Đây là chia sẻ của ông Phạm Ngọc Thái, Phó GĐ Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Bình Định về mô hình Đài truyền thanh thông minh.

Đầu tư công nghệ hiện đại

-Ông có thể nói rõ hơn về sự chuyển đổi thì mô hình Đài truyền thanh truyền thống sang Đài truyền thanh thông minh có sự khác biệt như thế nào?

Trước đây, đài truyền thanh FM chất lượng sóng kém, bộc lộ nhiều hạn chế. Cán bộ truyền thanh muốn vận hành phải lên tận đài bật máy, đợi phát xong để tắt thiết bị. Còn với đài thông minh, quản lý qua các nền tảng số, họ có thể quản lý trên máy tính, điện thoại. Chỉ cần thiết bị kết nối với đài và kết nối internet thì ở bất cứ đâu cũng có thể vận hành được. Bên cạnh đó, có thể cài đặt được giờ phát. Đó là những ưu điểm về mặt kỹ thuật.

Còn về vận hành, trước đây, phóng viên, biên tập viên của đài đi viết tin, sau đó đọc, thu âm để phát. Nay chỉ cần nhập nội dung thông tin thì đài sẽ tự động chuyển văn bản thành giọng nói và phát luôn. Một điểm rất hay nữa là chúng ta có thể chọn được tốc độ đọc, chọn được giọng nói của nam hay nữ, giọng miền Trung hay giọng miền Bắc…

ongThai pgdso.jpg

Ở cấp xã, một người có thể đáp ứng cả 3 việc, vừa viết, vừa đọc và vận hành được thiết bị là rất khó. Khi có đài truyền thanh thông minh sẽ giải quyết được những vấn đề đó. Hiện nay, đài truyền thanh thông minh đã đầu tư ở 138/155 xã ở Bình Định. Trong năm 2025 Bình Định sẽ tiếp tục đầu tư ở các xã còn lại.

Sở đang quản lý và vận hành hệ thống thông tin nguồn cho đài truyền thanh thông minh. Khi có văn bản gấp về bão, lũ, thay vì chuyển trực tiếp đến từng huyện, xã để họ tạo một bản tin thì chúng tôi có thể chủ động, truyền tải thông tin một cách nhanh chóng.

– Việc xây dựng nguồn dữ liệu hay còn gọi là thông tin nguồn cho vận hành thông suốt mô hình Đài truyền thanh thông minh đã được Sở TT&TT chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi chuẩn bị các nội dung thông tin và phối hợp cùng với đài, báo. Ngoài ra, còn có thông tin từ các sở ngành cung cấp. Ví dụ khi có dịch bệnh, chúng tôi sẽ yêu cầu Sở Y tế cung cấp thông tin các nội dung, cách phòng chống để tuyên truyền và lựa chọn thời điểm phát thích hợp.

dai truyen thanh tuyen xa.jpg

Khi nhận các công điện, văn bản… chúng tôi sẽ nhập dữ liệu vào phần mềm chuyển thành giọng nói và phát trên toàn tỉnh hoặc có thể tuỳ chọn. Chẳng hạn thông tin sạt lở cần đến các huyện miền núi, thông tin về triều cường đối với các huyện ven biển… Đài truyền thanh thông minh sẽ cho phép từng cụm loa được lựa chọn phát nội dung thông tin khác nhau, tuỳ nhu cầu, mong muốn.

Tiếp tục phát triển mô hình đài truyền thanh thông minh

– Như ông trao đổi thì việc vận hành mô hình Đài truyền thanh thông minh không chỉ đáp ứng nhu cầu người nghe mà còn giúp tiết kiệm rất nhiều nhân lực?

Trước đây, 1 bản tin chỉ đạo về 155 xã phường cần 155 người làm. Còn với đài truyền thanh thông minh, chỉ cần 1 người có thể làm thay tất cả.

loa phuong.jpg

Hiện nay, các thông tin lớn, thông tin chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi sẽ làm. Còn ở dưới địa phương, họ sẽ lựa chọn các thông tin địa phương mình cần tuyên truyền. Trước đây đài FM phát thì toàn bộ huyện phải nghe, còn nay có thể chọn lọc thông tin. Chính vì vậy, thông tin đến với người dân hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin.

Ví dụ thông tin kêu gọi công dân nhập ngũ, nếu chưa có đài truyền thanh thông minh, cán bộ sẽ đọc danh sách, phát toàn xã. Còn nay có thể phát theo từng khu vực mà có công dân nhập ngũ. Còn ở những cụm loa khác phát các chương trình khác.

– Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền – Diệu Thùy (thực hiện)