Nhiều siêu thị cho biết hàng bán trên quầy kệ đều phải qua nhiều tầng lớp kiểm tra, cơ quan chức năng cũng khẳng định có kiểm tra. Vậy tại sao vẫn có những trường hợp thực phẩm bẩn “lọt” vào kênh bán lẻ này?
Qua câu chuyện giá ngâm chất cấm được Bách Hóa Xanh bán ra, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một hệ thống phân phối lớn thừa nhận dù nhà cung cấp đã được sàng lọc nhưng hiện nay việc kiểm soát hàng hóa vào siêu thị không dễ nếu siêu thị sợ tốn tiền cho khâu kiểm soát.
Không kiểm nghiệm thì không ổn
“Mỗi năm chúng tôi tốn hàng chục tỉ đồng chỉ để lấy mẫu kiểm nghiệm nhưng đôi khi còn không an tâm vì nguồn hàng quá đa dạng. Do đó nếu siêu thị sợ tốn tiền, ngại đầu tư cho khâu kiểm nghiệm mà chỉ tin vào giấy tờ từ nhà cung cấp thì chất lượng hàng hóa sẽ rất hên xui, thậm chí rất không ổn khi nhà cung cấp tự làm bậy”, vị này khẳng định.
Ở góc độ nhà cung cấp mặt hàng rau cho siêu thị nhiều năm qua, ông Trịnh Văn Đông (TP Thủ Đức) “bắt mạch” việc chất lượng hàng hóa của nhiều siêu thị đôi khi còn hên xui là do không quản lý được ở cơ sở.
Cụ thể, theo ông Đông, mỗi siêu thị có đến vài chục, vài trăm, thậm chí cả nghìn điểm bán và nhà cung cấp thì gần như ở khắp các nơi, trong khi chất lượng và thương hiệu thì “thượng vàng hạ cám”, đơn cử riêng mặt hàng giá hiện có hàng trăm nhà cung cấp cho các siêu thị từ cơ sở nhỏ lẻ đến công ty.
“Chính sách tổng đưa ra thì nghe rất ổn, nhưng ở điểm bán có tuân thủ hay không thì không chắc. Nếu không kiểm soát chặt điểm bán, bộ phận thu mua thì rất dễ phát sinh tiêu cực trong khâu nhập hàng, chất lượng hàng hóa nhập vào vì thế khó kiểm soát”, ông Đông nói.
Cũng theo ông Đông, việc kiểm nghiệm phải duy trì thường xuyên và cần có xe kiểm nghiệm lưu động để kiểm tra đột xuất hàng hóa các nhà cung cấp, thậm chí ngay tại nơi sản xuất. Bởi hiện nay thường nhà cung cấp lựa hàng đẹp để chào hàng, nhưng theo thời gian nếu không kiểm soát thì khó duy trì chất lượng ổn định.
Cơ quan chức năng cũng gặp khó
Bà Phạm Khánh Phong Lan, giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho rằng về công tác quản lý, đơn vị đã tăng kiểm tra định kỳ và đột xuất, Chính phủ cũng đã cho tăng số lần kiểm tra định kỳ doanh nghiệp. Tuy nhiên, cái khó là không đủ nhân lực và kinh phí để làm cho đủ, đặc biệt khâu lấy mẫu.
Cụ thể, hiện sở có khoảng 250 thanh tra viên chia thành 10 đội, mỗi đội phải phụ trách 3 quận huyện với số lượng doanh nghiệp và cửa hàng rất lớn, công việc nhiều.
Về khâu lấy mẫu kiểm tra, hiện gần như chỉ vận động là chính, bởi hiện luật không bắt buộc các siêu thị phải lấy mẫu kiểm tra một cách cụ thể và lấy như thế nào, bao lâu lấy mẫu một lần. Trong khi kinh phí nhà nước thì eo hẹp.
“Lấy một mẫu để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là mất mấy triệu bạc, bằng cả lô rau. Thanh tra không phải cây đũa thần, một mình thanh tra không bao xuể mà cần có thêm quản lý thị trường, công an…”, bà Lan nói.
Trong khi đó, đại diện ngành quản lý an toàn thực phẩm một địa phương cho biết việc kiểm tra nhanh thực phẩm thì quy định không công nhận kết quả này, nếu không công nhận thì khi mua kit test sẽ khó được kho bạc thanh toán.
Nói về quản lý siêu thị, bà Lan thừa nhận vẫn có siêu thị “nói một đường làm một nẻo”, làm bậy nên vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát là rất lớn.
“Siêu thị có kinh phí, có quy định riêng với nhà cung cấp nên dễ làm hơn và họ phải ý thức được tầm quan trọng của việc này. Bởi nếu có vụ việc tiêu cực ngoài bị chế tài theo quy định còn ảnh hưởng rất nhiều đến thương hiệu siêu thị0ö, bà Lan nhận định.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho rằng vai trò kiểm soát đầu vào của siêu thị là rất quan trọng nên cần sớm có thêm các giải pháp cho các đơn vị này, nếu không tình trạng kinh doanh thực phẩm kém chất lượng sẽ còn tái diễn, người tiêu dùng sẽ còn bất an.
“Chúng tôi đã đưa ra chương trình “Kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP.HCM”, hay còn gọi là “Tick xanh trách nhiệm”, và được các hệ thống phân phối quyết tâm đồng hành. Đây là giải pháp tốt nhất hiện nay để các hệ thống phân phối khắc phục lỗ hổng kiểm soát này”, ông Phương khẳng định.
Có thêm giải pháp nào không?
Mới đây, TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã ngồi lại với nhau trong Hội nghị triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa. Điểm qua câu chuyện Bách Hóa Xanh bán giá ngâm chất cấm, hội nghị đã có nhiều ý kiến bức xúc và lo ngại về tình trạng chất lượng thực phẩm bẩn hiện nay và đưa ra giải pháp.
Đại diện một nhà sản xuất thực phẩm tại TP.HCM cho rằng nên giảm lập đoàn đi kiểm tra nóng vì cồng kềnh, tốn kém và thường đơn vị doanh nghiệp được biết trước nên đã chuẩn bị đối phó. Vì thế, nên tăng cường lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên, phạt nguội bằng cách công bố minh bạch kết quả cả tốt lẫn xấu, đăng tải trên phương tiện truyền thông.
Đồng quan điểm, ở góc độ nhà cung cấp rau, ông Trần Huy Đường, chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Langbiang Farm (Lâm Đồng), cho rằng cái cần hiện nay là phải minh bạch và công khai hóa mọi khâu kiểm soát chất lượng mà siêu thị tự triển khai và cơ quan quản lý nhà nước áp dụng, giám sát.
Thậm chí vận động người tiêu dùng chủ động mang mẫu thực phẩm đi kiểm nghiệm và cơ quan chức năng có nghĩa vụ hỗ trợ để đưa kết quả kiểm nghiệm này ra công bố, đảm bảo tính minh bạch.
Ông Đào Hà Trung, chủ tịch Hội Công nghệ TP.HCM, cho rằng cần gia tăng hơn nữa việc truy xuất nguồn gốc bằng áp dụng các công nghệ tiên tiến. Điều này không tốn nhiều chi phí nhưng bù lại kiểm soát tốt các thông tin về sản phẩm, từ đó dễ dàng hơn trong việc đưa ra các giải pháp quản lý chất lượng.
“Đơn vị sẵn sàng hỗ trợ miễn phí cho 5 tỉnh Tây Nguyên dịch vụ kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, thu hồi tự động áp dụng cho 3 triệu sản phẩm, và cho doanh nghiệp tại TP.HCM là 5 triệu sản phẩm.
Sau giai đoạn miễn phí, nếu doanh nghiệp muốn dùng tiếp dịch vụ này thì chỉ mất 35 đồng cho một sản phẩm. Việc này giúp ích rất lớn cho chương trình “Tick xanh trách nhiệm” mà ngành công thương TP.HCM triển khai để dần minh bạch hóa, nâng cao chất lượng thực phẩm vào hệ thống phân phối.
Xem xét thành lập đội thanh tra tại chợ Thủ Đức
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết sở sẽ xem xét để sớm thành lập đội thanh tra tại điểm chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức.
Bên cạnh đó sẽ siết chặt việc kiểm soát, vận động doanh nghiệp tăng lấy mẫu kiểm tra tại chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhieu-tang-kiem-tra-vi-sao-thuc-pham-ban-van-lot-vao-sieu-thi-20250103223459612.htm