm soát vũ khí
Phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin ngày 29.5 nói rằng một khoảng trống đã xuất hiện trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí do mối quan hệ xấu giữa các nước, theo TASS.
“Một khoảng trống lớn đang nổi lên trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược và về lý thuyết nên được lấp lại khẩn cấp bằng các hành động mới theo luật quốc tế để quản lý tình hình”, ông Peskov nói.
Vị quan chức cho rằng vấn đề này là lợi ích của toàn thế giới và cần các nước liên quan khôi phục mối quan hệ có thể làm việc cùng nhau, “điều đang thiếu vào thời điểm hiện tại”. Ông cũng tuyên bố điều này không phải lỗi của Nga.
Bình luận của ông Peskov được đưa ra liên quan việc Nga rút khỏi Hiệp ước các lực lượng quy ước tại châu Âu (CFE). Hiệp ước từ năm 1990 giới hạn việc triển khai khí tài quân sự tại châu Âu. Theo Reuters, Nga đình chỉ việc tham gia vào năm 2007 và ngừng hoàn toàn vào năm 2015. Tháng này, Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh lên án hiệp ước sau cuộc tranh luận và bỏ phiếu tại quốc hội Nga.