Nhiều quy hoạch được công khai với hình ảnh “mờ tịt”, doanh nghiệp chịu không đọc được
Tiếp cận thông tin quy hoạch đô thị và xây dựng khó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị quy định rõ cả nội dung và hình thức công khai quy hoạch.
Công khai quy hoạch cần cả bản chụp độ phân giải đủ để nhìn rõ thông tin
Góp ý Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn theo đề nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhắc đến những khó khăn trong tiếp cận quy hoạch của các doanh nghiệp.
“Nhiều doanh nghiệp phản ánh với VCCI về các khó khăn hiện nay khi cần tiếp cận thông tin quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng”, VCCI viết rõ trong phần đầu bản góp ý gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
VCCI đề nghị nghiên cứu cơ chế xã hội hoá các dịch vụ cung cấp thông tin quy hoạch. |
Thực tế, theo quy định hiện hành, các quy hoạch đều phải thực hiện đăng tải công khai trên mạng, tuy nhiên, các địa phương khác nhau thực hiện công việc này cũng rất khác nhau.
Một số địa phương đăng tải tương đối đầy đủ trên cổng thông tin điện tử các quyết định phê duyệt quy hoạch, bản đồ và thuyết minh đi kèm, kể cả các lần điều chỉnh. Không ít địa phương đăng tải không đầy đủ như chỉ đăng quyết định mà không đăng bản đồ; hoặc chỉ đăng bản đồ mà không có thuyết minh; hoặc chỉ đăng các đồ án quy hoạch mới mà không đăng các lần điều chỉnh; đặc biệt là rất ít địa phương đăng tải các lần điều chỉnh cục bộ.
Tình trạng này gây khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân khi muốn tra cứu thông tin về quy hoạch.
Về hình thức đăng tải, các địa phương hiện đăng tải quy hoạch chủ yếu dưới dạng file PDF hoặc file ảnh. Nhiều trường hợp các bản chụp dung lượng thấp, độ phân giải kém, hình ảnh “mờ tịt” khiến các doanh nghiệp không thể xem được thông tin mà mình cần.
Bên cạnh đó, VCCI cho biết, về việc cung cấp thông tin theo yêu cầu, các địa phương cũng đã có cải thiện nhưng vẫn chưa đồng đều.
Cụ thể, hiện nay, các doanh nghiệp đã có thể yêu cầu sở quy hoạch kiến trúc hoặc UBND cấp huyện xã cung cấp thông tin về quy hoạch, tra cứu quy hoạch. Các cơ quan này cũng có thể cung cấp thông tin dưới dạng văn bản chính thức, có xác nhận, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các bên giao dịch. Tuy nhiên, theo VCCI, có doanh nghiệp phản ánh tình trạng mất chi phí không chính thức mới có thể tra cứu quy hoạch như yêu cầu.
Thêm vào đó, việc cung cấp thông tin về quy hoạch thường chỉ áp dụng cho trường hợp doanh nghiệp yêu cầu một thông tin cụ thể nào đó. Còn trường hợp doanh nghiệp muốn có thông tin tổng thể để nghiên cứu, lựa chọn phương án đầu tư thì chưa thực sự đáp ứng.
Thực tế này khiến VCCI kiến nghị Dự thảo Luật cần quy định rõ việc công khai quy hoạch trên cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước phải được đăng tải đầy đủ cả quyết định, bản đồ, thuyết minh của tất cả các đồ án quy hoạch mới cũng như điều chỉnh quy hoạch tổng thể, điều chỉnh cục bộ.
Thứ hai, về hình thức công khai cần có quy định yêu cầu bản chụp phải rõ ràng, độ phân giải đủ để nhìn rõ các thông tin trong bản đồ quy hoạch. Đề nghị đăng tải đồng thời cả file CAD và bản chụp chính thức (nếu có sự khác biệt giữa hai bản thì bản chụp có giá trị chính thức). Việc đăng tải file CAD để tra cứu có ý nghĩa rất lớn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân khai thác thông tin quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế và đời sống xã hội.
Cùng với đó, VCCI đề nghị nghiên cứu cơ chế xã hội hoá các dịch vụ cung cấp thông tin quy hoạch. Theo đó, các đơn vị tư nhân có thể dùng các bản quy hoạch đã được công khai rồi thêm các giá trị gia tăng như tìm kiếm nhanh, so sánh giữa các lô đất, chồng chập bản đồ…
Xử lý chồng chéo, xung đột giữa các loại quy hoạch
Cũng gửi góp ý vào Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cũng coi xử lý chồng chéo, xung đột giữa các loại quy hoạch đây là một trọng tâm cần phải xử lý trong quá trình xây dựng pháp luật có liên quan.
Trên thực tế, dù đã có các quy tắc để bảo đảm tính thống nhất trong công tác xây dựng quy hoạch, nhưng việc nội dung các quy hoạch mâu thuẫn, chồng chéo là điều không thể tránh khỏi. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và bổ sung một số quy tắc trong việc áp dụng quy hoạch.
Cụ thể là, câu hỏi cần được trả lời ngay trong các quy định của Luật là khi có sự mâu thuẫn, chồng chéo nhau giữa các quy hoạch thì ưu tiên áp dụng quy hoạch nào?
Tình trạng này cũng tương tự như đối với văn bản quy phạm pháp luật, dù đã có các nguyên tắc về việc xây dựng văn bản pháp luật cấp dưới không được trái với văn bản cấp trên, các văn bản pháp luật phải thống nhất với nhau, nhưng cũng không thể tránh khỏi tình trạng chồng chéo, xung đột, mâu thuẫn. Chính vì thế, đối với văn bản quy phạm pháp luật vẫn có nguyên tắc ưu tiên áp dụng khi các văn bản có nội dung mâu thuẫn nhau.
“Điều này mang lại lợi ích to lớn do người dân và doanh nghiệp không phải đợi sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trước khi được thực hiện công việc của mình. Mặc dù điều này có thể dẫn đến nguy cơ bỏ qua quy định hợp lý mà lại áp dụng quy định bất hợp lý, nhưng tác động tiêu cực này nhỏ hơn so với việc phải chờ đợi sửa đổi văn bản”, VCCI đề xuất.
Coi việc xin điều chỉnh quy hoạch là 1 thủ tục hành chính
Theo quy định hiện hành, các quy hoạch chi tiết 1/500 do doanh nghiệp tự lập và đề nghị cơ quan nhà nước thẩm định, phê duyệt. Pháp luật cũng đã thiết kế thủ tục hành chính cho việc này theo đúng quy định về kiểm soát thủ tục hành chính tại Nghị định 63/2010/NĐ-CP.
Đối với các loại quy hoạch đô thị và nông thôn khác hiện nay do các cơ quan nhà nước lập, thẩm định và phê duyệt. Trên thực tế, nhu cầu của các doanh nghiệp trong việc xin điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung khá lớn. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ vẫn thường có đơn xin và cơ quan nhà nước vẫn xem xét và chấp thuận/không chấp thuận các đề nghị điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, pháp luật hiện nay không coi đây là một thủ tục hành chính mà chỉ mang tính đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp. Do đó, việc đề xuất này được xem xét, xử lý như thế nào hoàn toàn phụ thuộc từng cơ quan, từng địa phương mà không có thủ tục thống nhất trên toàn quốc.
Đây là lý do VCCI có ý kiến với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc quy định thêm các thủ tục hành chính cho việc xin điều chỉnh quy hoạch các cấp. Theo đó, doanh nghiệp có thể nộp đơn theo mẫu xin điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chung trên các cổng dịch vụ công. Nhà nước vẫn giữ quyền chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị của doanh nghiệp và phải trả lời rõ lý do trong thời hạn luật định.
“Việc minh bạch hoá thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chung vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa giúp cho hoạt động này được minh bạch hơn”, VCCI giải trình đề xuất gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được thiết kế với 5 chương, 8 mục, 61 điều, với 03 chính sách gồm:
(i) Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn;
(ii) Hoàn thiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn;
(ii) Hoàn thiện các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn, quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Nguồn: https://baodautu.vn/batdongsan/nhieu-quy-hoach-duoc-cong-khai-voi-hinh-anh-mo-tit-doanh-nghiep-chiu-khong-doc-duoc-d214668.html