Năm 2025, nhiều trường đại học thay đổi phương thức tuyển sinh, có trường tăng phương thức xét tuyển, chỉ tiêu.
Nhiều trường đại học đã có phương án tuyển sinh 2025. (Ảnh: Nguyễn Huế) |
Các trường đại học: Bách khoa, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa học Tự nhiên, Quốc tế, Khoa học Sức khỏe, Kinh tế – Luật, Công nghệ Thông tin, An Giang thực hiện 3 phương thức tuyển sinh đại học gồm: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức; Xét tuyển dựa trên kết quả thi trung học phổ thông theo định hướng của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được điều chỉnh cấu trúc để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điểm mới của đề thi là sự xuất hiện của nhóm lĩnh vực liên quan đến giáo dục kinh tế và pháp luật. Mặt khác, thí sinh được lựa chọn môn thi thay vì bắt buộc trả lời tất cả các câu hỏi trong phần 3 như bài thi cũ. Hiện có khoảng 90 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.
6 trường đại học lớn ở TP. Hồ Chí Minh gồm: Ngân hàng, Sài Gòn, Tài chính – Marketing, Mở, Luật và Văn Lang cùng 4 đại học/trường khác gồm Đại học Thái Nguyên, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Trà Vinh sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính (V-SAT) để xét tuyển.
Kỳ thi có 8 môn thi độc lập, gồm: Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn. Nội dung thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12 (khoảng 90% kiến thức thuộc chương trình lớp 12 và 10% thuộc chương trình lớp 10, 11). Ngoài ra, các trường cũng sẽ dùng thêm các phương thức tuyển sinh khác.
Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt nhưng sẽ có nhiều điểm cải tiến trong cấu trúc các bài thi. Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt vẫn tiếp tục được thực hiện với các bài thi Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và tiếng Anh. Trường này cũng mở rộng quy mô kỳ thi nhằm phục vụ cho trường đại học khác tuyển sinh như các trường đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm – Đại học Đà Nẵng; Công thương, Y Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Tất Thành, Văn Lang, Y Dược Cần Thơ, Trường Đại học Y Dược Huế, Trường Đại học Y Dược Tây Nguyên…
Trường Đại học Nha Trang xét tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập THPT và kết quả đánh giá năng lực học tập đại học. Với kết quả học tập, mỗi ngành, chuyên ngành đào tạo của trường, thí sinh phải học ở THPT một số môn nhất định theo quy định. Kết quả học các môn này cần đạt yêu cần tối thiểu do trường công bố hàng năm. Kết quả đánh giá năng lực học tập đại học, với mỗi ngành, chuyên ngành đào tạo của trường, thí sinh còn phải tham gia đánh giá năng lực học tập đại học.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh một số ngành như Y học cổ truyền, tăng 20 %; Điều dưỡng, tăng 10%; Dược học, tăng 30% so với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024. Nhà trường thực hiện 6 phương thức xét tuyển bao gồm: Kết quả thi tốt nghiệp THPT; Tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh; Sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển; Chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Sử dụng phương thức khác. Trường này cũng cho hay sẽ không áp dụng môn ngoại ngữ trong tiêu chí phụ khi xét đồng điểm như 2024 trở về trước.
Trường Đại học Việt Đức vẫn giữ nguyên bài thi TestAS. Theo đó, TestAS là bài thi đánh giá năng lực tư duy, chứ không đơn thuần về kiến thức cố định.
Nguồn: https://baoquocte.vn/nhieu-truong-dai-hoc-da-co-phuong-an-tuyen-sinh-nam-2025-290181.html