Ngày 6.9, Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đồng tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến tham gia đối với Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi” nhằm thu thập ý kiến của của cơ quan trung ương và địa phương trước khi hoàn chỉnh trình Quốc hội thảo luận tại kỳ hợp tháng 10.2024.
Tại Hội thảo, ông Lê Minh Khiêm – Trưởng phòng Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cho biết, qua nghiên cứu, rà soát cho thấy mặc dù Nghị quyết số 107/2023/QH15 có hiệu lực từ kỳ tính thuế năm 2024 song việc kê khai, nộp thuế TNDN bổ sung có thời hạn từ 12 – 18 tháng sau khi kết thúc năm tài chính 2024.
Theo đó, trên thực tế, tới năm 2026 doanh nghiệp mới đến thời hạn áp dụng quy định tại Nghị quyết số 107/2023/QH15 và chưa thể đánh giá được hiệu quả và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện.
Do vậy, tại dự thảo Luật chưa bổ sung nội dung luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 107/2023/QH15 nêu trên để đảm bảo nguyên tắc, quan điểm xây dựng Luật là “Luật hoá những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm là phù hợp, bao gồm cả những nội dung đã được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật” – ông Khiêm chia sẻ.
Theo đó, Dự án Luật đã quy định chi tiết về các đối tượng người nộp thuế là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trên cơ sở luật hóa quy định đang được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật; Quy định rõ thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, bao gồm cả thu nhập từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh…
Về thu nhập được miễn thuế, dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung, tiêu chí và điều kiện cụ thể đối với một số khoản thu nhập được miễn thuế trên cơ sở luật hóa các quy định đã được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật;
Bổ sung quy định liên quan đến phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa được miễn thuế để quy định trường hợp pháp luật chuyên ngành không quy định cụ thể mức tỉ lệ của phần thu nhập không chia trên thu nhập tính thuế của cơ sở thực hiện xã hội hóa thì mức tỉ lệ tối thiểu là 25% thu nhập tính thuế; đồng thời, bổ sung đối tượng là liên hiệp hợp tác xã cho phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã năm 2023;
Bổ sung thêm một số khoản thu nhập được miễn thuế gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ các-bon lần đầu sau khi phát hành, thu nhập từ tiền lãi và từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành; Khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước và từ Quỹ hỗ trợ đầu tư do Chính phủ thành lập; khoản bồi thường của Nhà nước theo quy định của pháp luật; Khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; Thu nhập từ hoạt động có thu của Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh, Quỹ hỗ trợ đầu tư…
Về doanh thu tính thuế TNDN đã bổ sung quy định chi tiết về nguyên tắc xác định doanh thu và thời điểm xác định doanh thu tính thuế TNDN trên cơ sở luật hóa quy định tại các văn bản dưới Luật đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua. Và quy định cụ thể các trường hợp đặc thù hiện đang được hướng dẫn tại các văn bản dưới Luật để giao Chính phủ quy định chi tiết việc xác định doanh thu tính thuế TNDN.
Về phương pháp tính thuế đã bổ sung quy định áp dụng phương pháp tính thuế đơn giản theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 03 tỷ đồng trong trường hợp xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, khuyến khích cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, qua đó, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân và quy định mức thu cụ thể.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/nhieu-quy-dinh-moi-trong-luat-thue-tndn-sua-doi-bo-sung-1390230.ldo