Gai đen thường thấy ở những người mắc bệnh béo phì. Thế nhưng nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác cũng có nguy cơ dẫn đến tình trạng gai đen trên cơ thể, khó điều trị dứt điểm.
Có thể liên quan đến khối u
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Đoàn Thị Thùy Dung, chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Gia An 115, gai đen là loại bệnh đặc trưng bởi tổn thương tăng sắc tố. Khi mắc phải, vùng da đối xứng hai bên ở vị trí các nếp gấp trên cơ thể như nách, bẹn, cổ, lưng… thường dày lên, có màu nâu nhạt hoặc nâu đen sẫm.
Bác sĩ Thùy Dung cho biết, gai đen có 5 thể bệnh như sau:
Gai đen do di truyền (loại 1): Khi nội tiết tố cơ thể thay đổi, bệnh rất dễ xuất hiện và sẽ mất dần khi hết lứa tuổi dậy thì.
Gai đen thuộc các hội chứng khác (loại 2): Trong trường hợp này, việc tổn thương da như bệnh gai đen chỉ là một biểu hiện đi kèm của các hội chứng như: Kháng insulin máu, hội chứng Cushing, hội chứng Crouzon, Down, buồng trứng đa nang…
Gai đen liên quan đến béo phì (loại 3): Thường gặp nhất, có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, phần lớn là ở người trưởng thành. Béo phì cũng thường có nguyên nhân từ rối loạn insulin.
Gai đen do thuốc (loại 4): Thể bệnh này hiếm gặp. Một số loại thuốc dùng để điều trị bệnh tiểu đường, ung thư, cholesterol cao, viêm nhiễm, rối loạn nội tiết… có thể gây ra tình trạng gai đen.
Gai đen liên quan đến khối u (loại 5): Khi cơ thể có khối u, khả năng xuất hiện tổn thương gai đen, dày sừng và tăng sắc tố ở da hoặc niêm mạc tăng lên, trong đó 25-50% có tổn thương xuất hiện ở lưỡi, môi. 90% các trường hợp liên quan đến ung thư đường tiêu hóa như dạ dày, tụy, ruột…
Tiềm ẩn nhiều chứng bệnh nguy hiểm
Nói về mức độ nguy hiểm của các thể bệnh gai đen, bác sĩ Thùy Dung cho hay: “Bệnh nhân mắc bệnh gai đen ở mức độ loại 1 thì có ít hoặc không có biến chứng về da, tiên lượng tốt và có khả năng phục hồi sau điều trị. Tuy nhiên, với những trường hợp mắc bệnh gai đen ở các loại còn lại, người bệnh đứng trước nhiều mối nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời”.
Bệnh gai đen có thể gây quá sản (tăng sinh một cách bất thường) các dạng u nhú lành tính ở da và niêm mạc. U mềm treo (còn được gọi với tên quen thuộc là mụn thịt dư) cũng thường xuất hiện ở xung quanh vùng tổn thương tăng sắc tố.
Ngoài ra, người mắc gai đen còn có khả năng bị tăng sắc tố ở niêm mạc mắt, miệng, mũi, thanh quản và quầng vú. Nghiêm trọng hơn, gai đen gây nguy cơ mắc một số bệnh khác liên quan tới thận, tuyến giáp, thực quản, gan, trực tràng, khí quản…
Điều trị và phòng ngừa gai đen
Bệnh gai đen có thể được điều trị bằng nhiều biện pháp dựa vào các nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Nếu nghi ngờ phát sinh bệnh do dùng thuốc đặc trị nào đó, bệnh nhân có thể thử ngừng thuốc để giải quyết tình trạng tăng sắc tố đen trên da.
Ngoài ra, việc điều trị hội chứng tiềm ẩn có liên quan đến bệnh gai đen cũng có thể giải quyết phần nào tình trạng bệnh tùy theo mức độ nặng, nhẹ. Trong trường hợp gai đen đã được kích hoạt bởi khối u, việc tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u sẽ giúp cải thiện được bệnh, các vùng da bị tổn thương cũng sẽ được làm sạch.
Bác sĩ Thùy Dung nói thêm, nếu vùng da bị bệnh xuất hiện các vết loét và trở nên khó chịu hơn hoặc bắt đầu có mùi hôi, một số phương pháp sau có thể được chỉ định:
- Thoa kem theo toa để làm sáng hoặc làm mềm các vùng da bị ảnh hưởng.
- Dùng xà phòng có tính kháng khuẩn với lực nhẹ để tránh vùng da tổn thương bị cọ xát làm bệnh trầm trọng hơn.
- Thoa thuốc kháng sinh.
- Thuốc trị mụn đường uống.
- Liệu pháp laser để làm giảm độ dày của da.
Để hạn chế bệnh gai đen phát triển nặng hơn, người bệnh cần phải thực hiện chế độ tập luyện phù hợp, tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn lành mạnh, cắt giảm lượng calorie nạp vào cơ thể, tránh tình trạng béo phì. Bên cạnh đó, việc phát hiện và điều trị sớm các bệnh liên quan tới khối u, tiểu đường, insulin cũng rất quan trọng trong việc phòng ngừa hoặc cải thiện bệnh gai đen.
Nguồn: https://thanhnien.vn/gai-den-nhieu-the-benh-nguy-hiem-khong-nen-xem-thuong-18524110618015183.htm