Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam là sự kiện được Bộ Xây dựng tổ chức thường niên từ năm 2020 nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ tại Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (Theo Quyết định 280/QĐ-TTg ngày 13/03/2019 của Thủ tướng Chính phủ), các chiến lược, chương trình, kế hoạch về tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển đô thị bền vững.
Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2024 thu hút sự tham dự của đông đảo đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước, quốc tế và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, tư vấn, công nghệ xanh, tài chính xanh, vật liệu xanh.
Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Vũ Ngọc Anh và các đại biểu tại khai mạc Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2024. |
Qua 3 lần thành công tổ chức sự kiện vào các năm 2020, 2022, 2023, Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2024 tập trung thảo luận các chính sách mới trong lĩnh vực phát triển công trình xanh tại Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và phát triển công trình xanh, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu, thích ứng cao với công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Qua đó, sẽ tập hợp ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển công trình xanh trong nước và quốc tế để đề xuất các cơ chế, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công trình xanh, đô thị xanh, sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải trong lĩnh vực xây dựng.
Tại Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2024 triển lãm các sản phẩm, công trình xanh trong lĩnh vực xây dựng như: Vật liệu xanh, sinh thái, tiết kiệm năng lượng; giới thiệu các nhà đầu tư, doanh nghiệp; giới thiệu công nghệ xây dựng, mô hình quản lý dự án xanh…Ngoài ra tại sự kiện sẽ có 1 phiên toàn thể, 4 hội thảo chuyên đề gồm:
Chuyên đề 1: Phát triển nhà ở, bất động sản theo hướng xanh, tiết kiệm năng lượng; Chuyên đề 2: Thúc đẩy phát triển vật liệu xanh: giải pháp phát triển bền vững cho tương lai xanh; Chuyên đề 3: Quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và hạ tầng xanh; Chuyên đề 4: Kết hợp hiệu quả các giải pháp công nghệ và thiết bị hướng đến công trình tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải.
Phát triển nhà ở, bất động sản theo hướng xanh, tiết kiệm năng lượng
Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Mai Thị Liên Hương cho biết: Ngành Xây dựng là lĩnh vực đóng góp lớn vào lượng khí thải carbon liên quan đến năng lượng với hơn 30% lượng khí thải trên toàn cầu, là một tác nhân gây biến đổi khí hậu, dẫn đến sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lốc xoáy và giông bão mạnh, điển hình là cơn bão Yagi vừa qua đã gây hậu quả nghiêm trọng đến con người và nhà cửa của người dân các tỉnh phía Bắc…
Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Mai Thị Liên Hương phát biểu tại hội thảo chuyên đề 1. |
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 không chỉ đề ra các giải pháp phát triển số lượng nhà ở mà còn quan tâm đến nâng cao chất lượng sống theo hướng phát triển không gian xanh, bền vững, phát thải thấp.
Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 được Chính phủ phê duyệt năm 2023 với mục tiêu phát triển NƠXH, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bên cạnh đó, Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị 34/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới. Trong đó nhấn mạnh việc hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH; có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển NƠXH theo hướng mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng (TKNL), phát triển bền vững, phát thải carbon thấp. Việc xây dựng NƠXH xanh không chỉ giúp giảm phát thải mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà không làm tăng giá nhà. Tại chuyên đề 1, các đại biểu thảo luận về các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho mọi đối tượng nhằm đảm bảo chất lượng không gian sống và lợi ích môi trường.
Tăng trưởng xanh ứng phó với biến đổi khí hậu
Ông Lê Văn Kế, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, biến đổi khí hậu đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt. Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do tác động tiêu cực từ các hoạt động sản xuất của của con người, trong đó có hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD).
Ông Lê Văn Kế, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) phát biểu tại Hội thảo chuyên đề 2. |
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2025. Phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, đồng thời thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam.
Trong lĩnh vực phát triển VLXD, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển ngành VLXD. Trong các chính sách đó, mục tiêu phát triển bền vững, phát triển xanh, bảo vệ môi trường trong sản xuất VLXD luôn là một nội dung quan trọng.
Các đại biểu, chuyên gia tham dự Hội thảo cùng thảo luận về các giải pháp để thúc đẩy phát triển vật liệu xanh tại Việt Nam. |
Trong phần thảo luận, Phó Vụ trưởng Vụ VLXD Lê Văn Kế đã chia sẻ về các cơ chế, chính sách trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển VLXD tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Giám đốc điều hành của Vật liệu Cách âm – Cách nhiệt Cát Tường chia sẻ thêm về tính an toàn cháy của sản phẩm vật liệu cách nhiệt.
Ông Nguyễn Hải Anh, Giám Đốc Kĩ Thuật Saint-Gobain Việt Nam chia sẻ về điểm mạnh, điểm yếu của sản phẩm vữa tô nội thất gốc thạch cao so với vữa tô gốc xi măng truyền thống.
Ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Xi Măng Fico Tây Ninh chia sẻ những thách thức về chi phí trong quá trình sản xuất sản phẩm xi măng xanh ECOCem, qua đó khẳng định xi măng xanh có giá rất cạnh tranh, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty cổ phần Bê tông khí Viglacera đã chia sẻ về định hướng đầu tư sản phẩm bê tông khí chưng áp.
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Giang – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội khẳng định yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng là cơ chế, chính sách quản lý từ Trung ương tới địa phương. Nhân dịp này, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Giang cũng kiến nghị một số giải pháp để thúc đẩy phát triển vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng tại Việt Nam.
Ông Jacobo Perez Polaino – Tổng Giám đốc Công ty Sika Hữu hạn Việt Nam chia sẻ về chiến lược phát triển vật liệu xanh của Sika Việt Nam và đánh giá việc phát triển vật liệu xanh tại Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Tại Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2024 còn có hoạt động vinh danh các tổ chức, cá nhân có đóng góp cho phát triển xanh; Trao chứng nhận công trình xanh; Trao giải cuộc thi kiến trúc xanh sinh viên; Giải báo chí viết về công trình xanh.
Một số hình ảnh tiêu biểu tại Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2024:
Nguồn: https://baophapluat.vn/nhieu-su-kien-noi-bat-tai-tuan-le-cong-trinh-xanh-viet-nam-nam-2024-post527486.html