(TN&MT) – Đến nay, TP. Đà Nẵng có 567/588 tàu cá có chiều lớn nhất từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Từ năm 2007 đến nay, Đà Nẵng không có tàu cá nào vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ xử lý.
Hiện trên địa bàn TP.Đà Nẵng có tổng số 1.230 tàu cá với tổng công suất 401.360cv đang hoạt động. Sản lượng khai thác hải sản hằng năm đạt từ 36.500-37.500 tấn, chiếm 60-65% giá trị sản xuất thủy sản- nông – lâm.
Nhằm tương trợ nhau trong khai thác thủy sản, tiêu thụ sản phẩm, phòng tránh rủi ro thiên tai; cùng phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo; thành phố đã vận động ngư dân, thành lập các Tổ đoàn kết sản xuất trên biển (Tổ đoàn kết). Đến nay trên địa bàn đã thành lập 94 Tổ đoàn kết với 680 tàu cá tham gia. Hiện tại có 575/588 (97,8%) tàu cá khai thác vùng khơi tham gia các Tổ đoàn kết.
Nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau trên biển nên các tàu cá trong Tổ đoàn kết đã mạnh dạn vươn khơi khai thác ở những ngư trường xa bờ và chuyển đổi ngư trường khai thác; thời gian bám biển cũng dài ngày hơn. Các Tổ đoàn kết làm nghề lưới cản khơi, lưới vây khơi, mành chụp, lưới chuồn đã vươn khơi khai thác có hiệu quả ở vùng biển quanh Quần đảo Hoàng Sa, thu nhập của thuyền viên tăng cao hơn.
Từ năm 2019 đến nay, thành phố đã hỗ trợ gần 23 tỷ cho 977 lượt tàu cá của 860 chủ tàu cá, trong đó: Hỗ trợ 40% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu cho tàu khai thác thủy sản hoặc hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản (hơn 4,2 tỷ). Hỗ trợ 100% kinh phí để mua thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá và kinh phí thuê bao năm đầu tiên (hơn 17 tỷ); phần còn lại hỗ trợ kinh phí để trang bị máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm; thiết bị dùng trong khai thác thủy sản…
Trong thời gian qua Chi cục thủy sản đã chủ động phối hợp với các địa phương, Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chấp hành các quy định về ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản, chấm dứt tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Đến nay có 567/588 tàu cá có chiều lớn nhất từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; 21 tàu chưa lắp đặt (nguyên nhân do 20 tàu hiện tạm ngừng hoạt động; 01 tàu cháy chưa khắc phục). Từ năm 2007 đến nay, Đà Nẵng không có tàu cá nào vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ xử lý.
Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng cho hay, thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn ngư dân các nội dung trong IUU; quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình; hướng dẫn các nội dung sửa đổi, bổ sung như sổ nhật ký khai thác, sổ danh bạ thuyền viên, quy định thuyền viên tàu cá theo nhóm tàu, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản… để ngư dân kịp thời nắm bắt và thực hiện.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản và các quy định của pháp luật về quản lý tàu thuyền; tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản; cơ sở dữ liệu quản lý nghề cá; các biện pháp bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tàu cá khai thác hải sản trên biển và khi ra vào cảng cá; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, đặc biệt là tàu cá vi phạm trái phép vùng biển nước ngoài, tàu cá không lắp đặt hoặc không bật thiết bị giám sát hành trình; vi phạm về nhật ký khai thác thủy sản và xuất nhập bến.
Từ năm 2019 đến nay, đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính về không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình tàu cá đối với 48 tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình 10 ngày trở lên với tổng số tiền là 1,2 tỷ đồng.