Khi có chính sách phù hợp không những giải quyết được những thách thức mà có thể tận dụng những lợi ích mà già hóa dân số mang lại. |
Trước những tác động của tình trạng già hóa dân số, Liên hiệp quốc kêu gọi các nước xem xét lại quyền và phúc lợi của người cao tuổi, trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số tăng nhanh đặt ra nhiều thách thức ở mỗi quốc gia.
Theo báo cáo vừa công bố của Ủy ban Các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hiệp quốc, già hóa dân số là một xu hướng mang tính toàn cầu.
Theo thống kê của Liên hiệp quốc, năm 2021, thế giới có 761 triệu người từ 65 tuổi trở lên, con số này dự kiến tăng lên 1,6 tỷ người vào năm 2050.
Ở khu vực Đông Nam Á, tại Singapore ước tính đến năm 2030, cứ 4 công dân nước này sẽ có 1 người từ 65 tuổi trở lên. Thực ra, Singapore đã trở thành nước có dân số già từ năm 2017 và dự kiến trở thành nước có dân số siêu già vào năm 2026.
Già hóa dân số ảnh hưởng sự bền vững của hệ thống phúc lợi xã hội, tạo áp lực lên hệ thống y tế, dẫn đến thiếu hụt lao động tại đây.
Năm 2022 vừa qua, với 15,8 triệu người (chiếm 22% tổng dân số) có độ tuổi từ 60 trở lên, Thái Lan đã trở thành “xã hội già hóa”.
Theo kết quả của một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn Thái Lan vừa công bố, quốc gia này đang có nguy cơ trở thành một xã hội siêu già vào năm 2029 do sự sụt giảm về dân số trong 3 năm qua.
Các báo cáo cũng cho thấy, tốc độ già hóa dân số nhanh đang tạo ra những tác động tiêu cực tới lực lượng lao động của Thái Lan.
Sự thay đổi này có thể khiến lực lượng lao động Thái Lan giảm với tốc độ khoảng 5 %/năm trong giai đoạn 2020-2060 với mức giảm tổng cộng lên tới 14,4 triệu người.
Điều này sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức cạnh tranh cũng như sự phát triển của nền kinh tế Thái Lan. Ngoài ra, số lượng người cao tuổi gia tăng sẽ gây sức ép lên quỹ lương hưu và trợ cấp cho người già.
Theo đánh giá của Liên hiệp quốc, ở góc độ vĩ mô già hóa dân số đang tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, gồm: thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về các hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe…
Trong những năm qua, ý thức được xu thế này, Chính phủ Thái Lan đã triển khai nhiều biện pháp để thích nghi với tình hình như nghiên cứu sửa đổi luật lương hưu, nâng mức trợ cấp cho người già.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ y tế, đã bắt đầu điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình để phục vụ tốt hơn cho khách hàng cao tuổi.
Ngoài y tế, các sản phẩm thực phẩm chức năng và y tế, vật dụng thời trang cho người tiêu dùng cao tuổi cũng đang bắt đầu trở nên phổ biến hơn.
Tại Singapore đã áp dụng nhiều chính sách từ sớm để thích ứng xu hướng không thể tránh khỏi này và đang thúc đẩy các giải pháp mới nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho một xã hội siêu già trong vài năm tới.
Theo đó, Chính phủ Singapore đã sớm hoạch định các chính sách về cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe, tăng dần tuổi nghỉ hưu, quy hoạch đô thị, phát triển kinh tế. Sau khi đã nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 63, Singapore tiếp tục lộ trình nâng độ tuổi nghỉ hưu lên 65 vào năm 2030.
Ngoài ra, Singapore cũng sẽ nâng độ tuổi lao động của người cao tuổi có đủ điều kiện và mong muốn tiếp tục làm việc từ 68 hiện nay lên 70 vào năm 2030.
Các chính sách này sẽ góp phần cải thiện tình trạng thiếu hụt lao động, đồng thời tạo cơ hội để người cao tuổi tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của Singapore.
Các chuyên gia của Liên hiệp quốc cho rằng, để thích ứng với già hóa dân số giới chức trách cần xem xét lại hệ thống bảo trợ xã hội, trong đó có chương trình lương hưu.
Một trong những thách thức lớn là duy trì sự bền vững tài chính của hệ thống lương hưu công, bảo đảm thu nhập cho người cao tuổi.
Già hóa dân số đặt ra thách thức về kinh tế và xã hội, song chính sách phù hợp sẽ tạo điều kiện để các cá nhân, gia đình và xã hội cùng giải quyết những thách thức này và tận dụng được những lợi ích mà tình trạng già hóa dân số mang lại.
BÙI THANH (theo nhandan.vn)