Nhiều giáo viên, nhà giáo dục, văn nghệ sĩ… đã đồng loạt lên tiếng kêu gọi bảo vệ nữ sinh được cho là làm bài thi văn 21 trang khi em bị “ném đá”, tấn công trên mạng xã hội.
Từ bài thi được cho là dài 21 trang giấy, nữ sinh trở thành nạn nhân bị bạo lực trên mạng xã hội. (Ảnh minh họa) |
Sự việc râm ran nhiều ngày qua, sau thông tin nữ sinh Nguyễn Trần Ban Mai ở Hà Tĩnh làm bài thi ngữ văn trong kỳ thi vào lớp 10 dài 21 trang giấy, được chấm 9,75 điểm.
Cùng với điểm toán 8,5, tiếng Anh 8,25, và điểm môn chuyên 9, nữ sinh này trở thành thủ khoa đầu vào lớp chuyên văn, Trường THPT chuyên Hà Tĩnh.
Chi tiết được nhiều người quan tâm là bài thi văn 21 trang giấy (tức hơn 5 tờ giấy thi). Từ những tò mò, ngạc nhiên, thắc mắc “viết gì mà viết lắm thế”, trên mạng xuất hiện những bình phẩm tiêu cực về bài thi và tấn công cá nhân em học trò 15 tuổi “nhiều chữ”.
Đặc biệt, bài viết của một vị tiến sĩ lớn tuổi là giảng viên đại học về bài thi 21 trang nhắm vào nữ sinh đậu thủ khoa đó làm dấy lên làn sóng bức xúc.
Từ nhận định bài văn 21 trang được viết “nhanh như một cái máy chạy chữ tự động”, vị tiến sĩ này dùng nhiều ngôn từ, suy đoán xúc phạm nữ sinh này như “không có não”, “cái tay nhanh hơn cái não”, “ra đời bốc phét”… đăng kèm hình ảnh cô bé.
Đáng nói, cũng như nhiều sự việc khác được đưa lên mạng xã hội, bài viết mang tính xỉa xói, chê bai, tấn công cá nhân nữ sinh 15 tuổi lại nhận nhiều hưởng ứng, cỗ vũ và cả “góp vui” bằng nhiều lời lẽ, bình phẩm.
Hàng ngàn lượt like, cả trăm bình luận, trong đó có cả những người lớn, nhiều người trong giới trí thức thỏa sức phê phán, chê bai, tấn công một đứa trẻ không tội tình gì.
Trước sự tấn công đó, nhiều giáo viên, nhà giáo dục, giới văn nghệ sĩ… đã đồng loạt lên tiếng bảo vệ em nữ sinh.
Nhà giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, người được Forbes Việt Nam bầu chọn là một trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2023 cho hay, phản biện tích cực chính là những đóng góp từ cái nhìn đa chiều, giúp ai đó nhìn nhận lại việc mình làm nhằm cải tiến hoặc sửa chữa tốt hơn.
Bà Quyên nêu quan điểm, không ai có quyền chê bai quan điểm của người khác và áp đặt quan điểm của mình.
Tuy nhiên, khi bạn muốn bình luận về một “tài sản riêng” của người khác nên sử dụng văn phong nhẹ nhàng và khách quan. Cách dùng từ bỉ bôi nặng nề là không phù hợp, nhất là với người làm giáo dục.
Nhà giáo này cũng băn khoăn, không hiểu từ bao giờ, mọi người lại tự cho mình cái quyền phán xét người khác theo kiểu thô bạo và phiến diện như vậy.
Bà cũng đề cập về khảo sát của Microsoft thì Việt Nam hiện rơi vào top 5 quốc gia cư xử kém văn minh trên mạng xã hội nhất thế giới.
“Ngay cả các trí thức mà cũng mạt sát một đứa trẻ để thể hiện bản thân như vậy thì hỏi sao nhiều người sẵn sàng lao vào chửi rủa dọa dẫm nhau chỉ vì bất đồng quan điểm”, bà Quyên chia sẻ.
Chụp lại bài viết của vị tiến sĩ tấn công nữ sinh nói trên, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, nguyên hiệu trưởng một trường học ở Cà Mau cho hay, bà đắn đo có nên chụp nguyên xi bài viết, trong đó có hình ảnh cháu bé hay không? Mục đích chụp để thấy sự hèn của những người lớn khi tấn công một đứa trẻ. Nhưng cuối cùng, bà vẫn quyết định cắt hình ảnh cô bé đi.
Bởi theo bà, mớ ngôn ngữ mỉa mai, đay nghiến, bỉ bôi vị tiến sĩ đã tuôn ra không thể một lần nữa đi kèm với cháu bé.
Bà Hà khẳng định: “Tôi mà là mẹ của cháu, tôi sẽ kiện người này ra tòa vì hành vi xúc phạm, sỉ nhục nhân phẩm người khác”.
Nữ nhà văn phân tích, thông tin cháu bé viết văn 21 trang và 21 trang đó hay dở như thế nàom điều rõ ràng là kết quả đánh giá bài viết 9,75 điểm không phải do cháu chọn. Bất cứ ai cũng không đủ tư cách mạt sát cháu bé hay đưa cháu ra làm “mồi nhậu” trên mạng.
Bà Hà cho biết đã muốn trực tiếp nêu ý kiến đó dưới bài viết tấn công cháu bé nhưng lại bị tác giả khóa comment (bình luận).
“Cần thêm một tiếng nói, thêm một sự phản đối để Ban Mai được bảo vệ trước lời lẽ kỳ thị của một người lớn làm giáo dục có 3.700 người tương tác trên trang cá nhân, hơn 100 comment bình phẩm, sỉ nhục cháu”, nữ nhà văn bức xúc.
Trên mạng xã hội, rất nhiều người cũng lên tiếng kêu gọi “bảo vệ Ban Mai”. Bởi cô bé đang bị bạo hành, xỉ nhục từ không ít người lớn tự cho mình giỏi hơn người khác, tài năng hơn người khác, chà đạp, sỉ nhục người khác.
Có người phải thốt lên rằng, đó là những người lớn tuổi tị hiềm, nhỏ nhen khi không thể chấp nhận nổi việc người trẻ giỏi giang hơn mình, tài năng hơn mình, khác biệt với mình…
Thầy Nguyễn Ngọc Toàn, giáo viên dạy văn ở TP. Hồ Chí Minh cho hay, không có quy định nào cấm học sinh đi thi viết bài văn 1 trang hay 50 trang, đề thi cũng không giới hạn vấn đề này. Bởi vậy, điều tối thiểu chúng ta có thể làm là tôn trọng các em.
Khi điều tối thiểu này những người lớn không làm được thì thứ cần xem lại không phải là bài văn hay em học sinh đó mà chính là những người lớn nhỏ nhen, méo mó.