Anh Bùi Văn Tú, ở xã Kiến Thành (Đắk R’lấp), trước đây có 2 ha điều. Hiện anh đã phá bỏ vườn điều này và chờ mưa xuống để trồng 300 cây sầu riêng. Dự kiến, anh sẽ đầu khoảng 36 triệu đồng.
Anh Tú cho biết, sẽ đi làm thuê, cắt cỏ, làm công và trồng các loại cây ngắn ngày để tạo nguồn thu nhập trong thời gian chờ đợi vườn sầu riêng phát triển.
Dù chưa có nhiều kiến thức trồng và chăm sóc sầu riêng, nhưng anh sẽ vừa làm, vừa học. Theo anh Tú, sầu riêng là cây cho giá trị kinh tế cao hiện nay, nên anh đã quyết định đặt kỳ vọng vào loại cây này.
Anh Phạm Tấn Đới, ở xã Kiến Thành (Đắk R’lấp), có 1,5 ha điều. Anh đang tiến hành cắt bỏ vườn điều này để trồng sầu riêng. Anh đã đầu tư 14 triệu đồng để mua 140 cây sầu riêng giống để trồng khi mùa mưa đến.
Anh Đới làm nghề kinh doanh củi. Từ đầu năm đến nay, nhiều người dân đã cắt hạ khoảng 100 ha điều để bán củi cho anh và hầu hết diện tích này đều được chuyển đổi sang trồng sầu riêng.
Anh Đới cho biết: “Do mất mùa nhiều năm liền, nên nhiều người không còn muốn tái canh cây điều nữa. Bà con chọn trồng sầu riêng vì có giá trị kinh tế cao hiện nay”.
Theo tính toán của những người trồng sầu riêng, đến năm thứ 5, sầu riêng mới bắt đầu cho thu hoạch. Chi phí đầu tư mỗi ha sầu riêng từ khi xuống giống cho đến khi thu hoạch tốn khoảng 300 triệu đồng.
Với nhiều nông dân không còn nguồn thu nhập thì đây là mức chi phí rất lớn. Ngoài ra, việc người dân tự đánh giá đất, khí hậu để trồng sầu riêng còn rất chủ quan, nên chưa biết có mang lại hiệu quả hay không.
Diện tích sầu riêng của Đắk Nông hiện đạt 6.139 ha, vượt hơn 1.000 ha so với quy hoạch đến năm 2025. Trong đó, diện tích sầu riêng đã cho thu hoạch 2.039 ha, năng suất bình quân đạt 109,3 tạ/ha.
Theo Sở NN-PTNT, không chỉ điều mà nhiều loại cây trồng khác đang được người dân chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Hầu hết những người chuyển đổi sang trồng sầu riêng đều chưa có kinh nghiệm, kiến thức, nên đổi mặt với nhiều rủi ro.
Hiện nay, diện tích sầu riêng ở Đắk Nông đã vượt quy hoạch rất nhiều. Nguyên nhân được ngành Nông nghiệp đánh giá là do giá sầu riêng cao, hiệu quả kinh tế ổn định hơn so với điều và nhiều cây trồng khác.
Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, sầu riêng là cây trồng khó tính. Khu vực sản xuất sầu riêng cần bảo đảm đủ nước để tưới thường xuyên, khuất gió.
Bên cạnh đó, nguồn giống sầu riêng phải rõ ràng, bảo đảm chất lượng để tránh thiệt hại về lâu dài. Người trồng sầu riêng phải nắm rõ kỹ thuật quy trình chăm sóc mới mang lại hiệu quả.
Cũng theo bà Tình, sầu riêng đang hướng tới các thị trường xuất khẩu. Vì thế, người dân phải sản xuất sầu riêng theo các tiêu chuẩn nông nghiệp an toàn, có chứng nhận.
Hiện nay, để xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, đòi hỏi có mã vùng trồng. Với việc người dân phát triển sầu riêng tự phát, quy mô nhỏ lẻ sẽ không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, dễ xảy ra “khủng hoảng thừa” khi bước vào thu hoạch chính.
Sở NN-PTNT vừa khuyến cáo: Nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng. Các địa phương quản lý chặt việc sản xuất, kinh doanh, chất lượng cây giống sầu riêng để bảo đảm nguồn giống chất lượng khi cung cấp ra thị trường, tránh gây thiệt hại cho người nông dân.