Còn khoảng 2 tháng nữa, thí sinh cả nước sẽ chính thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học (ĐH). Bên cạnh việc lựa chọn ngành nghề, nhiều chuyên gia lưu ý các phụ huynh và học sinh cần cân đối điều kiện tài chính của gia đình trong bối cảnh học phí có xu hướng tăng.
Khối ngành Y Dược tăng mạnh học phí
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Y Dược TPHCM, cho biết, năm học 2024-2025, hai ngành Y khoa và Răng – Hàm – Mặt của trường có mức học phí tăng hơn 7 triệu đồng so với năm học trước, ở mức 82,2 triệu đồng/năm và 84,7 triệu đồng/năm.
Năm học 2023-2024, hai ngành này có mức học phí lần lượt là 74,8 triệu đồng và 77 triệu đồng một năm. Các ngành Kỹ thuật Y học, Y tế công cộng, Dinh dưỡng, Phục hình răng, Điều dưỡng cùng mức học phí 46 triệu đồng/năm, tăng 4,2 triệu đồng so với năm học trước.
Năm 2024, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ngành Răng-Hàm-Mặt, Y đa khoa có học phí cao nhất là 220 triệu đồng/năm, với chương trình tiếng Anh và mức 180 triệu đồng/năm với chương trình cử nhân; ngành Dược học có học phí 60 triệu/năm. Mức học phí này đã được áp dụng từ năm học 2023-2024.
Trước đó, trường ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng tăng học phí từ học kỳ II năm học 2023-2024. Sinh viên ngành Dược của trường này cho biết, mức học phí này tăng gấp đôi so với học kỳ trước với mức thu 51 triệu đồng/năm.
Theo đó, học kỳ I trường thu học phí hơn 12 triệu đồng/học kỳ, học kỳ II học phí tăng lên 25,5 triệu đồng/học kỳ. Năm học 2024-2025, trường này vẫn giữ mức thu ngành Y khoa là 55 triệu đồng/năm, ngành Dược học là 51 triệu đồng/năm, các ngành còn lại là 27,6 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Y Dược Hải Phòng cũng tăng học phí từ năm học 2023-2024 với mức 30% đối với sinh viên chính quy, dao động từ 27 triệu đồng/năm học đến 35 triệu đồng/năm học. Theo đó, ngành Y khoa, Dược học và Răng-Hàm-Mặt tăng từ 1,43 triệu đồng lên 3,5 triệu đồng/tháng; ngành Y học dự phòng, Y học cổ truyền tăng từ 1,43 triệu đồng lên 3 triệu đồng/tháng; ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học tăng từ 1,43 triệu đồng lên 2,7 triệu đồng/tháng.
Trường ĐH Y Hà Nội cũng gây chú ý với mức tăng học phí gấp 3,5 lần từ năm 2023. Trong đó, ngành Y khoa, Y học cổ truyền của trường này có mức học phí cao nhất, với 55,2 triệu đồng/năm. Các ngành Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Điều dưỡng chương trình tiên tiến có học phí 41,8 triệu đồng/năm.
Chương trình đại trà tăng trung bình 10%
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội, cho biết, học phí năm học tới của trường từ 720 nghìn đồng đến 1,74 triệu đồng/tín chỉ. Tùy chương trình, sinh viên cần hoàn thành 145-152 tín chỉ để được công nhận tốt nghiệp. So với mức thu năm ngoái (650 nghìn-1,39 triệu đồng/tín chỉ), học phí của trường ĐH Hà Nội tăng khoảng 10%.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM, cũng công khai học phí năm học mới. Theo đó, so với năm ngoái, mức học phí chương trình đại trà tăng 10%. Riêng các ngành thuộc chương trình liên kết quốc tế 2+2 và chất lượng cao giữ nguyên học phí (từ 45 triệu đến 82 triệu đồng/năm).
6 ngành có mức học phí thấp nhất của đơn vị này là Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý học, Thông tin – Thư viện, Lưu trữ học, cùng 14,3 triệu đồng/năm. Ba ngành khác có học phí dưới 20 triệu đồng là Ngôn ngữ Italy, Ngôn ngữ Tây Ban Nha, Ngôn ngữ Nga (17,16 triệu đồng). Với các ngành còn lại, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thu học phí 22-29 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, với một số trường, mức tăng học phí chỉ áp dụng với sinh viên trúng tuyển từ năm học 2024-2025. Ông Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, cho biết hội đồng trường đã quyết định năm học 2024-2025 trường không tăng học phí với các khóa hiện tại.
Đây là cam kết không tăng học phí suốt khóa học để sinh viên có kế hoạch tài chính phù hợp. Với khóa tuyển mới năm 2024, học phí sẽ tăng khoảng 10% so với hiện nay. Theo đó, trường này áp dụng mức thu khoảng 19,5 triệu đồng/năm sau 3 năm không tăng học phí. Theo nhà trường, việc không áp dụng mức tăng trần là nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh và thí sinh.
Học viện Tài chính cũng thông tin chính thức về mức học phí dự kiến năm học 2024-2025. Theo đó, học phí chương trình chuẩn là 25 triệu đồng/sinh viên/năm học. Học phí Chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế là 50 triệu đồng/sinh viên/năm học.
Học phí diện tuyển sinh theo đặt hàng là 43 triệu đồng/sinh viên/năm học. Từ những năm học sau, học phí có thể thay đổi khi nhà nước thay đổi chính sách về học phí, trường hợp tăng thì mức tăng không quá 10% so với năm học trước.
Đại diện Học viện Ngân hàng cho biết, học phí năm học 2024-2025 dự kiến dao động từ 25 triệu đến 37 triệu đồng. Trong đó, các chương trình đào tạo chuẩn thuộc nhóm ngành Kinh doanh quản lý và pháp luật, học phí là 25 triệu đồng/năm/học sinh; khối ngành Công nghệ thông tin là 26,5 triệu đồng/năm và khối ngành Nhân văn, Khoa học xã hội là 26 triệu đồng/năm.
Mức học phí cao nhất áp dụng với các chương trình chất lượng cao, dao động 340-380 triệu đồng cho cả khóa 4 năm, có thể cao hơn nếu sinh viên chọn học năm cuối ở trường liên kết.
Học phí năm học 2024-2025 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến là 506.900 đồng/tín chỉ, áp dụng với các chương trình đại trà.
Các ngành Quảng cáo, Quan hệ công chúng chuyên nghiệp, Quan hệ chính trị và truyền thông quốc tế, Thông tin đối ngoại, Ngôn ngữ Anh, Xã hội học, Biên tập xuất bản thu cao hơn, dự kiến là 1.058.200 đồng/tín chỉ. Các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) được miễn học phí.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/nhieu-truong-dai-hoc-dong-loat-tang-hoc-phi-nam-hoc-moi-20240606170107714.htm