Nhằm quảng bá thương hiệu Cà-phê Buôn Ma Thuột và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nền văn hóa truyền thống đa dạng, đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn và các tiềm năng du lịch hấp dẫn của tỉnh, các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng 42 chương trình tour du lịch hưởng ứng, phục vụ Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023.
Theo Ban tổ chức Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, tổ chức các tour du lịch trải nghiệm, khám phá các sản phẩm du lịch mới là một trong 18 hoạt động chính thức của Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 diễn ra từ ngày 10 đến 14/3/2023. Hiện nay đã có 12 doanh nghiệp lữ hành xây dựng 42 chương trình tour du lịch phục vụ lễ hội.
Các chương trình tour du lịch này vừa được Ban tổ chức Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 công bố để các du khách trong và ngoài nước lựa chọn đăng ký tham gia.
Theo chương trình được công bố, các tour du lịch đều linh động về thời gian, đa dạng sản phẩm, tạo nhiều sự lựa chọn cho du khách. Do Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 diễn ra trong thời gian 5 ngày nên phần lớn các doanh nghiệp lữ hành đều xây dựng tour du lịch 1 ngày, 3 ngày 2 đêm hoặc 4 ngày 3 đêm, trong đó tuyến 4 ngày 3 đêm được xây dựng sát với thời gian diễn ra các hoạt động của lễ hội để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách vừa tham quan du lịch, vừa tham gia lễ hội.
Du khách có thể lựa chọn tour du lịch phù hợp để tham gia các hoạt động chính của lễ hội như: Lễ khai mạc, Lễ hội đường phố, Hội voi Buôn Đôn, Hội Đua thuyền độc mộc huyện Lắk, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà-phê, Lễ hội ánh sáng, thưởng thức vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn”…
Các doanh nghiệp lữ hành khi thiết kế, xây dựng các tour, tuyến du lịch đều chú trọng quảng bá, đưa các khu, điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh vào chương trình để du khách tham quan… Trong đó có nhiều tour hướng đến hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá như: Tour Rafting vượt thác, du khách sẽ trải nghiệm các hoạt động hấp dẫn như: đạp xe đi thác Gia Long qua con đường làng Buôn Kuốp rợp bóng cây, ngắm nhìn cuộc sống bình dị dưới những mái nhà dài của người đồng bào Êđê và M’Nông; thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hữu tình bên tiếng róc rách của dòng nước đổ xuống từ vách đá; tiếp đó leo núi men theo những triền đá cổ xưa với hình thù độc đáo, thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ với một bên là vách núi, một bên là dòng sông Sê-rê-pôk xanh ngắt và kết thúc là chèo thuyền khám phá trên dòng sông Sê-rê-pôk huyền thoại…
Hay tour siêu xe địa hình băng rừng vượt thác tại cụm thác Dray Nur-Gia Long trên dòng sông Sê-rê-pôk, dòng sông chạy ngược huyền thoại.
Tour Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 với thời gian 4 ngày 3 đêm, du khách sẽ đi tham quan Khu du lịch sinh thái Văn hóa cộng đồng Ko Tam tìm hiểu về bến nước, tượng nhà mồ, chiêm ngưỡng các tác phẩm mỹ nghệ từ cây cà-phê; tham gia Hội chợ triễn lãm chuyên ngành cà-phê và Lễ hội đường phố “Buôn Ma Thuột-nơi hội tụ 3 nền văn minh cà-phê thế giới”; tham gia Chương trình khai mạc Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề “Buôn Ma Thuột – điểm đến của cà phê thế giới”; tham quan Bảo tàng Thế giới Cà-phê tìm hiểu kiến trúc nương theo không gian quen thuộc đặc trưng nhà dài của vùng đất Tây Nguyên; tham quan Buôn Ako Dhông “Buôn trong phố” được người Êđê xây dựng theo phong cách truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Tây Nguyên với vẻ đẹp hút hồn của những căn nhà dài của đồng bào Êđê sinh sống ở đây.
Sau đó, du khách sẽ đến tham quan Khu du lịch Lắk Resort, một trong những điểm du lịch đẹp hoang sơ của Đắk Lắk; tham quan và nghe kể về truyền thuyết Núi Đá Voi – Yang Tao, một tảng đá nguyên khối lớn nhất tại Việt Nam; tham quan buôn Lê và buôn Jun, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk tìm hiểu đời sống văn hóa, phong tục tập quán của người đồng bào M’Nông; tham quan Khu nhà Bảo Đại nằm bên hồ Lắk với độ cao 700m, chiêm ngưỡng cảnh quan Hồ Lắk từ trên cao. Sau đó, sẽ tham dự Hội voi Buôn Đôn để tìm hiểu Lễ cúng bến nước, Lễ cúng sức khỏe cho Voi, trải nghiệm cảm giác thú vị khi đi trên cầu treo được ghép lại từ những thanh tre già, có sự trợ lực của hệ thống cáp treo gắn kiên cố với hai bờ sông, vắt qua những cây si cổ thụ giữa dòng sông Sê-rê-pôk; tham quan, tìm hiểu kiến trúc nhà cổ của người Lào, bản sắc văn hóa nhà mồ của người M’nông Lào cũng như được trở về quá khứ qua câu chuyện kể về lịch sử của Vua săn voi Khunjunob nổi tiếng 1 thời… ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.
Còn những du khách muốn tìm hiểu về loài voi và nghề săn bắt, thuần dưỡng voi của người Tây Nguyên thì tham gia tour du lịch Hội voi Buôn Đôn. Du khách sẽ được tham gia các hoạt động như: lễ cúng bến nước, lễ tắm và cúng sức khỏe cho voi, Hội thi trang điểm cho voi, tiệc buffet cho voi, tham quan và tìm hiểu nghệ thuật săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của dân tộc nơi đây; chiêm ngưỡng nét đặc sắc của nhà sàn cổ, nghe kể chuyện về cụ Ama Kong, huyền thoại về dũng sĩ săn voi của vùng đất Buôn Đôn…
Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành còn xây dựng các tour du lịch trải nghiệm, khám phá hấp dẫn như: đạp xe, leo núi, chèo thuyền vượt thác sông Sê-rê-pôk, tắm sông tại Khu Du lịch sinh thái Dray Nur-Đray Sáp thượng; đạp xe trong rừng tham quan tìm hiểu các loài động thực vật tại Vườn Quốc gia Yok Đôn; tìm hiểu đời sống, văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán của người Êđê, người M’nông và văn hóa, ẩm thực của người Lào ở Tây Nguyên…
Đặc biệt, trong dịp diễn ra Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần này, một số doanh nghiệp lữ hành còn xây dựng các tour, tuyến du lịch hướng tới quảng bá thương hiệu Cà-phê Buôn Ma Thuột, tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà-phê ở Đắk Lắk, nơi được mệnh danh là “thủ phủ cà-phê” của Việt Nam.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất và để tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách về Đắk Lắk, một điểm đến an toàn, thân thiện, đậm đà bản sắc Tây Nguyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch, các khu, điểm du lịch, các bảo tàng, các nhà hàng, khách sạn, cơ sở ăn uống, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh chuẩn bị điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách, bảo đảm an ninh trật tự, tuyệt đối an toàn cho du khách; xây dựng các chương trình du lịch gắn với cà-phê, sinh thái, văn hóa, mạo hiểm phục vụ lễ hội. Đặc biệt, các đơn vị phải tuân thủ nghiêm các quy định về đăng ký, niêm yết giá vé tham quan, giá vé giữ xe, giá các dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường phòng, chống cháy nổ và phòng, chống dịch bệnh…
“Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thành lập đoàn giám sát, kiểm tra hoạt động của các đơn vị kinh doanh du lịch, duy trì đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của du khách, người dân về hành vi “chặt chém”, ép giá và sẽ kiên quyết xử lý những doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân vi phạm”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Thái Hồng Hà khẳng định.
Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 là cơ hội để tỉnh Đắk Lắk giới thiệu, quảng bá, tạo sức lan tỏa hình ảnh du lịch Đắk Lắk đến với du khách cũng như các nhà đầu tư du lịch trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Với sự tích cực tham gia của các doanh nghiệp lữ hành, các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú và đặc biệt là sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt của ngành du lịch tỉnh Đắk Lắk nhằm xây dựng hình ảnh “Đắk Lắk-Điểm đến an toàn, thân thiện, đậm đà bản sắc Tây Nguyên”, ngành du lịch Đắk Lắk dự kiến sẽ thu hút khoảng 40.000 đến 50.000 lượt khách trong và ngoài nước đến Đắk Lắk trong dịp Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023.