Ngành bán lẻ đang phục hồi mạnh mẽ
Ngành bán lẻ Việt Nam, một trong những lĩnh vực kinh tế năng động nhất, đã tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua và đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Theo Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.098,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng với dân số trong độ tuổi lao động cao. Cùng với đó, sức mua của thị trường nội địa, thu nhập trung bình và số lượng người giàu tại Việt Nam cũng gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Báo cáo của công ty nghiên cứu xu hướng tài sản và di cư toàn cầu New World Wealth (Nam Phi) và công ty về lĩnh vực định cư, quốc tịch thông qua đầu tư Henley & Partners (Thụy Sĩ) cũng cho thấy, số lượng triệu phú tại Việt Nam (người có giá trị tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên) đã tăng 98% trong giai đoạn 2013-2023, nhanh nhất thế giới.
Cùng với đó, du lịch Việt Nam ghi nhận khả năng phục hồi tốt trong giai đoạn hậu đại dịch, đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành bán lẻ. Số liệu của Cục Du lịch Quốc gia chỉ ra, Việt Nam đón hơn 1,2 triệu lượt khách quốc tế vào tháng 6 vừa qua. Luỹ kế 6 tháng đạt hơn 8,8 triệu lượt, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Những yếu tố này đã thúc đẩy nhu cầu hiện diện, mở rộng của các thương hiệu quốc tế tại thị trường Việt Nam.
Đáp ứng nhu cầu của thị trường, nguồn cung bất động sản bán lẻ nhìn chung duy trì đà tăng trưởng. Đến quý II/2024, nguồn cung tại TP HCM đạt gần 1,5 triệu m2 diện tích cho thuê, tăng 2% theo quý. Dự kiến đến năm 2026, thị trường sẽ có hơn 188.000 m2 sàn từ 12 dự án. Tại Hà Nội, tổng nguồn cung giảm 1% theo quý nhưng vẫn tăng 4% theo năm, chủ yếu do Robin Department Store đóng cửa. Đồng thời trong 5 năm qua, nguồn cung đạt mức tăng trưởng trung bình 3%/ năm.
Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội, nhu cầu thuê tại các trung tâm thương mại đang ở mức cao. Trong quý vừa qua, thị trường Hà Nội ghi nhận nhiều giao dịch sôi động tại các TTTM, đặc biệt là ngành F&B. Điển hình, thương hiệu 4P’s mở rộng gấp đôi diện tích cửa hàng tại Lotte Center Hà Nội.
Thương hiệu Gye Shige, chuỗi cửa hàng nướng Nhật Bản, đã khai trương địa điểm đầu tiên tại Hà Nội trong dự án Lancaster Luminaire sau khi được đón nhận nồng nhiệt tại TP. HCM. Ở TP. HCM, dự án mới Vincom Mega Mall Grand Park có tỷ lệ hấp thụ tốt, chiếm 65% tổng lượng tiêu thụ toàn thị trường.
Thương hiệu mới cạnh tranh mặt bằng thuê
Tuy nhiên, bà Minh phân tích, không phải mọi TTTM đều thành công trong việc thu hút và giữ được khách thuê. Ngược lại, các thương hiệu mới cũng gặp không ít thách thức khi tìm kiếm diện tích thuê tại đây.
Báo cáo quý II của Savills cho thấy tại thị trường Hà Nội, công suất thuê giảm 3 điểm % so với quý trước và 2 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 84%. Trong khi đó, khối đế bán lẻ ghi nhận mức tăng 7% theo năm, nhưng công suất các TTTM lại giảm 4 điểm %. Riêng các trung tâm bách hóa vẫn duy trì mức công suất ổn định trong suốt năm qua.
Diện tích cho thuê giảm 49.800 m2, trong đó, trung tâm mua sắm có mức giảm đáng kể 54.000 m2. Khối đế bán lẻ có diện tích cho thuê thêm lớn nhất với 13.900 m2.
Bà Minh cho biết: “Công suất thuê tại TTTM giảm dù nhu cầu vẫn cao, là do TTTM đang trong quá trình thay đổi các thương hiệu. Cùng với đó, nhiều TTTM được triển khai dưới dạng khối đế của tòa chung cư. Mô hình này không hấp dẫn với các nhà bán lẻ bằng các khu TTTM lớn, đặc biệt là với thương hiệu thuộc ngành thời trang, mỹ phẩm, nhà hàng”.
Loại hình khối đế bán lẻ chủ yếu thu hút các thương hiệu phòng gym, cà phê. Tuy nhiên, không gian tại đây thường kèm nhiều cột hay các lối thang máy phục vụ căn hộ khiến chúng kém hấp dẫn hơn so với các TTTM lớn như Lotte Mall, Vincom Retail, Aeon Mall. Những nơi này được đầu tư kỹ lưỡng về phân bổ khách thuê và truyền thông, tạo ra môi trường mua sắm, giải trí thu hút hơn.
Theo chuyên gia của Savills, giá thuê tăng cũng là một thách thức trong việc tìm thuê mặt bằng đối với các thương hiệu, đặc biệt là những thương hiệu mới. Tại Hà Nội, giá thuê gộp tầng trệt đã tăng 2% theo quý và 13% theo năm. Giá thuê TTTM tại khu vực trung tâm đã tăng từ 3,1 triệu đồng/m2/tháng lên 3,4 triệu VNĐ/m2/tháng, trong khi tại các trung tâm bách hóa, giá thuê đạt 2 triệu đồng/m2/tháng.
Để giải quyết tình trạng còn diện tích trống nhưng thương hiệu mới vẫn khó tìm được vị trí phù hợp, bà Minh khuyến nghị: “Chủ đầu tư cần có chiến lược danh mục khách thuê bài bản, đảm bảo cân bằng giữa các nhóm mua sắm tiêu dùng, vui chơi giải trí, đáp ứng theo nhu cầu của thị trường để thu hút khách thuê. Đồng thời, các doanh nghiệp này cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng về nhân khẩu học với từng khu vực để đảm bảo phương án cho thuê tối ưu. Ở góc độ khác, đơn vị quản lý vận hành cũng cần chú trọng đến dịch vụ quản lý, các chương trình marketing – quảng cáo, hoạt động vui chơi giải trí nhằm kích cầu, các chính sách, chương trình hỗ trợ giá… để đảm bảo lượng khách đến TTTM”.
Ví dụ như tại Vincom Mega Mall Grand Park, sau 1 tháng đi vào hoạt động, dự án này đã có sự góp mặt của gần 100 thương hiệu nổi tiếng, đa dạng ngành hàng và đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm mỗi ngày.
Nguồn: https://www.congluan.vn/nhieu-thuong-hieu-moi-gap-thach-thuc-khi-tim-mat-bang-ban-le-tai-thi-truong-viet-nam-post309810.html