Ngày 16.2, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố, cho biết, em T.Q.Đ (8 tuổi, ngụ Tân Trụ, Long An) bị rắn lục cắn khiến rối loạn đông máu nặng, phải nhập viện cấp cứu vào chiều mùng 1 tết (10.2).
Khai thác bệnh sử ghi nhận, trẻ ra sau nhà bếp đánh răng, bất ngờ bị rắn lục đuôi đỏ cắn ở bàn tay trái, gây đau và chảy máu. Người nhà cầm máu cho trẻ và bắt được con rắn, liền tức tốc đưa trẻ đến bệnh viện địa phương, sơ cứu cầm máu, truyền dịch rồi chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố.
Tại đây, các bác sĩ trực ghi nhận trẻ sưng bầm bàn tay trái, lan lên cẳng tay trái, chảy máu thấm gạc, vẻ mặt trẻ lừ đừ, xét nghiệm biểu hiện rối loạn đông máu nặng. Người nhà mang theo con rắn bắt được là rắn lục đuôi đỏ. Vì vậy các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị rắn lục đuôi đỏ cắn và xử trí truyền 5 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu cho trẻ.
Tuy nhiên, sau 6 giờ trẻ được truyền huyết thanh kháng nọc rắn, vết rắn cắn sưng to và lan tiếp lên cánh tay trái, nên trẻ được truyền thêm 5 lọ nữa. Kết quả, tình trạng trẻ có cải thiện 24 giờ sau đó, hết chảy máu, vết thương rắn cắn bớt sưng bầm.
Trưa mùng 4 tết (13.2), Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố tiếp nhận em L.P.A (2 tuổi, nam, ngụ Gò Vấp, TP.HCM) trong tình trạng bứt rứt, quấy khóc, miệng nhiều đàm nhớt.
Cách nhập viện một giờ, bé ăn cháo cá lóc, đột ngột ho, sặc sụa, nôn ói, tím tái, người nhà phát hiện, lập tức bồng bé đi cấp cứu. Tại bệnh viện, bé biểu hiện khó thở, nhiều đàm nhớt, nôn ói, không bú, uống. Trẻ được chụp X-quang cổ ngực phát hiện một mảnh dị vật ở đầu trên thực quản; được chụp CT scan ghi nhận dị vật cản quang nằm trong mô mềm giữa thực quản – khí quản, có đoạn còn nằm trong thực quản, kích thước 13x3x23 mm. Ngay lập tức bé được hội chẩn phối hợp chuyên khoa tiêu hóa và tai mũi họng nội soi gắp ra một dị vật là mảnh xương cá kích thước 1,5×2,5 cm. Sau gắp dị vật, bé hết khó thở, tỉnh táo.
Trước đó vài ngày, bệnh viện tiếp nhận trường hợp em N.Đ.A (9 tuổi, nam, ngụ Giồng Riềng, Kiên Giang). Trước nhập viện 6 giờ, em ngậm chơi kèn trong con vịt đồ chơi, hút vào sau đó em vẫn bình thường, không sặc không ho. Vài phút sau em uống nước, ho, ói ra thức ăn, không có kèn. Từ lúc đó đến lúc người nhà cho nhập viện thi thoảng em ho nghe như tiếng kèn. Em A. được nhập bệnh viện địa phương, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố.
CT scan lồng ngực không cản quang, bác sĩ phát hiện dị vật dạng ống rỗng nằm trong phế quản trung gian bên phải. Em A. được truyền hồng cầu lắng cùng nhóm máu, sau đó nội soi hô hấp bằng ống nội soi mềm, dùng kềm gắp dị vật là ống nhựa kèn kích thước 0,5x2cm, nội soi kiểm tra không thấy dị vật thêm, sau đó được chuyển khoa Hồi sức ngoại.
Chú ý thức ăn, đồ chơi với trẻ dưới 5 tuổi
Qua các trường hợp trên, bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh không cho trẻ chơi những đồ chơi có vật nhỏ tháo ráp được; nên cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi ăn thức ăn đã lấy hột, xương,… hoặc thuốc dùng là sirô, thuốc bột pha, tránh dùng thuốc viên. Phụ huynh cần nhắc nhở các trẻ khi ăn uống, không được “làm việc khác” như vừa ăn vừa la khóc do không đồng ý việc gì hay vừa ăn vừa cười giỡn, hay ăn vội vã để làm một việc gì đó,… nhằm tránh nguy cơ hít thức ăn vào đường thở.
Với trẻ nhỏ dưới 3 tuối, khi ăn phải bảo đảm lừa hết xương (cá), hột (trái cây) ra và luôn có người giữ, chăm sóc và theo dõi trẻ.
Ngoài ra, phụ huynh lưu ý phát quang xung quanh nhà nhằm tránh cho rắn, ong, côn trùng vào nhà tấn công trẻ và hướng dẫn trẻ lưu ý khi đi lại dưới ruộng cỏ lùm cây dễ bị rắn độc tấn công, tốt nhất là mang giày ủng khi lao động, làm việc vùng đồng cỏ, ruộng vườn, tránh đi chân đất, tránh trèo cây để đề phòng rắn lục cắn hoặc nguy cơ té ngã.