Trúng tuyển ít nhất vào 1 trường
ĐH Kinh tế TP.HCM hôm 20.6 công bố điểm chuẩn của các phương thức xét tuyển sớm gồm xét tuyển học sinh giỏi, xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn, xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Tương tự, nhiều trường ĐH như Giao thông vận tải, Việt Đức, Ngân hàng TP.HCM, Luật TP.HCM cũng đã công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm trong những ngày vừa qua, giúp nhiều thí sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 với tâm thế “nhẹ gánh” vì đã “nửa chân” vào ĐH, chỉ cần tránh điểm liệt là sẽ trở thành tân sinh viên của ngôi trường mình yêu thích.
Như Phạm Gia Bảo, học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh), cho biết em đã trúng tuyển vào ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM) bằng phương thức xét học bạ từ 2 tháng trước nên hiện tại chỉ “thi tốt nghiệp là xong”. “Em cảm thấy đỡ áp lực hơn rất nhiều, tuy nhiên cũng cố học hết mở, kết bài và một số luận điểm của các tác phẩm để chuẩn bị cho môn ngữ văn ngày mai”, nam sinh kể.
Tương tự, Võ Quốc An, học cùng trường, cũng chia sẻ em chỉ đi thi với tâm thế đậu tốt nghiệp vì đã trúng tuyển sớm vào Trường ĐH Công nghệ TP.HCM ở phương thức xét học bạ. “Em chỉ cần thi đạt điểm trung bình thôi, không kỳ vọng cao, đậu là được. Riêng môn ngữ văn, em ‘cược’ tất cả vào 3 tác phẩm là Việt Bắc (Tố Hữu), Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm) và Sóng (Xuân Quỳnh)”, An nói.
Không nằm ngoài “xu hướng”, nhóm bạn Thái Thùy Linh, Đồng Xuân Nhi và Trần Lê Anh Thư, đều học Trường THPT Phan Đăng Lưu, cho biết đã trúng tuyển sớm ở ít nhất một trường ĐH tư thục như Hồng Bàng, Văn Lang… trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Song, trong khi Anh Thư “chốt” nhập học Học viện hàng không Việt Nam, Thùy Linh và Xuân Nhi lại khẳng định sẽ cố gắng thi tốt hơn nữa để có cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH công lập như Y dược TP.HCM.
Trúng tuyển sớm, nhưng vẫn lo
Không riêng Thùy Linh hay Xuân Nhi, một số thí sinh khác dù trúng tuyển sớm nhưng cũng quyết tâm vươn đến những nguyện vọng khác mà các bạn cho rằng “cao hơn” qua điểm thi tốt nghiệp THPT. Như Lê Minh Thư, học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu, hy vọng sẽ đạt điểm từ 8 – 9 ở các môn ngữ văn, tiếng Anh để thành tân sinh viên ngành thiết kế đồ họa của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, dù trước đó đã trúng tuyển vào trung tâm Arena Multimedia.
“Em đang thấy cực kỳ áp lực vì điểm vẽ thi vừa rồi không như ý. Dù liên tục nghe nhạc, hít thở sâu để trấn an bản thân nhưng em thấy không giúp ích được gì”, Thư bộc bạch.
Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), Trần Minh Phát, học sinh Trường THPT Nguyễn Du, cho biết em cũng trúng tuyển sớm đồng thời vào ngành ngân hàng của ĐH Kinh tế TP.HCM và Viện Đào tạo quốc tế của ĐH này. “Từ lúc nộp đơn xét tuyển đến khi có điểm chuẩn, ngày nào em cũng thấp thỏm chờ. Thế nên, thời điểm nhận tin trúng tuyển sớm khi chỉ dư đúng 3 điểm, em mừng hét lớn luôn vì đây chính là nguyện vọng 1”, nam sinh kể.
Dù đã vào được ngành như ý, song Phát nhìn nhận em sẽ không “buông tay” với kỳ thi tốt nghiệp THPT mà tiếp tục đặt mục tiêu đạt điểm 9 – 9,5 các môn thi để nhắm tới suất học bổng của trường. “Em dự định thi tốt nhất có thể trong khả năng của mình để có kết quả tốt nhất, đồng thời tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để tăng mức độ cạnh tranh của hồ sơ”, Phát nhấn mạnh.
Cũng trúng tuyển sớm vào ĐH Kinh tế TP.HCM nhưng ở ngành tài chính, Huỳnh Gia Bảo, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (Phú Yên), nói em vẫn chú trọng thi tốt nghiệp THPT để có thêm lựa chọn ngành học. “Hồi THPT em bén duyên với nhiều hoạt động ngoại khóa liên quan đến thiết kế, truyền thông nên em khá thích việc chạy sự kiện và cũng muốn theo đuổi ngành truyền thông số hoặc thiết kế đa phương tiện. Mẹ em cũng mong em dấn thân vào các ngành học sáng tạo này”, Bảo chia sẻ.
Sáng mai (27.6), thí sinh sẽ dự thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn trong vòng 120 phút với cấu trúc đề thi gồm 2 phần: đọc hiểu (3 điểm) và làm văn (7 điểm). Buổi chiều cùng ngày, thí sinh dự thi môn toán trong vòng 90 phút.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhieu-thi-sinh-mung-het-lon-ngay-truoc-ngay-thi-tot-nghiep-thpt-2024-vi-sao-185240626200855827.htm