Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhiều rào cản, đặc biệt cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất, đào tạo nhân lực, tiếp cận nguồn vốn cũng còn khó khăn. Đây là những điểm nghẽn cần quan tâm tháo gỡ.
Sáng 7/6, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, các nội dung liên quan đến ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn.
Tháo gỡ điểm nghẽn cho ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết góp phần giúp bà con nông dân tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động này còn hạn chế.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu các giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao rộng khắp để giúp nâng cao năng suất lao động và đời sống cho bà con nông dân. Đây cũng là băn khoăn chung của đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông).
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nên thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các biện pháp về khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo để có ứng dụng đạt hiệu quả cao nhất cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo Bộ trưởng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 của Việt Nam đạt 53,2 tỷ USD có phần đóng góp của khoa học công nghệ cao.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhận định, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhiều rào cản, đặc biệt cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất, đào tạo nhân lực, tiếp cận nguồn vốn cũng còn khó khăn. Đây là những điểm nghẽn cần quan tâm tháo gỡ.
Đồng thời, đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng nay còn thiếu công cụ phòng ngừa như bảo hiểm nông nghiệp và quỹ đầu tư bảo hiểm công nghệ cao. Do đó, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách để khắc phục khó khăn, vướng mắc.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có trách nhiệm trong việc bảo đảm cho các khu này phát triển một cách đúng mục tiêu, đúng định hướng.
Ngoài ra, cần triển khai đồng bộ tổng thể các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp thông qua các hoạt động hỗ trợ về khoa học, công nghệ.
“Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia cho lĩnh vực này, trong đó có một chương trình rất phù hợp, đó là chương trình sản phẩm quốc gia, chương trình phát triển công nghệ cao”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Đánh giá thêm về hiệu quả triển khai các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Nêu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho rằng, việc phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm, chưa phát huy được vai trò hạt nhân, lan tỏa, thúc đẩy phát triển ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của vùng và của cả khu vực.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá cụ thể thêm về tiến độ, hiệu quả triển khai các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời đưa ra những giải pháp để giúp các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát huy được xứng tầm, đáp ứng được kỳ vọng và góp phần tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp.
Thông tin thêm về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nhiều địa phương làm nông nghiệp công nghệ cao như Đà Lạt, Lâm Đồng… Khi chúng ta xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư cơ sở hạ tầng vào đó nhiều; các doanh nghiệp đầu tư chủ yếu vào vườn ươm khoa học, công nghệ, nơi sản xuất giống, cây trồng, vật nuôi hoặc những nơi trình diễn khoa học, công nghệ… Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, hiệu quả phát huy còn thấp.
“Bây giờ chúng ta khoanh vùng khu nông nghiệp công nghệ cao, dùng tiền của Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng vào đó, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào đó thì liệu có hiệu quả hay không? Hay vấn đề ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào những vùng, khu vực được quy hoạch nhưng chúng ta không gọi là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì đang có ý kiến khác nhau”, Chủ tịch Quốc hội phân tích thêm.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, để triển khai các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách hiệu quả, Bộ sẽ sửa Nghị định về khu công nghệ cao để mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, qua đó có những chính sách, cơ chế đặc thù cho lĩnh vực này.
Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cũng có sự phối hợp chặt chẽ trong xây dựng nghị định. Bộ trưởng hy vọng nghị định sẽ đi vào cuộc sống, góp phần phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cần thống nhất cách hiểu đúng về khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Tham gia giải trình, làm rõ về nội dung trên, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết hiện có nhầm lẫn giữa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với khu công nghiệp. Đa phần chúng ta vẫn quy hoạch rồi chúng ta kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà màng, nhà lưới, tưới nhỏ giọt, cộng thêm một chút tự động hóa…
Bộ trưởng cho rằng cần hiểu đúng bản chất về khu nông nghiệp công nghệ cao là nơi nghiên cứu, thực nghiệm và lan tỏa những thành tựu mới nhất về nông nghiệp. Đây không phải nơi chỉ sản xuất, sản xuất chỉ là phụ. Từ những thành quả nghiên cứu, thực nghiệm kết quả rồi mới đưa ra vùng nông nghiệp hay chuyển giao cho bà con nông dân ở từng mức độ.
Ngoài ra, cần phân biệt thế nào công nghệ cao. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết một số quốc gia sử dụng là nông nghiệp công nghệ, tức bất kỳ công nghệ nào phù hợp với năng lực sản xuất, trình độ sản xuất ở từng thời gian tạo giá trị chất lượng tối ưu để cạnh tranh trên thị trường, tạo thu nhập cho người nông dân.
Bộ trưởng nêu rõ, không thể lấy mô hình của các tập đoàn như TH hay Lộc Trời để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đó cho từng hộ nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long; tương tự như vậy trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản…
Bộ trưởng nhấn mạnh cần có chung thống nhất như trên, từ đó mới có thể xác định cách thức hợp tác, phương thức đầu tư, quản trị…
Theo Bộ trưởng, đến nay có 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công nhất, đúng bản chất nhất là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, nghiên cứu, thực nghiệm lan tỏa và đào tạo tiếp nhận thành tựu. Lõi của khu nông nghiệp cao phải từ viện, trường và các doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận kết quả và chuyển giao.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các viện, trường, trung tâm thông qua các bộ phận để chuyển giao kết quả nghiên cứu đến với người nông dân. Bộ sẵn sàng tạo kích hoạt, mở ra thị trường chuyển giao sản phẩm nghiên cứu.
Theo Báo Nhân dân