Quy chế công tác sinh viên ở các trường đại học hiện nay được ban hành dựa vào thông tư 10/2026 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế công tác sinh viên chính quy.
Trong quy chế này, sinh viên hoạt động mại dâm lần 1 bị khiển trách, lần 2 cảnh cáo, lần 3 đình chỉ có thời hạn và lần 4 bị buộc thôi học.
Quy định này được cho là bất hợp lý nhưng phần lớn trường đại học khi ban hành quy chế sinh viên đều lấy nguyên các nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật đưa vào quy chế sinh viên trường.
Thậm chí một số trường đại học mới ban hành quy chế sinh viên năm 2022, 2023 như Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), Tài chính – Marketing, Công nghiệp TP.HCM, Công nghệ giao thông vận tải… vẫn đưa nội dung vi phạm, khung xử lý cho từng lần sinh viên hoạt động mại dâm.
Tuy nhiên một số cơ sở giáo dục đại học đã bỏ quy định xử lý sinh viên hoạt động mại dâm. Chẳng hạn quy chế người học do Trường đại học Kinh tế quốc dân ban hành năm 2022 có 17 nội dung vi phạm và khung xử lý.
Trong số 17 nội dung vi phạm không có hành vi hoạt động mại dâm hay chứa chấp, môi giới hoạt động mại dâm. Quy chế của trường cũng ghi rõ: Những hành vi vi phạm chưa có trong khung kỷ luật này, tùy trường hợp cụ thể trường xem xét quyết định.
Đại học Thái Nguyên cũng bỏ các nội dung vi phạm và khung xử lý sinh viên đối với các hành vi chứa chấp, môi giới mại dâm hay hoạt động mại dâm trong quy chế ban hành năm 2021.
Tuy nhiên trường này có đưa vào nội dung các vi phạm pháp luật khác theo quy định của Nhà nước.
Trước đó, trong quy chế ban hành năm 2016 của đại học này, các hành vi môi giới hay hoạt động mại dâm được quy định khung xử lý.
Quy chế sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng cũng không quy định khung xử lý đối với hành vi hoạt động mại dâm của sinh viên.
Đại học này chỉ quy định sinh viên chứa chấp, môi giới hoạt động mại dâm sẽ bị giao cơ quan chức năng xử lý.
Không cần quy định cụ thể về hoạt động mại dâm
Đại diện một trường đại học cho rằng đưa quy định sinh viên hoạt động mại dâm 4 lần bị đình chỉ học tập vào quy chế của trường là không cần thiết, phản cảm và không kiểm soát được.
Trước đây khi bộ ban hành quy chế này đã vấp nhiều ý kiến phản đối vì khó có thể đếm sinh viên hoạt động mại dâm bao nhiêu lần.
Chứa chấp, môi giới mại dâm hay hoạt động mại dâm là hành vi vi phạm pháp luật. Điều này các luật khác đã có quy định cụ thể về khung xử lý. Sinh viên có các hành vi này nếu bị phát hiện, cơ quan chức năng sẽ xử lý. Trường đại học dựa vào đó để xử lý học vụ sinh viên.
Do đó, quy chế trường chỉ cần quy định liên quan đến hoạt động của trường. Các hành vi vi phạm pháp luật sẽ do cơ quan chức năng xử lý. Khi sinh viên có hành vi hoạt động mại dâm bị cơ quan chức năng xử lý, việc của trường là xử lý học vụ, chứ không phải đếm xem sinh viên vi phạm bao nhiêu lần để đưa ra hình thức kỷ luật.
“Chúng tôi có nghe thông tin bộ sẽ sửa quy chế công tác sinh viên nhưng đến nay vẫn chưa thấy” – ông này nói.