Trong một báo cáo mới nhất, Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ (CRS) cho rằng Mỹ, Anh và Australia phải đối mặt với các thách thức trong triển khai trụ cột 2 của Hiệp ước đối tác an ninh 3 bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS).
Báo cáo của CRS khẳng định, AUKUS ra đời từ tháng 9-2021 nhằm thúc đẩy “một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, an toàn và ổn định”. Chính phủ các nước Mỹ, Anh và Australia đều xác định AUKUS là một phần quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia của mình. AUKUS được chia thành hai trụ cột. Trụ cột 1 là cung cấp cho Australia các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trụ cột 2 là hợp tác phát triển “các năng lực quốc phòng tân tiến” liên quan tới 8 lĩnh vực, gồm: Các năng lực dưới biển, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI), các năng lực mạng tân tiến, các năng lực siêu thanh và chống vũ khí siêu thanh, tác chiến điện tử, đổi mới sáng tạo và chia sẻ thông tin. Chính phủ các nước Mỹ, Anh và Australia điều phối những lĩnh vực này thông qua các nhóm công tác.
Báo cáo của CRS nhấn mạnh, để đạt mục tiêu đề ra của AUKUS, các nhóm công tác kể trên tham gia vào hàng loạt hoạt động mà Lầu Năm Góc gọi là “hợp tác quốc tế về vũ khí” như: Trao đổi thông tin kỹ thuật; trao đổi nguồn nhân lực quân sự và dân sự; tham gia các dự án hợp tác nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và đánh giá; các nỗ lực mua sắm chung cùng những quan hệ đối tác mua sắm khác… Trái ngược với trụ cột 1 của AUKUS vốn có thể mất nhiều thập niên mới đem lại kết quả, trụ cột 2 được Mỹ, Anh và Australia kỳ vọng mang tới “những bước tiến về năng lực sớm hơn”.
Báo cáo nêu rõ nhiều chuyên gia phân tích và nhà hoạch định chính sách, trong đó có cả các nghị sĩ tại Đồi Capitol, đánh giá các quy định hiện nay của Mỹ về hạn chế xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng-vốn nhằm “bảo vệ các công nghệ và duy trì lợi thế của binh lính Mỹ”-có thể là rào cản đối với các nỗ lực triển khai thực hiện trụ cột 2 của AUKUS. Để giải quyết tình trạng này, nhiều ý kiến đề xuất cần có “những điều chỉnh tối thiểu” về các quy trình cấp phép xuất khẩu và chia sẻ công nghệ quốc phòng của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Australia Anthony Albanese công bố thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ AUKUS, tháng 3-2023. Ảnh: AP |
Cũng có một số ý kiến đề nghị các bên tham gia AUKUS cần được Mỹ “miễn hoàn toàn” những hạn chế kể trên với lý do trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh từng có các tiền lệ cho phép Washington chia sẻ những thông tin hạt nhân nhạy cảm với London. “Quy mô và sự đa dạng các hoạt động trong khuôn khổ trụ cột 2 của AUKUS có thể tạo ra nhiều thách thức đối với Chính phủ các nước Mỹ, Anh và Australia. Mỗi một lĩnh vực trong trụ cột 2 của AUKUS là tương đối rộng, liên quan tới hàng loạt chương trình, các bên tham gia và các ứng dụng tiềm năng khác nhau”, báo cáo của CRS nhấn mạnh.
Nhấn mạnh tới tác động của AUKUS đối với các ưu tiên của Quốc hội Mỹ, CRS đề xuất Đồi Capitol thực hiện giám sát sự phối hợp hoạt động trong AUKUS giữa Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh Quốc gia và các cơ quan liên quan của Chính phủ Mỹ. CRS khuyến nghị Quốc hội Mỹ có thể xem xét bổ sung các lĩnh vực mới vào trụ cột 2 của AUKUS thông qua việc thành lập các nhóm công tác mới hoặc tăng thêm trách nhiệm cho các nhóm công tác hiện có. Đồi Capitol cũng có thể đánh giá xem có hay không chuyện các nhóm công tác của Washington trong AUKUS hiện nay hoạt động kém hiệu quả hoặc triển khai những hoạt động “không cần thiết đối với các yêu cầu về quốc phòng của Mỹ” nhằm xác định phạm vi hoạt động của các nhóm này.
“Quốc hội Mỹ cũng có thể xem xét việc yêu cầu Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao mở rộng trụ cột 2 của AUKUS nhằm bổ sung thêm các nước khác tham gia, nhất là New Zealand và Canada (hai thành viên còn lại của liên minh tình báo “Ngũ nhãn”). Khi xem xét liệu rằng việc mở rộng trụ cột 2 của AUKUS có nằm trong lợi ích của Mỹ hay không, Quốc hội cần cân nhắc các lợi ích tiềm năng, như năng lực của các nước thành viên mới, so với những bất lợi tiềm tàng, như tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp Mỹ bởi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài”, CRS đề xuất.
HOÀNG VŨ